Bệnh lý cường giáp và thai nghén

08:21 - 04/06/2022 Lượt xem: 424 Tác giả: Thanh Nga

Tuyến giáp có vai trò quan trọng với sức khỏe nói chung và chức năng sinh sản nói riêng bởi hormone do tuyến giáp sản xuất đều tham gia vào nhiều quá trình khi mang thai và nuôi con. Thực tế bệnh cường giáp ở phụ nữ làm tăng nguy cơ kinh nguyệt không đều, dẫn đến khó thụ thai, vô sinh, hiếm muộn,…

1. Bệnh cường giáp là gì? Và bị bệnh cường giáp có thai được không?

Bệnh cường giáp là một rối loạn hệ thống miễn dịch dẫn đến tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp vào máu gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể.

Cường giáp là bệnh nội tiết phổ biến thứ hai sau bệnh đái tháo đường với tỷ lệ gặp ở phụ nữ mang thai là 1/1.500. Vì các hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ thể khác nhau, các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến các cơ quan khác nhau. Thai phụ mắc cường giáp thường có các biểu hiện như tăng cân không đều, tim đập nhanh, nôn nhiều bất thường...

Thực tế Bệnh cường giáp ở phụ nữ làm tăng nguy cơ kinh nguyệt không đều, dẫn đến khó thụ thai, vô sinh, hiếm muộn,… Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bệnh nhân cường giáp không thể mang thai và sinh con. Các chuyên gia y tế cho biết, nếu phụ nữ điều trị bệnh cường giáp tích cực, đúng liệu trình và hiệu quả, họ vẫn có thể mang thai và sinh con như bình thường. Tuy nhiên để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho bé và sức khỏe cho mẹ, phụ nữ mắc bệnh nên điều trị rối loạn cường giáp ổn định trước khi có thai và sinh sản.

Nếu bạn dùng thuốc điều trị cường giáp kéo dài, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiếp tục sử dụng thuốc trong thời gian mang thai hoặc điều trị. Ngoài ra trong quá trình mang thai, mẹ bầu cũng cần thường xuyên đi thăm khám, theo dõi bệnh để có thể can thiệp sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

Nếu điều trị cường giáp chưa khỏi mà người bệnh mang thai, họ sẽ phải đối diện với nguy cơ cao hơn mắc biến chứng thai kỳ như: sinh non, sảy thai, thai chết lưu,… Đặc biệt nếu xuất hiện những cơn nhiễm độc giáp kịch phát, tính mạng của cả mẹ và bé đều bị đe dọa nếu cấp cứu và điều trị không kịp thời.

Thông thường, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản khi mắc bệnh cường giáp sẽ được ưu tiên điều trị ổn định trước khi mang thai. Nhưng nếu xác định mang thai, sử dụng thuốc có thể gây hại cho thai nên phẫu thuật sẽ được xem xét. Thời điểm phẫu thuật trị bệnh cường giáp tốt nhất là nửa đầu thai kỳ, khi thai đã ổn định nhưng chưa phát triển triệu chứng, biến chứng bệnh quá mức.

Như vậy, nếu bạn đang thắc mắc bệnh cường giáp có thai được không thì câu trả lời là có, nhưng cần làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

2. Nguyên nhân gây ra cường giáp trong thai kỳ

Khi mang thai, hormone HCG được sản xuất ra và đạt đỉnh điểm vào khoảng 12 tuần sau khi có thai. Điều này sẽ kích thích nhẹ tuyến giáp, đồng thời gây ra các triệu chứng cường giáp. Hormon HCG còn là nguyên nhân gây ra buồn nôn, ở phụ nữ mang đa thai thì nồng độ HCG còn tăng cao hơn và các triệu chứng càng rõ rệt hơn. Có tới 10 – 20% phụ nữ mang thai có xuất hiện những triệu chứng này nhưng đa số không cần điều trị.

Những phụ nữ có chứng nôn nghén nặng sẽ có thể có những triệu chứng cường giáp nhẹ. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường biến mất sau 3 tháng đầu.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như:

  • Rối loạn miễn dịch, ví dụ: bệnh Graves có khả năng làm cho tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh về tuyến giáp hay bệnh tự miễn sẽ có thể làm tăng khả năng mắc phải hội chứng cường giáp trong thai kỳ.
  • Một số loại thuốc như những thuốc giúp tim đập bình thường có thể gây cường giáp trong thai kỳ.
  • Nhiễm trùng gần tuyến giáp.
  • Các vấn đề khác về tuyến giáp: tuyến giáp phình to, sưng do nhiễm trùng hay ung thư tuyến giáp có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.
  • Nồng độ iốt cao có thể gây cường giáp.

3. Triệu chứng của bệnh cường giáp trong thai kỳ

cường giáp và thai nghén

Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cường giáp:

  • Giảm cân hay không tăng cân như mong đợi, thường xuyên có cảm giác thèm ăn, bị tiêu chảy hoặc là táo bón
  • Nhịp tim tăng nhanh và thở nhanh, ngay cả khi nghỉ ngơi bình thường
  • Tăng tiết mồ hôi và khả năng chịu nóng kém.
  • Tuyến giáp lớn , lồi mắt.
  • Lo âu, bồn chồn, hay mệt mỏi hoặc khó ngủ.
  • Run tay và yếu cơ.
  • Tăng huyết áp, bị đau đầu, buồn nôn và mờ mắt
  • Triệu chứng của bệnh cường giáp có thể giống với nhiều bệnh khác. Do đó, hãy đến cơ sở y tế biết được nguyên nhân chính xác nhất.

4. Nguy cơ của cường giáp đối với bà bầu

Bệnh có thể bắt đầu xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị bệnh trước đó. Ngoài các triệu chứng điển hình, phụ nữ mang thai còn có thể bị đẻ non hoặc bị tiền sản giật. Ngoài ra, mẹ còn có nguy cơ cao bị suy tim, hay nhiễm độc giáp cấp. Bệnh có khả năng được cải thiện vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc cũng có thể sẽ trở nên nặng hơn ở thời kỳ hậu sản.

5. Nguy cơ cường giáp đối với thai nhi

Cường giáp không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai nhi chậm phát triển, trẻ dễ bị đẻ non, thai nhi chết lưu, có thể bị dị tật bẩm sinh. Đây là lý do tại sao việc điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là vô cùng quan trọng.

TSI (hóc môn có tác dụng kích thích tuyến giáp) tăng quá cao: có thể tác động xấu đến tuyến giáp của thai nhi, gây ra cường giáp ở trẻ sơ sinh.

Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?