Chăm sóc trẻ sơ sinh già tháng như thế nào?

08:03 - 25/09/2020 Lượt xem: 1347

Khi thai kỳ quá ngày, nhau và gai nhau bị thoái hóa, tuần hoàn mẹ – con giảm, không đủ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho thai dẫn đến suy thai trường diễn. Do đó trẻ thường ốm yếu, dễ bị bệnh và khó nuôi. Trẻ già tháng cần được chăm sóc […]

Khi thai kỳ quá ngày, nhau và gai nhau bị thoái hóa, tuần hoàn mẹ – con giảm, không đủ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho thai dẫn đến suy thai trường diễn. Do đó trẻ thường ốm yếu, dễ bị bệnh và khó nuôi. Trẻ già tháng cần được chăm sóc cũng như trẻ sơ sinh đặc biệt. Trẻ sơ sinh già tháng cũng như non tháng, nhẹ cân thường gặp nhiều nguy cơ, bệnh lý phức tạp và khó điều trị hơn trẻ đủ tháng. Trong đó nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng và hạ đường máu là thường gặp hơn cả.

1. Phương pháp điều trị chung đối với trẻ sơ sinh già tháng

Đảm bảo đường thở thông thoáng

Do suy chức năng nhau nên trẻ dễ bị ngạt, hít nước ối do đó ngay sau sinh nữ hộ sinh, bác sĩ sẽ:

+ Hút đờm nhớt ngay khi đầu vừa sổ nhưng thân trẻ còn trong khung chậu của người mẹ. Nếu thấy có phân su sệt, bác sĩ có thể đặt nội khí quản, hút đàm nhớt và bơm rửa bên trong khí quản.

+ Trẻ thường được thử dịch dạ dày, dịch họng.

+ Nếu trẻ bị ngạt thì được điều trị như trường hợp suy hô hấp.

Điều trị viêm đường hô hấp

Nếu bị viêm phổi trong tử cung trẻ được điều trị như viêm phổi nặng sơ sinh. Trường hợp nhiễm trùng diễn biến nặng bác sĩ sẽ điều trị dựa theo kháng sinh đồ.

Điều chỉnh rối loạn điện giải và dinh dưỡng

– Oxy liệu pháp – nâng thể trạng – trợ tim.

– Cho ăn liều lượng tăng dần qua ống thông với sữa mẹ hoặc sữa nhân tạo dễ tiêu hóa.

– Nếu có tăng kích thích hoặc bị co giật sẽ được cho thuốc an thần.

2. Chăm sóc trẻ sơ sinh già tháng

Chăm sóc trẻ sơ sinh già tháng

2.1. Chăm sóc về dinh dưỡng

Sau khi được hồi sức sau sinh, nếu trẻ khá hơn có thể chuyển sang cho bú mẹ hoặc bú bình. Cần cho trẻ ăn sớm và đầy đủ. Trẻ càng có cân nặng thấp thì càng cần cho ăn nhiều bữa, số lượng mỗi bữa ăn tăng dần tùy theo tình trạng thích nghi của trẻ.

Sữa quá đậm đặc sẽ có nguy cơ mất nước, phù, tiêu chảy, bất dung nạp lactose, chậm làm trống dạ dày dẫn đến nôn ói.

Nếu trẻ có biểu hiện nôn ói, chướng bụng có thể do nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, tắc ruột. Việc cho ăn cần chậm lại hoặc bác sĩ sẽ chuyển sang nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch.

2.2. Nhu cầu về nước của trẻ sơ sinh già tháng

Tùy theo tuổi thai, tình trạng bệnh, môi trường, tương đương với lượng nước tiểu + lượng nước mất không nhìn thấy được + bất kỳ mất nước bất thường nào khác.

Trẻ cân nặng <1000g, lượng nước mất không nhìn thấy khoảng 2 – 3 ml/kg/giờ vì da mỏng, lớp mỡ dưới da mỏng, diện tích tiếp xúc lớn.- Trẻ có cân nặng lớn hơn (2000 – 2500g), thường lượng nước mất không nhìn thấy khoảng 0,6 – 0,7 ml/kg/giờ

Vì trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ nhẹ cân, khả năng cô đặc nước tiểu kém nên việc cân bằng nước ra vào rất quan trọng.

2.3. Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn

Trẻ dễ nhiễm trùng nhất là trẻ nhẹ cân, nên:

+ Người nuôi trẻ phải rửa tay sạch đến khuỷu trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.

+ Giảm thiểu sự nhiễm trùng thức ăn, những vật dụng tiếp xúc với trẻ.

+ Chống nhiễm trùng không khí, tránh quá đông người, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác, không cho người nào có nhiễm trùng vào phòng của trẻ. Tuy nhiên, không nên quá giới hạn trong việc cho trẻ tiếp xúc với cha mẹ.

2.4. Theo dõi và phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường:

Chăm sóc trẻ sơ sinh già tháng

– Trẻ quấy khóc hoặc li bì, khó đánh thức.

Khóc là một cách thông tin. Trẻ có thể khóc do những nhu cầu khác nhau. Những nguyên nhân thường gặp là:

+ Đói, đặc biệt nếu trẻ bú xong đã 2 – 3 giờ.

+ Khó chịu, do tã ướt hoặc dơ, quần áo quấn quá chặt, quá lạnh hoặc quá nóng.

+ Trẻ cần được thay đổi tư thế.

