Viêm bàng quang khi mang thai

11:30 - 22/07/2022 Lượt xem: 812 Tác giả: Kim Ngân

Viêm bàng quang gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên người trưởng thành thường gặp nhiều hơn và đặc biệt là hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai và mãn kinh do ảnh hưởng của những biến đổi nội tiết tố. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính và có thể gây biến chứng nguy hiểm.Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa viêm bàng quang khi mang thai.

1. Nguyên nhân gây viêm bàng quang khi mang thai

viêm bàng quang

Viêm bàng quang khi mang thai có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

Cấu tạo của hệ thống sinh sản ở nữ giới: Niệu đạo của nữ giới khá ngắn, do đó vi khuẩn rất dễ đi ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang. Ngoài ra, niệu đạo của phụ nữ khá gần với hậu môn kết hợp với động tác lau vệ sinh chưa chuẩn. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn từ hậu môn đi vào niệu đạo và di chuyển lên bàng quang.

Do hormone progesterone: Ở phụ nữ mang thai, cấu trúc của đường tiết niệu có thể thay đổi do hàm lượng hormone được sản sinh quá mức. Hormone progesterone khiến các cơ của niệu quản bị giãn. Từ đó làm chậm dòng chảy từ thận đến bàng quang và gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu.

Do tử cung chèn ép: Tử cung của phụ nữ mang thai có thể gây chèn ép lên bàng quang và ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này. Khi bàng quang hoạt động kém, nước tiểu không thoát ra bên ngoài hoàn toàn và dễ chảy ngược trở lại trong niệu quản. Lượng nước tiểu được giữ lại trong một thời gian dài khiến vi khuẩn sinh sôi và gây viêm ở thành bàng quang.

Rối loạn nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố cũng là nguyên nhân khiến viêm bàng quang phát sinh. Thiếu hụt estrogen khiến niêm mạc ở bên trong niệu đạo bất ổn. Từ đó tạo môi trường để các hại khuẩn sinh sôi với tốc độ nhanh chóng và gây tổn thương lên thành bàng quang.

Ngoài ra vệ sinh vùng kín sơ sài, kích ứng với các sản phẩm vệ sinh phụ nữ,… cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm bàng quang khi mang thai.

  • Vệ sinh không đúng cách: Khi đi vệ sinh lau từ sau ra trước, vi khuẩn sẽ lây lan đến niệu đạo rồi di chuyển tới bàng quang.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Khi quan hệ tình dục không an toàn cũng có thể dẫn tới viêm bàng quang cấp hoặc mãn tính.
  • Do nhiễm các chất hóa học: Kích ứng mạnh mẽ với các thành phần hóa học có trong xà phòng tắm, dung dịch vệ sinh phụ nữ.
  • Do cơ thể bị viêm bàng quang kẽ: Do bị dị ứng, do cơ chế tự miễn dịch hoặc các bệnh về mạch máu ở bàng quang, nhiễm khuẩn.
  • Do biến chứng từ các bệnh khác: Do biến chứng của một số các căn bệnh khác ảnh hưởng bàng quang như: sỏi thận, tiểu đường…

2. Triệu chứng của viêm bàng quang khi mang thai

Rất nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang trong khi mang thai. Một số triệu chứng cho thấy mẹ bầu đang nhiễm trùng bàng quang, bao gồm:

  • Khó đi tiểu
  • Có cảm giác bỏng rát hoặc buốt nhói khi đi tiểu
  • Đau ở vùng bụng dưới hoặc lưng
  • Cảm thấy thường xuyên muốn đi tiểu
  • Nước tiểu đục, có vẩn hoặc sẫm màu hoặc có máu
  • Nước tiểu có mùi hôi khó chịu
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Sốt cao
  • Buồn nôn và nôn mửa

Tuy nhiên, có nhiều mẹ bầu bị nhiễm trùng bàng quang nhưng không hề có triệu chứng nào cả mà thường chỉ phát hiện được khi xét nghiệm nước tiểu trong các lần khám thai.

3. Biến chứng của viêm bàng quang khi mang thai

Nhiễm trùng bàng quang và các cơ quan khác của hệ tiết niệu đã được chứng minh rằng có thể gây ra một số biến chứng trong thời kỳ mang thai, bao gồm:

  • Viêm thận, bể thận do viêm bàng quang không được điều trị có thể lan lên thận. Tình trạng viêm thận sẽ phải điều trị tích cực và lâu dài hơn
  • Viêm bàng quang dai dẳng trong thai kỳ có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân và tiền sản giật

Nếu viêm bàng quang không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra ở đường tiết niệu trên và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

4. Phòng ngừa viêm bàng quang khi mang thai

viêm bàng quang khi mang thai

Việc dùng thuốc trong thời gian mang thai luôn đi kèm với những nguy cơ nhất định. Do đó bạn nên thực hiện những biện pháp ngăn ngừa bệnh lý này nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mình và thai nhi. Các biện pháp ngăn ngừa viêm bàng quang:

  • Đi vệ sinh trung bình 1-2 tiếng/ lần, không nhịn tiểu quá lâu. Nước tiểu bị ứ đọng trong thời gian dài chính là điều kiện thích hợp để vi khuẩn sinh sôi.
  • Sử dụng sản phẩm vệ sinh vùng kín nhẹ dịu, không mùi để giảm kích ứng.
  • Vệ sinh hậu môn từ trước ra sau, sau khi đi vệ sinh.
  • Hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục.
  • Mặc quần áo rộng rãi và thay quần lót hằng ngày.
  • Bổ sung đủ nước theo nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ mang thai nên uống từ 2.5 – 3 lít nước/ ngày.

Việc chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang không có gì khó khăn tại phòng khám. Và việc điều trị kịp thời rất có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng. Cũng như giúp chẩn đoán những bệnh lý tiềm ẩn nếu bạn bị viêm bàng quang tái đi tái lại. Vì vậy, hãy đi khám tại bệnh viện hoặc phòng khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh và kịp thời.

Nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến thai kỳ mẹ có thể liên hệ trực tiếp qua hottline 0243.783.6145 hoặc qua trang fanpage của phòng khám để được giải đáp sớm nhất.

Bài viết liên quan

Dấu hiệu đau bụng mẹ cần phải đi khám ngay
CẢNH BÁO các vấn đề về sức khỏe mẹ bầu thường gặp phải trong mùa lạnh
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh tim
Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Viêm gan C với thai nghén