Suy giáp và thai nghén

14:39 - 01/06/2022 Lượt xem: 527 Tác giả: Thanh Nga

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể. Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp và dự trữ hormon giáp. Hormon giáp có vai trò quan trọng trong điều tiết chuyển hóa, điều chỉnh quá trình giải phóng năng lượng của cơ thể. Hormon giáp cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, hô hấp, tim và các chức năng hệ thống thần kinh, sinh nhiệt độ cơ thể, sức mạnh cơ bắp, da, chu kỳ kinh nguyệt, trọng lượng.…

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dễ mắc bệnh tuyến giáp. Khi đó, thường xảy ra các biến chứng liên quan đến bệnh tuyến giáp khi mang thai. Những biến chứng này có thể ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.

Suy giáp trong thời kỳ mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho con như lưu thai, sẩy thai, thai chậm phát triển. Vì vậy kiến thức về suy giáp này rất cần thiết và quan trọng co các bà mẹ chuẩn bị mang thai cũng như đã và đang mang thai.

1. Nguyên nhân gây suy giáp trong thai kỳ

Tình trạng giảm nồng độ hormone tuyến giáp trong máu sẽ gây ra suy giáp. Khi đó, chức năng của tuyến giáp sẽ bị rối loạn không phóng thích ra đủ hormone tuyến giáp. Các nguyên nhân khác bao gồm cắt tuyến giáp, xạ trị, dùng thuốc, bệnh tuyến yên. Bướu cổ, thiếu i-ốt cũng được cho là những nguyên nhân chính gây bệnh suy giáp.

Đối với mẹ bầu, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy giáp khi mang thai là do rối loạn tự miễn dịch hay còn gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto. Trong đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công tuyến giáp, làm cản trở hoạt động hormone tuyến giáp, gây viêm và tổn thương khiến nó ít có khả năng tạo ra hormone tuyến giáp.

2. Triệu chứng của suy giáp khi mang thai

Suy giáp trong thai kỳ là một tình trạng phổ biến và có thể bỏ sót nếu triệu chứng biểu hiện mờ nhạt. Tuy nhiên, các triệu chứng sau đây thường được phát hiện ở phần lớn bệnh nhân:

  • Mặt sưng phồng lên, da căng ra.
  • Mệt mỏi, mạch chậm.
  • Chịu lạnh kém, tập trung kém, rất hay quên.
  • Tăng cân: Tăng cân được phát hiện ở phần lớn bệnh nhân bị suy tuyến giáp khi mang thai
  • Rối loạn tiêu hóa: Đau quặn bụng hoặc khó chịu ở bụng.
  • Tăng nồng độ TSH và giảm nồng độ FT4.

3. Ảnh hưởng của suy giáp với mẹ bầu và thai nhi

- Ảnh hưởng đến mẹ bầu

  • Bị suy giáp khi mang thai thường làm cho phụ nữ mang thai có thể bị tất cả các biến chứng cổ điển của suy giáp như:
  • Chậm chạp, buồn ngủ cả ngày rất thích nên giường nằm.
  • Thiếu máu, đau yếu cơ.
  • Suy tim sung huyết, chậm chạp, táo bón...
  • Có nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến sản khoa khác như tiền sản giật, bất thường bánh nhau, chảy máu nhiều sau đẻ.
  • Những biến chứng này có xu hướng phổ biến ở các phụ nữ bị suy giáp nặng, còn đa số các trường hợp suy giáp nhẹ khi mang thai có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc rất nhẹ và khó phát hiện được.

- Ảnh hưởng đến thai nhi

Tuyến giáp của thai nhi chỉ được hình thành và bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10 - 12 của thai kỳ điều này có nghĩa là trong 12 tuần đầu, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào hormon tuyến giáp từ người mẹ. Do đó nếu mẹ bị suy giáp khi mang thai thì:

  • Tỷ lệ sảy thai tăng gấp đôi, tỷ lệ chết chu sinh xấp xỉ 20%, các dị tật bẩm sinh tăng 20%.
  • Con cũng sẽ bị suy giáp giống người mẹ.
  • Hormon tuyến giáp có vai trò đối với sự phát triển bộ não của trẻ, những đứa trẻ bị suy giáp bẩm sinh có thể có những bất thường trầm trọng cả về sự phát triển trí tuệ và thể chất nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Bánh rau là nơi truyền chất dinh dưỡng từ mẹ sang con, do sự bất thường bánh rau ở người mẹ nên cân nặng của trẻ sẽ nhẹ cân.

4. Phòng ngừa suy giáp trong thai kỳ

Muốn phòng ngừa suy giáp khi mang thai, mẹ bầu cần có chế độ ăn giàu Iốt như các loại hải sản tôm, cua, cá, ghẹ..., rong biển, tảo biển, các loại rau xanh đậm như rau dền, rau đay, mồng tơi... trái cây tươi, thịt và sữa...

Bên cạnh đó, mẹ cần kiểm tra bướu cổ, làm xét nghiệm máu các hormone FT4 và TSH, siêu âm tuyến giáp ... để có thể phát hiện ra bệnh sớm nhất có thể.

Suy giáp là một căn bệnh nguy hiểm không chỉ với mẹ và với cả thai nhi. Vì thế sản phụ cần phải tầm soát định kỳ và điều trị kịp thời khi nghi ngờ mình bị bệnh tuyến giáp, để tránh ảnh hưởng tới bản thân và thai nhi.

Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?