+ Trẻ nghẹt mũi.

+ Trẻ sơ sinh dễ bị kích thích. Trẻ thường không chịu được quá nhiều đụng chạm từ người xung quanh.

+ Trẻ bị bệnh.

– Bú ít hoặc bỏ bú.

Nếu quá 4 giờ trẻ không chịu bú là dấu hiệu cần chú ý, nhất là nếu thấy trẻ có vẻ buồn ngủ, mệt, quấy khóc hoặc có cử động bất thường. Nhiều bệnh có thể có những dấu hiệu này, nhưng trong 2 tuần đầu nguyên nhân thông thường nhất là nhiễm trùng máu hoặc uốn ván.

– Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh già tháng:

+ Nôn ói. Trẻ bị nôn ói nhiều quá sẽ bị mất nước, sụt cân. Nếu kèm theo bị tiêu chảy, có thể là trẻ bị viêm đường ruột, nhiễm trùng máu, viêm màng não và nhiều bệnh viêm nhiễm khác cũng có thể gây nôn ói. Nếu chất nôn ra màu xanh hay vàng có thể là trẻ bị tắc ruột, đặc biệt khi bụng trẻ chướng căng, hoặc không đi ngoài được, cần cho trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

+ Tiêu chảy hoặc táo bón; thay đổi màu của phân, có mùi hôi, phân có lẫn nhầy máu hoặc bí trung đại tiện.

– Nước tiểu: tiểu ít, đậm màu.

Điều này có thể do không được cung cấp đủ nước theo nhu cầu bình thường của trẻ hoặc do mất nước.

– Theo dõi thân nhiệt cho trẻ sơ sinh già tháng

Theo dõi thân nhiệt của trẻ sơ sinh già tháng

+ Thân nhiệt quá thấp (dưới 350C) có thể do không đủ ấm nhưng cũng có thể do nhiễm trùng. Nếu không đủ ấm thì cần ủ ấm cho trẻ bằng áo ấm, găng tay, vớ, túi chườm nóng, lò sưởi hoặc dùng phương pháp Kanguroo (cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ).

+ Sốt cao (trên 390C) là dấu hiệu nhiễm trùng. Sốt cao nguy hiểm đối với trẻ mới đẻ. Cởi hết tã lót, dùng nước ấm để lau cho trẻ. Phải hết sức chú ý xem có mất nước không. Nếu thấy có dấu hiệu mất nước, phải cho trẻ bú sữa mẹ và uống thêm nước.

– Màu da, các ngón chi: xanh tái, vàng.

Nếu môi và mặt màu xanh tím có thể bị viêm phổi hoặc có bệnh tim bẩm sinh hoặc dị tật bẩm sinh đường hô hấp khác. Trẻ có thể có vàng da nhẹ bắt đầu vào ngày thứ hai – thứ ba sau sinh và chấm dứt khoảng ngày thứ tám – thứ mười, thường là không nghiêm trọng, nên cho trẻ tắm nắng buổi sáng. Trong trường hợp vàng da xuất hiện sớm trong vòng 36 giờ sau sinh có thể do nhiễm trùng sơ sinh, bất đồng nhóm máu Rhérus hay nhóm máu ABO, thiếu hụt men G6PD bẩm sinh hoặc nếu vàng nhiều, kéo dài cần đưa trẻ đi khám.

– Rối loạn hô hấp

Hỗ trợ hô hấp cho trẻ khi cần thiết

+ Nếu mũi bị ngạt, thì hút mũi cho trẻ.

+ Thở nhanh (50 lần/phút hoặc hơn), da xanh, thở khò khè, co rút hõm ức và các cơ xương sườn, có thể là dấu hiệu của viêm phổi. Trẻ mới đẻ bị viêm phổi không ho, đôi khi không thấy một dấu hiệu phổ biến nào của bệnh này.

– Sờ thóp (chỗ mềm ở đỉnh đầu):

+ Nếu thóp lõm, trẻ có thể bị mất nước.

+ Nếu thóp phồng, trẻ có thể bị viêm màng não.

Cần chú ý: Nếu trẻ mới đẻ bị viêm nàng não, đồng thời lại bị ỉa chảy, thóp có thể bình thường. Vì vậy, muốn chắc chắn phải tìm thêm những dấu hiệu khác của mất nước và viêm màng não.

– Co giật:

Nếu trẻ mới đẻ có sốt, xử trí như đã nói trên. Trẻ bị co giật ngay sau khi đẻ, chắc là có tổn thương ở não khi đẻ. Nếu co giật xảy ra sau ít ngày, theo dõi cẩn thận những dấu hiệu của viêm màng não hoặc uốn ván… Khi trẻ có các biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đến khám và điều trị tốt nhất là các cơ sở có chuyên khoa Nhi sơ sinh.

Để cập nhật các kiến thức về sản phụ khoa và các kiến thức sau sinh. Bạn có thể truy cập website: SAN43NGUYENKHANG.VN. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, bạn có thể truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.31.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Vì sao các mẹ bầu lựa chọn phòng khám 43 Nguyễn Khang để khám thai?
Phòng khám 43 Nguyễn Khang đồng hành cùng Festival Mẹ bầu và em bé 2023
Hướng dẫn chi tiết cách đặt lịch Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang
Khám phụ khoa ở đâu tốt? - Địa chỉ khám phụ khoa uy tín Hà Nội
Những điều bí mật của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang