Hội chứng thiếu máu ở trẻ em

14:21 - 29/12/2022 Lượt xem: 403 Tác giả: Thanh Nga

Thiếu máu là tình trạng giảm lượng hemoglobin(Hb) hay khối hồng cầu dưới giới hạn bình thường của người cùng lứa tuổi. Thiếu máu gây hậu quả giảm khả năng vận chuyển cung cấp oxy cho tổ chức của hồng cầu để đáp ứng nhu cầu sinh lý của cơ thể.

Thiếu máu phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Theo WHO, năm 2011 có 42,6% tương đương 273 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới bị thiếu máu. Trong đó, tỷ lệ thiếu máu của trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất ở châu Phi (62,3%), sau đó là các nước Đông Nam Á(53,8%).

Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bằng miền Bắc là 48,5%, ở trẻ em tuổi học đường vùng đồng bằng miền Bắc là 17,7%, vùng núi miền Bắc là 32,7%. Theo WHO, năm 2011 tỷ lệ thiếu máu của trẻ 6-59 tháng ở Việt Nam là 31%, trong đó thiếu máu nặng chiếm 0,4%.

1. Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ em

Do giảm sản xuất: 

  • Trẻ biếng ăn, kén ăn nên không cung cấp đủ các nguyên liệu tạo máu như thiếu Sắt, acid folic, vitamin B12
  • Một số bệnh lý nhiễm trùng gây ức chế tủy xương sản xuất các dòng tế bào máu gây thiếu máu…
  • Do suy tủy

Do tăng phá hủy hồng cầu:

  • Một số thuốc gây vỡ hồng cầu như: quinidin, methyldopa, penicillin, ticlopidin, clopidogrel
  • Ngộ độc đồng, chì
  • Bệnh sốt rét, nhiễm Toxoplasma, nhiễm trùng nặng…
  • Ở trẻ sơ sinh, bất đồng nhóm máu mẹ con gây vỡ hồng cầu, thiếu máu, vàng da do tăng hoạt chất bilirubin gián tiếp khi hồng cầu vỡ.
  • Cường lách…

Do mất máu, xuất huyết: 

  • Gặp trong các tình trạng chấn thương, 
  • Bệnh cảnh nhiễm trùng: xuất huyết tiêu hóa do các bệnh nhiễm trùng như: Lỵ, viêm ruột hoại tử, xuất huyết, sốt xuất huyết Dengue…. 
  • Ở trẻ sơ sinh thiếu vitamin K dễ bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa.
  • Nhiễm giun sán…

Do các bệnh lý về máu

  • Các khiếm khuyết nội tại của tế bào máu như: bệnh hồng cầu hình cầu, hồng cầu hình liềm, thalassemia, thiếu men G6PD….
  • Các bệnh lý tại các cơ quan tạo máu như xơ gan, cường lách, đa u tủy xương…. đều ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, sản xuất ra các dòng tế bào máu không đủ chức năng, gây giảm sản xuất, tăng phân hủy tế bào máu hoặc xuất huyết.

2. Chẩn đoán thiếu máu

Chẩn đoán có thiếu máu hay không, không khó, chỉ cần dựa vào hai biểu hiện:

  • Lâm sàng: Da xanh xao, niêm mạc nhợt.
  • Xét nghiệm: HB giảm thấp hơn giới hạn bình thường

3. Cách nhận biết trẻ thiếu máu

Bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt chiếm tới 90% trong tổng số các bệnh ở trẻ em. Nhưng biểu hiện của trẻ thiếu máu thường không rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có cách nhận biết trẻ thiếu máu qua các triệu chứng sau.

Da niêm mạc xanh xao

Hiện tượng trẻ thiếu máu thiếu sắt thường biểu hiện rõ nhất là da niêm mạc xanh xao, nhợt màu ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc họng, kết mạc mắt. Đây là những vị trí tập trung nhiều mao mạch nên ở trẻ bình thường có màu ửng hồng khoẻ mạnh, còn ở trẻ bị thiếu máu vì có ít tế bào hồng cầu hơn nhiều so với bình thường.

Kém hoạt bát

Máu có chức năng vận chuyển oxy đến các tế bào cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống, sinh hoạt, nhưng do lượng hồng cầu thiếu hụt dẫn đến lượng oxy đưa đến các tế bào ít đi gây ra hiện tượng như: trẻ ít đùa nghịch, hay mệt mỏi, chậm chạp, lờ đờ,...

Hay buồn ngủ, thiếu tập trung.

Bởi vì khi thiếu máu lượng oxy được cung cấp cho não thiếu hụt khiến trẻ khó tập trung và hay buồn ngủ. Hiện tượng trẻ thiếu máu còn biểu hiện ở việc trẻ chậm biết ngồi, chậm biết, thậm chí còn làm giảm khả năng tư duy, chỉ số thông minh, khả năng sáng tạo ở trẻ tới độ tuổi đi học khiến kết quả học tập bị giảm sút.

Biếng ăn

hội chứng thiếu máu gây biếng ăn ở trẻ

Biếng ăn là nguyên nhân và cũng là kết quả của bệnh lý thiếu máu ở trẻ. Các nguyên liệu tạo máu như sắt, acid folic, vitamin B12 .... không được cung cấp đủ cho cơ thể qua đường ăn, uống khiến trẻ thiếu máu, từ đó dẫn đến việc trẻ cảm thấy mệt mỏi kể cả khi làm những động tác đơn giản như ăn uống khiến tình trạng kén ăn ở trẻ nặng thêm. Nó trở thành một vòng tuần hoàn ác tính làm nặng thêm tình trạng thiếu máu ở trẻ.

Trẻ ngừng tăng cân hoặc sút cân, chậm tăng trưởng chiều cao

Một cách nhận biết trẻ bị thiếu máu cụ thể hơn mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ. Vì thiếu máu nên máu không kịp thời vận chuyển đủ dinh dưỡng đến các mô, thêm việc chán ăn, kém vận động khiến trẻ thiếu máu có biểu hiện ngừng tăng cân hoặc nặng hơn trẻ có thể bị sụt cân, chậm tăng trưởng chiều cao.

Nhịp tim nhanh hơn bình thường

Tình trạng thiếu máu dẫn đến việc oxy được vận chuyển đến các cơ quan thiếu hụt trầm trọng, để bù lại sự thiếu hụt đó tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu đến các cơ quan với vận tốc nhanh hơn nhằm cung cấp đủ oxy cho các mô.

Khó thở

Kể cả tim cũng cần được máu cung cấp oxy để hoạt động, nhưng khi trẻ thiếu máu trầm trọng dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng cho cơ tim hoạt động gây ra dấu hiệu khó thở ở trẻ.

Trẻ bị suy giảm sức đề kháng

Chức năng miễn dịch ở trẻ tỷ lệ thuận với số tế bào hồng cầu khỏe mạnh ở trong máu, khi bị thiếu máu số lượng hồng cầu ở trong máu trẻ bị thiếu hụt. Đây là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trẻ thiếu máu như: dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, ốm vặt, rối loạn tiêu hoá...

Trẻ mắc hội chứng pica

Đây là một dạng rối loạn hành vi biểu hiện của trẻ thiếu máu khi trẻ bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng (như thiếu sắt trong máu) biểu hiện ở việc trẻ ăn những thứ phi thực phẩm như: chất bụi bẩn, cát, sỏi, sơn tường,... làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ngộ độc chì, suy giảm thể chất và nhận thức,...

Gan, lách to

Trẻ em có tình trạng gan to, lách to, hạch nổi, mặt biến dạng rất có thể là biểu hiện thiếu máu ở trẻ, nếu gặp phải tình trạng này phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp ngay bác sĩ chuyên môn.

Đi cầu phân đen kéo dài

Cùng với các biểu hiện trẻ thiếu máu do thiếu sắt, trẻ có thể bị thiếu máu với các nguyên nhân khác như trẻ bị xuất huyết tiêu hóa cao. Triệu chứng: ợ hơi, ợ chua, đau thượng vị, hay nặng hơn trẻ đi cầu phân đen kéo dài.

Ngoài ra trẻ cũng có thể thiếu máu do xuất huyết đường tiêu hóa thấp với đi cầu phân kèm máu đỏ tươi lượng nhiều, hoặc phân nhầy kèm ít máu đỏ tươi trong các bệnh lý như, polyp đại trực tràng, thiếu vitamin K, lồng ruột cấp tính, kiết lỵ,...

Ngoài ra, còn có một số biểu hiện của trẻ thiếu máu khác ít gặp hơn như: Đau đầu, đau cơ, rụng tóc…

4. Phòng ngừa thiếu máu ở trẻ em:

  • Tiêm vitamin K1 dự phòng sau sinh
  • Sàng lọc sau sinh bệnh lý thiếu men G6PD, vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con
  • Bổ sung sắt ở trẻ sơ sinh đẻ non, nhẹ cân, trẻ sinh đôi, sinh ba…
  • Bú sữa mẹ hoàn toàn
  • Bổ sung thực phẩm giàu sắt, acid folic, vitamin B12… trong khẩu phẩn ăn của bé
  • Tẩy giun định kỳ
  • Khám để được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý nền, bệnh lý về máu khi bé có dấu hiệu thiếu máu.

 Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa còi xương ở trẻ
Grow baby dạng xịt - Hỗ trợ phát triển chiều cao và trí não cho trẻ
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm miệng
Một số triệu chứng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh