Biến chứng viêm tai giữa ở trẻ em

10:54 - 05/06/2022 Lượt xem: 240 Tác giả: Thu Hoàng

Viêm tai giữa là căn bệnh nhiễm trùng tai phổ biến nhất hiện nay. Phát hiện và điều trị viêm tai giữa sớm chính là cách đơn giản nhất để phòng tránh các biến chứng này.

1. Giảm thính lực

Hầu hết người bệnh bị ứ dịch tai giữa đều bị giảm thính lực dẫn truyền. Dịch lấp đầy trong hòm nhĩ ngăn cản màng nhĩ rung động đầy đủ, do đó làm giảm chuyển động của chuỗi xương con. Tình trạng này vẫn sẽ kéo dài khi mà dịch vẫn còn ứ đọng ở trong tai giữa.

Mặc dù đã điều trị bằng kháng sinh thích hợp, dịch trong tai giữa vẫn có thể tồn tại trong vài tuần, thậm chí đến vài tháng. Vì thế, việc giảm thính lực này gây khó chịu không nhỏ cho người bệnh. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, nếu sức nghe vẫn giảm kéo dài sau nhiều tuần, bạn cần đi khám và theo dõi vì có thể đây là giảm thính lực thần kinh.

2. Thủng màng nhĩ

Thủng màng nhĩ là một trong những biến chứng thường gặp nhất của viêm tai giữa. Màng nhĩ bị căng phồng do chất dịch ứ đọng phía sau, gây ra các cơn đau khó chịu và khiến người bệnh bị sốt.

Theo thời gian, màng nhĩ sẽ bị tổn thương nặng hơn, dẫn đến thủng do tình trạng căng phồng quá mức. Khi đó, dịch từ trong tai giữa sẽ thoát ra ngoài, không còn áp lực nên các cơn đau tai cũng sẽ thuyên giảm dần.

Nếu kích thước lỗ thủng không quá lớn thì màng nhĩ có thể tự liền lại. Có đến 90% trường hợp thủng màng nhĩ tự lành sau một thời gian. Tuy nhiên, khi viêm tai giữa đã trở thành mãn tính, các lỗ thủng của màng nhĩ sẽ không thể tự hồi phục, gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bệnh.

3. Viêm tai giữa gây xơ cứng hoặc co rút màng nhĩ

Ngoài ra, tình trạng viêm tai giữa thường xuyên cũng có thể dẫn đến xơ cứng hoặc co rút màng nhĩ. Xơ cứng là tình trạng vôi hóa mô liên kết của màng nhĩ. Ở hầu hết trẻ em thì xơ xứng không ảnh hưởng nhiều về mặt chức năng. Nhưng ở một số trường hợp, tình trạng xơ cứng có thể ảnh hưởng đến các xương con làm mất thính giác dẫn truyền.

4. Viêm xương chũm

viêm tai giữa

Xương chũm (Mastoid bone) là một khối xương nằm ngay ở phía sau vành tai. Nó cũng là một bộ phận cấu thành nên thành trong của tai giữa. Do đó, viêm tai giữa hoàn toàn có thể biến chứng thành viêm tai xương chũm, đặc biệt là viêm tai giữa mãn tính. Đồng thời, viêm tai giữa cũng có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần nếu tình trạng viêm xương chũm chưa được giải quyết.

Biểu hiện của viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm trên lâm sàng rất rầm rộ. Người bệnh sốt cao kéo dài, nghe kém tăng lên rõ rệt. Thường đau tai rất dữ dội, đau thành từng đợt và lan rộng ra cả vùng xương chũm hoặc thái dương gây nhức đầu. Người bệnh cũng có thể ù tai hay chóng mặt, chảy mủ tai thường xuyên và nề, đỏ vùng chũm.

5. Viêm tai giữa mạn tính

Nếu viêm tai giữa cấp không được giải quyết có thể dẫn đến viêm tai giữa mạn tính. Viêm tai giữa mạn tính được định nghĩa là thủng màng nhĩ với chảy mủ mạn tính từ tai giữa kéo dài hơn 6 tuần. Tình trạng nghe kém dẫn truyền của người bệnh ngày càng tăng, có thể có đau đầu âm ỉ.

Bệnh lý này ít khi tự khỏi mà sẽ kéo dài gây giảm sức nghe. Chính nó cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Nếu tình trạng thủng màng nhĩ và tiết dịch của bạn vẫn còn dù đã dùng kháng sinh, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được cấy vi khuẩn, đảm bảo điều trị kháng sinh tối ưu.

6. Các biến chứng nội sọ

Biến chứng nội sọ do tai là một tình trạng còn phổ biến ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người lớn. Tỷ lệ tử vong của biến chứng này vẫn còn cao, vì thế khi phát hiện, người bệnh cần được chuyển đến chuyên khoa để điều trị kịp thời.

Bệnh viêm tai giữa có thể gây ra các biến chứng nội sọ như viêm tĩnh mạch bên, viêm màng não, viêm não, áp xe não… Đây đều là những biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Viêm tĩnh mạch bên có thể gây tắc tĩnh mạch và nhiễm trùng huyết. Trong khi đó, viêm màng não thường gây ra tình trạng buồn nôn, đau đầu, tê cứng cổ và toàn cơ thể, lơ mơ hay thậm chí là hôn mê cấp tính.

Viêm não, áp xe não cũng có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề như liệt hoặc chậm phát triển trí tuệ. Vì thế, đây được xem là một trong các biến chứng viêm tai giữa nguy hiểm nhất mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý.

7. Liệt mặt

Liệt mặt là một biến chứng hiếm gặp của viêm tai giữa, được hình thành thông qua hai cơ chế sau:

  • Sự nhiễm trùng từ tai giữa lan trực tiếp đến dây thần kinh mặt. Khi dây thần kinh bị viêm và sưng lên trong một không gian hạn chế, nó bị chèn ép dẫn đến liệt mặt.
  • Trong bối cảnh nhiễm trùng, sự bào mòn của xương ngay bên trên dây thần kinh mặt có thể trực tiếp chèn ép vào nó gây liệt.

Bệnh viêm tai giữa là bệnh lý gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều trị sớm và đúng cách là một trong những cách để phòng tránh biến chứng viêm tai giữa. Vì thế, khi có các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám, xét nghiệm quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY, hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa còi xương ở trẻ
Grow baby dạng xịt - Hỗ trợ phát triển chiều cao và trí não cho trẻ
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm miệng
Một số triệu chứng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh