ốm nghén biểu hiện như thế nào? Mẹ bầu nên làm gì khi bị ốm nghén?

10:55 - 10/02/2022 Lượt xem: 692 Tác giả: Kim Ngân

1. Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là một trong những hiện tượng thường gặp của phụ nữ khi mang thai, có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kì, và đặc biệt trong 3 tháng đầu. Đi kèm thường có các triệu chứng khó chịu, đầy hơi, buồn nôn, nôn, mất ngủ… Ốm nghén khi mang thai thường không gây hại cho thai nhi nhưng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của sản phụ, cả khi làm việc hay trong các sinh hoạt bình thường.

Dựa vào mức độ của các triệu chứng gặp phải mà nghén được chia thành hai loại:

Cơn nghén thông thường: Khoảng 80% thai phụ bị nghén ở dạng này. Trong thai kỳ, thai phụ luôn thấy mệt mỏi do nôn ói. Tuy nhiên, tình trạng nôn ói chỉ diễn ra ở mức độ vừa phải, vẫn còn giữ thức ăn bên trong dạ dày. Do đó, thai phụ không sút cân, toàn thân ít thay đổi. Sau khoảng 12 tuần sẽ thấy triệu chứng nôn ói giảm dần.

Cơn nghén nặng: Khoảng 1 – 1,5% thai phụ bị nghén nặng. Thai phụ thường xuyên nôn ói với mức độ trầm trọng khiến thức ăn bị tống ra hết bên ngoài, nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, kết hợp với tình trạng chán ăn do ốm nghén khi mang thai khiến thai phụ sút cân. Điều đó dẫn đến thai phụ dễ bị suy nhược, hay mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai.

2. Triệu chứng của nghén.

Các triệu chứng ốm nghén khi mang thai có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhất là khi có sự kích thích về mùi vị ở các loại thực phẩm như thịt sống, cá sống… bạn dễ có cảm giác buồn nôn và nôn. Khi nôn quá nhiều, cơ thể bạn sẽ bị mất nước. Đồng thời, chính sự nhạy cảm về mùi vị thức ăn nên bạn không thấy ngon miệng, thậm chí chán ăn.

Bên cạnh đó, bạn có thể bị hoa mắt, chóng mặt, sút cân do không ăn uống đầy đủ, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, rất dễ nhận thấy sự mệt mỏi, thiếu năng lượng, không thể tập trung vào công việc ở những người bị nghén bầu.

3. Nguyễn nhân gây ốm nghén

Ốm nghén biểu hiện như thế nào?

Hiện nay nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốm nghén khi mang thai vẫn chưa được làm rõ. Một số nghiên cứu cho rằng, thai phụ bị nghén do sự thay đổi nội tiết tố ở tuyến sinh dục khi mang thai, cụ thể là Progesteron và HCG. Cơ thể thai phụ sẽ sản sinh ra một lượng lớn hormon Progesterone gây giãn các cân cơ ở hệ tiêu hóa, khiến lượng thức ăn bên trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây cảm giác buồn nôn. Thêm vào đó, hormon này còn làm chậm khả năng tiêu hóa dẫn đến chứng khó tiêu.

Một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng nghén khi mang thai gồm:

  • Thói quen ăn uống thất thường.
  • Hệ thần kinh của thai phụ nhạy cảm với các loại thực phẩm có mùi vị.
  • Di truyền: Thường gặp ở những thai phụ có mẹ bị ốm nghén khi mang thai.

Tuy nhiên, không phải tất cả thai phụ đều sẽ gặp phải các triệu chứng này. Một số thai phụ có khả năng cao bị nghén như:

  • Mang thai lần đầu;
  • Từng có tiền sử nghén nặng ở những lần mang thai trước;
  • Người quá gầy.
  • Mang song thai hoặc mang đa thai;
  • Mắc bệnh nguyên bào nuôi, do sự gia tăng của tế bào bên trong tử cung.

4. Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tình trạng ốm nghén chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định và thường không gây hại cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, khi các triệu chứng nôn ói kéo dài, không được kiểm soát có thể khiến thai phụ sụt cân, mất cân bằng điện giải, mất nước trầm trọng… Mất nước quá mức có thể dẫn đến rối loạn ở tuyến giáp, gan và nước ối ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi sau khi sinh. Đồng thời ốm nghén kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của sản phụ dễ đưa đến trầm cảm thai kỳ, sức khỏe thai nhi bị đe dọa nghiêm trọng.

Vì vậy, với những trường hợp ốm nghén quá nặng hoặc kéo dài sản phụ cần phải tìm cách khắc phục bằng cách bổ sung đủ nước và điện giải để tránh bị mất nước và giảm cân quá mức.

Thai phụ nên đến cơ sở y tế ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Tim đập nhanh;
  • Sốt cao không hạ;
  • Sụt 1 - 2kg trong khoảng thời gian ngắn;
  • Buồn nôn, nôn ói liên tục, không ăn uống được;
  • Choáng váng, ngất xỉu;
  • Tiểu lắt nhắt, nước tiểu có màu sẫm;
  • Đau đầu, đau bụng;
  • Xuất huyết âm đạo;
  • Nôn ra máu.

5. Cải thiện ốm nghén

Ốm nghén biểu hiện như thế nào

Tùy theo mức độ nghén nhẹ hay nặng mà chúng ta có thể kiểm soát cơn nghén điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống hay điều trị thuốc thích hợp (nếu cần) sẽ giúp cải thiện tình trạng này, để thai phụ tiếp tục cuộc sống thường ngày một cách thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc.

- Thay đổi chế độ ăn uống

Những việc nên làm:

  • Chia nhỏ bữa ăn hằng ngày khoảng 6-8 bữa ăn/ngày và không nên ăn quá no.
  • Sau các bữa ăn có thể ngậm ít kẹo gừng, vị gừng sẽ làm bạn dễ chịu hơn.
  • Hạn chế thức ăn có mùi.
  • Uống vitamin tổng hợp.
  • Uống đủ nước (2-3 lít/ ngày).
  • Nên ăn ít bánh quy hoặc các loại hạt trước khi ra khỏi giường hoặc trước đánh răng để tránh dạ dày rỗng.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, trứng, rau củ có màu xanh đậm, táo, chuối, bánh mì nướng….; thực phẩm giàu vitamin C để chống nôn.

Những việc không nên làm:

  • Không nên để bụng đói.
  • Tránh các thức ăn cay, nhiều chất béo, rượu bia, cà phê… khiến tình trạng nghén trở nên trầm trọng.
  • Không nằm ngay sau khi ăn.

- Giải tỏa tâm lý

Tinh thần thoải mái là điều rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, làm những việc mình thích, tránh căng thẳng, lo lắng. Trong trường hợp nghén nặng khiến bạn mệt mỏi, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc thai kỳ tốt nhất.

- Tập luyện hợp lý

Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, tâm lý thoải mái thì tập luyện thể dục thể thao hợp lý là bí quyết giúp thai phụ giảm nghén hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, tập luyện nhẹ nhàng vừa giúp tăng cường sức khỏe ở thai phụ, vừa giảm các triệu chứng ốm nghén. Do đó, bạn nên lựa chọn các bài tập như tập hít thở, đi bộ, bơi lội, yoga để thư giãn, cải thiện tâm trạng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

- Thuốc hỗ trợ cải thiện ốm nghén

Tình trạng buồn nôn và nôn nghiêm trọng có thể khiến bạn sụt cân, mất nước và rối loạn điện giải, có thể phải nhập viện. Theo chỉ định của bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để giảm tình trạng nghén.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?