Bệnh sốt virus - bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa

10:54 - 11/07/2022 Lượt xem: 458 Tác giả: Thu Hoàng

Sốt siêu vi (hay còn gọi là sốt virus) là phản ứng sốt ở trẻ khi nhiễm một loại virus nào đó. Sốt virus thường cấp tính, kéo dài 3 – 5 ngày, ít khi quá 7 ngày. Sốt virus có thể đơn thuần và tự khỏi nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác, gây diễn biến nặng tùy vào từng loại virus và cơ địa của trẻ.

1. Biểu hiện sốt virus ở trẻ

Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ nhiễm virus là sốt ở nhiều mức độ khác nhau, có thể là sốt thoáng qua, sốt nhẹ hoặc có những trẻ sốt cao liên tục. Khi trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật do sốt. Trẻ có thể sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dầu hiệu khác tùy từng loại virus và từng trẻ như ho, chảy mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…

Nhiều loại virus có thể gây bệnh cảnh rất nặng đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề như virus gây viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh tay – chân – miệng, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Rota gây tiêu chảy mất nước…

sốt virus

2. Sốt virus ở trẻ em có nguy hiểm không?

Sốt virus ở trẻ em thường không nguy hiểm, khi được điều trị tích cực, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm

Tuy nhiên diễn biến của bệnh sốt virus nhanh, nếu trẻ không được điều trị đúng cách và kịp thời, hoàn toàn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm virus có ở trẻ sẽ trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng trên nhiều cơ quan của cơ thể nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách như: viêm phổi nặng do RSV, cúm, phù não, viêm cơ tim, phù phổi do virus tay chân miệng; chảy máu, sốc do sốt xuất huyết…

3. Điều trị và phòng ngừa sốt virus thế nào?

Điều trị sốt virus chủ yếu là điều trị triệu chứng, bởi hầu hết các bệnh do virus gây ra đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dưới đây là cách xử trí khi trẻ bị sốt virus:

  • Cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát, không để gió lùa, đồng thời không nên để nhiệt độ phòng quá thấp so với nhiệt độ cơ thể trẻ.
  • Theo dõi nhiệt độ của trẻ: sử dụng cặp nhiệt độ ở nách hoặc ở hậu môn. Khi cặp nhiệt độ ở nách, phải giữ nhiệt kế trong nách tối thiểu 3 phút, cánh tay của bé đặt sát vào ngực. Khi trẻ bị sốt cần phải hạ sốt bằng cách:
  • Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Thuốc thường được sử dụng là Paracetamol với liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/ lần, các lần cách nhau từ 4 - 6 giờ.

sốt virus

  • Bố mẹ có thể chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, thường xuyên lau khô mồ hôi, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát. Khi trẻ đang sốt cao cần cởi bớt quần áo và bỏ bớt chăn ra.
  • Khi trẻ sốt dưới 38,5 độ C, lau người cho trẻ bằng nước ấm. Dùng khăn sạch, mềm, nhúng vào nước ấm, vắt bỏ bớt nước rồi lau khắp mình trẻ, đặc biệt ở vùng nách và bẹn, cho tới khi nhiệt độ xuống 37 độ C.
  • Lưu ý: tuyệt đối không được chườm nước lạnh bởi nước lạnh sẽ gây co mạch ngoại vi, làm cho sốt cao thêm.
  • Chống co giật: Khi trẻ sốt cao rất có thể bị co giật, đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể để lại di chứng về sau. Bởi vậy khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, bác sĩ có thể sẽ cho trẻ sử dụng thuốc chống co giật, đặc biệt là với những trẻ đã từng bị co giật khi sốt cao trước đây.
  • Cần bù nước và điện giải cho trẻ: Khi sốt cao, ra nhiều mồ hôi, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải, nên cần phải bù lại cho trẻ. Với những trẻ vẫn còn bú, mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn bình thường, cho trẻ bú nhiều lần trong ngày. Với các trẻ không còn bú, cho trẻ uống Oresol theo chỉ dẫn.
  • Thực hiện các biện pháp chống bội nhiễm: Cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho bé, sử dụng Natri clorid 0,9 % để nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ, phòng tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
  • Chế độ dinh dưỡng: khi bị sốt virus, trẻ thường có biểu hiện chán ăn, nên các mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, nên lựa chọn các món ăn loãng, dễ ăn như cháo, súp,.. Ngoài ra cần cho trẻ uống thêm các loại nước hoa quả như nước cam, nước chanh,... để tăng cường sức đề kháng.
  • Vệ sinh: bố mẹ cần vệ sinh cơ thể cho trẻ một cách sạch sẽ, sử dụng nước ấm để tắm rửa cho trẻ trong phòng kín, tránh gió lùa.

Phòng ngừa:

Để phòng ngừa nhiễm virus, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc nguồn lây: tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus, tránh nơi đông người, nằm màn, phun thuốc diệt muỗi… Cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ: cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu đời), thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh; tiêm phòng đầy đủ vaccine tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus (cúm, sởi, quai bị, viêm não nhật bản, bại liệt, rotavirus…).

Ngoài những thông tin bài viết ở trên, bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa còi xương ở trẻ
Grow baby dạng xịt - Hỗ trợ phát triển chiều cao và trí não cho trẻ
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm miệng
Một số triệu chứng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh