Hội chứng kháng phospholipid

16:15 - 20/07/2022 Lượt xem: 436 Tác giả: Lê Huyền Trang

Khoảng 20% phụ nữ bị sảy thai liên tiếp được chẩn đoán là bắt nguồn từ nguyên nhân miễn dịch mà phổ biến nhất là do mẹ bầu bị hội chứng Antiphospholipid. Vậy hội chứng kháng phospholipid là gì? nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết thế nào? Cùng phòng khám 43 Nguyễn Khang tìm hiểu nhé.

Hội chứng kháng phospholipid là gì?

hội chứng kháng phospholipid là gì

Hội chứng antiphospholipid hay hội chứng kháng phospholipid (APS hoặc APLS), đây là bệnh tự miễn được xác định bởi các biến cố về huyết khối hay biến cố sản khoa xảy ra ở những bệnh nhân có kháng thể kháng phospholipid. Có thể gây nguy hiểm khi có cục máu đông ở chân, thận, phổi và não.

Đối với phụ nữ mang thai mắc hội chứng Antiphospholipid sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và những biến chứng nguy hiểm khác như thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tiền sản giật. Những cục máu đông hình thành ở gai rau, sẽ cản trở quá trình trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi. Phụ nữ mắc APS sẽ có xét nghiệm dương tính với anticardiolipin, yếu tố kháng đông lupus hoặc kháng thể anti-beta-microglobulin và có tiền sử tắc mạch hoặc các biến chứng thai kỳ (thai chậm tăng trưởng nặng trong tử cung, tiền sản giật nặng, thai chết trong tử cung hay sẩy thai liên tiếp). 

Hội chứng này nên được nghĩ đến nếu bệnh nhân có huyết khối ở lứa tuổi trẻ ở những vị trí bất thường hoặc huyết khối tái phát, sảy thai liên tiếp, tiền sản giật sớm và nặng.. Ngoài ra, cần có bằng chứng của sự tồn tại hằng định các kháng thể kháng phospholipid thể hiện qua kết quả dương tính với xét nghiệm kháng thể kháng phospholipid (của một trong 3 loại kháng thể) ít nhất 2 lần cách nhau khoảng 12 tuần. Hiện nay chưa có cách điều trị hội chứng kháng phospholipid, nhưng thuốc có thể hỗ trợ người bệnh làm giảm nguy cơ đông máu và hình thành các cục máu đông.

Dấu hiệu của hội chứng kháng phospholipid.

Các dấu hiệu của hội chứng kháng phospholipid thường liên quan đến hiện tượng đông máu bất thường và phụ thuộc vào kích cỡ và vị trí của các khối máu đông:

  • Cục máu đông ở chân dẫn đến biểu hiện đau, sưng và đỏ.
  • Sảy thai nhiều lần hoặc thai chết lưu.
  • Các biến chứng khác của thai kỳ bao gồm huyết áp cao nguy hiểm (tiền sản giật) và sinh non.
  • Đột quỵ có thể xảy ra ở một người trẻ tuổi mắc hội chứng antiphospholipid nhưng không có yếu tố nguy cơ nào được biết đến đối với các bệnh tim mạch.
  • Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Tương tự như đột quỵ, TIA thường chỉ tồn tại trong vài phút và không gây ra tử vong.
  • Phát ban. Một số người phát triển phát ban đỏ.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng kháng phospholipid.

Hội chứng antiphospholipid xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn tạo ra các tự kháng thể khiến máu dễ bị đông lại tạo ra các cục huyết khối tại các động mạch, tĩnh mạch hay vi mạch. Bình thường các kháng thể này bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như virus và vi khuẩn.

Hội chứng antiphospholipid có thể  xảy ra trên nền người bệnh đã mắc một số bệnh khác như rối loạn tự miễn dịch, nhiễm trùng hoặc sử dụng một số loại thuốc. Ngoài ra,  cũng có thể hội chứng này xuất hiện mà không có nguyên nhân.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng antiphospholipid

chẩn đoán hội chứng kháng phospholipid

Nếu người bệnh có các cục máu đông nhiều lần hay ở những vị trí bất thường hoặc liên tiếp sảy thai mà không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra sự đông máu có bất thường hay không và tìm dấu hiệu của tự kháng thể với phospholipids.

Để xác nhận chẩn đoán hội chứng antiphospholipid, các kháng thể phải xuất hiện trong máu của người bệnh ít nhất hai lần, trong các xét nghiệm được tiến hành cách nhau 12 tuần trở lên.

Người bệnh có thể có kháng thể kháng phospholipid và không bao giờ phát triển bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Chẩn đoán hội chứng antiphospholipid chỉ được thực hiện khi các kháng thể này gây ra vấn đề sức khỏe.

Phòng ngừa bệnh Hội chứng antiphospholipid

Đối với những người bệnh có hội chứng antiphospholipid, để phòng ngừa và giảm nguy cơ tắc mạch do cục máu đông, người bệnh có thể thực hiện một số điều sau:

  • Không hút thuốc lá do hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Không uống quá nhiều rượu.
  • Cân nhắc các loại biện pháp tránh thai để sử dụng và hãy thảo luận với bác sĩ, vì một số loại thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Cân nhắc về liệu pháp thay thế hormone sau khi mãn kinh, điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ cục máu đông vì vậy hãy thảo luận với bác sĩ.
  • Nếu người bệnh có bệnh khác có thể làm tăng nguy cơ đông máu như tiểu đường, huyết áp cao hoặc cholesterol cao… người bệnh nên đảm bảo kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kiểm soát các yếu tố này.

Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

Mẹ bầu có thể tham khảo thêm các bài viết này nhé:

Chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé.

Dây rốn động mạch có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Điều trị viêm họng ở mẹ bầu

Bài viết liên quan

Dấu hiệu đau bụng mẹ cần phải đi khám ngay
CẢNH BÁO các vấn đề về sức khỏe mẹ bầu thường gặp phải trong mùa lạnh
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh tim
Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Viêm gan C với thai nghén