Gan nhiễm mỡ khi mang thai và biến chứng mẹ bầu cần biết

14:49 - 26/08/2022 Lượt xem: 455 Tác giả: Thu Hoàng

Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý phổ biến, được chia thành ba mức độ: nhẹ, vừa và nặng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai. Vậy gan nhiễm mỡ khi mang thai có nguy hiểm không? và những điều cần biết.

1. Gan nhiễm mỡ khi mang thai có nguy hiểm không?

Bệnh gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ và vừa thường có chức năng gan bình thường, không có triệu chứng điển hình và không xảy ra biến chứng. Khi đó, phụ nữ mắc gan nhiễm mỡ khi mang thai sẽ rất ít bị ảnh hưởng đến thai kỳ.

Tuy nhiên, sản phụ sau sinh cần phải điều tiết những thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực, chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện ra các bất thường và có biện pháp xử lý, đảm bảo sức khỏe mẹ và bé.

Với trường hợp gan nhiễm mỡ mức độ nặng hay gan nhiễm mỡ cấp tính lại là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe. Bệnh thường xuất hiện ở những bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ, hậu quả xấu nhất có thể dẫn đến tử vong.

gan nhiễm mỡ khi mang thai

2. Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ khi mang thai

Nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ cấp ở thai kỳ hiện nay vẫn chưa rõ. Bệnh mang tính chất di truyền, thuộc bệnh lý ti lạp thể. Những bất thường trong cấu tạo vi thể của ti lạp thể và trong sự hoạt động của các men chu trình urê ti lạp thể đã được tìm thấy trong gan của những bệnh nhân này. 

Người mẹ có một hay nhiều lần bị bệnh này sẽ có sự thiếu hụt men xúc tác trong quá trình ôxy hoá ti lạp thể của acid béo ở trẻ. Trẻ có khiếm khuyết này bị hạ đường huyết, hôn mê và có nồng độ các men gan bất thường hoặc đột tử không tìm ra nguyên nhân.

3. Biểu hiện của gan nhiễm mỡ khi mang thai

gan nhiễm mỡ khi mang thai

Những biểu hiện ban đầu của gan nhiễm mỡ khi mang thai thường dễ bị nhầm lần với triệu chứng thông thường của thai kỳ:

  • Buồn nôn, nôn
  • Nhức đầu
  • Đau vùng hạ sườn phải
  • Chán ăn
  • Khát nước
  • Mệt mỏi
  • Vàng da
  • Sốt
  • Có thể đi kèm với tiền sản giật. Nên dễ bị nhầm lẫn với tiền sản giật và hội chứng HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyến, tăng men gan và giảm tiểu cầu).

4. Đối tượng có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ trong thai kỳ

Một số đối tượng mang yếu tố nguy cơ cao dễ mắc gan nhiễm mỡ khi mang bầu:

  • Phụ nữ mang thai lần đầu
  • Bầu đa thai
  • Mang thai bé trai
  • Sản phụ nhẹ cân với mức BMI<20
  • Bà bầu trẻ tuổi
  • Người nghiện rượu
  • Béo phì
  • Mắc bệnh lý: tiểu đường, hội chứng Cushing, hội chứng Reye

5. Biến chứng của gan nhiễm khi mang thai

  • Làm giảm các chức năng gan, phá hủy các tế bào gan gây xơ gan, thậm chí dẫn đến ung thư gan...
  • Suy gan, bệnh não gan.
  • Rối loạn đông máu.
  • Băng huyết.
  • Hạ đường huyết.
  • Nhiễm trùng.
  • Thai chết lưu.
  • Trường hợp gan nhiễm mỡ cấp tính bệnh nhân sẽ bị vàng da, suy gan, có biểu hiện rối loạn tâm thần thậm chí có thể gây tử vong.

6. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ khi mang thai

Gan nhiễm mỡ cấp tính thường khó phát hiện khi thăm khám gan do bệnh thường xảy ra vào giai đoạn thai đã lớn, vì vậy cần phải nhờ đến các xét nghiệm và các dấu hiệu để chẩn đoán như:

  • Huyết áp tăng nhẹ
  • Thai phụ thường xuyên khát nước
  • Suy thận nhẹ hơn so với nhiễm độc thai
  • Men gan tăng vừa phải (phân biệt với viêm gan do siêu vi hay độc tố)
  • Chỉ số Bilirubin tăng nhẹ (phân biệt với viêm gan do siêu vi hay độc tố)
  • Thực hiện siêu âm để loại trừ nguyên nhân khác như: u gan, nhồi máu gan, các bệnh lý đường mật...

7. Điều trị gan nhiễm mỡ khi mang thai

gan nhiễm mỡ khi mang thai

Hiện nay, bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính ở thai phụ chưa có thuốc đặc trị, do đó khi mang thai sản phụ cần thường xuyên thăm khám, siêu âm thai định kỳ theo quy định.

Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp các bác sĩ phát hiện triệu chứng bệnh sớm và có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu để muộn khiến bệnh trở nặng sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

8. Chế độ dinh dưỡng dành cho phụ nữ bị gan nhiễm khi mang thai

gan nhiễm mỡ khi mang thai

Để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh cũng như đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, bà bầu cần lưu ý:

  • Thăm khám thai định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Đặc biệt, khi thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể cần tới gặp bác sĩ ngay.
  • Magnesium và chất chống oxy hóa như vitamin C và E đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ gan, giúp thanh lọc, giải độc, hỗ trợ chức năng gan, có nhiều trong:  rau xanh, hạt bí ngô, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây họ cam quýt. Nên ăn nhiều rau, trái cây, thức ăn có chứa chất xơ để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.
  • Những thực phẩm giúp chức năng gan nhanh phục hồi: cần tây, cà rốt, rau mùi, trà xanh, trà hoa cúc, trà bạc hà, cam, chuối, chanh...Thức ăn không chứa năng lượng như tảo, rong biển, nấm cũng rất tốt với những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Cố gắng giảm thiểu hoặc tránh nạp các thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều muối. Giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như: phủ tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà.
  • Ăn ngủ đúng giờ, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
  • Rèn luyện thân thể đều đặn bằng những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức.
  • Điều trị tốt các bệnh lý, “cai” đồ uống có cồn trước khi có ý định mang thai. Cần thông báo cho bác sĩ sản khoa về những bệnh lý bản thân đã và đang mắc phải.

Gan nhiễm mỡ ở phụ nữ mang thai nếu được theo dõi sát sao và can thiệp kịp thời sẽ không quá đáng ngại. Do đó, bà bầu cần đặc biệt tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và giữ tinh thần thoải mái.

Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

 

 

Bài viết liên quan

Dấu hiệu đau bụng mẹ cần phải đi khám ngay
CẢNH BÁO các vấn đề về sức khỏe mẹ bầu thường gặp phải trong mùa lạnh
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh tim
Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Viêm gan C với thai nghén