Vỡ tử cung-tai biến sản khoa nguy hiểm

09:56 - 10/04/2022 Lượt xem: 578 Tác giả: Thanh Nga

Vỡ tử cung là tình trạng rách hoàn toàn các lớp cơ của tử cung và cuối cùng là một phần hay toàn bộ thai nhi bị tống vào trong ổ bụng. Tần suất của vỡ tử cung là 0,5%. Vỡ tử cung có thể xảy ra tự nhiên, sau một chấn thương hay trên một sẹo mổ lấy thai lần trước.

Vỡ tử cung trên bệnh nhân có sẹo mổ lấy thai lần trước gặp trong 40% các trường hợp. Với sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung thì nguy cơ vỡ tử cung < 1%, trong khi nếu có sẹo mổ dọc thân thì nguy cơ tăng lên 4%-7%.

60% các trường hợp vỡ tử cung xảy ra trên những tử cung không có sẹo mổ cũ.

1. Nguyên nhân

Vỡ tử cung trong thai kỳ có thể xảy ra trên các thai phụ có sẹo mổ cũ ở tử cung do:

  • Mổ lấy thai ở thân tử cung
  • Khâu lại tử cung đã bị vỡ
  • Mổ lấy thai từ hai lần trở lên (sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung trước đó, số lần mổ càng nhiều càng làm tăng nguy cơ vỡ tử cung)
  • Mổ cắt góc tử cung trong phẫu thuật điều trị mang thai ngoài tử cung ở sừng.
  • Mổ lấy thai bị nhiễm khuẩn tại vết mổ hoặc tử cung
  • Phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung ( nếu u xơ tử cung ăn vào nội mạc tử cung)
  • Khâu lỗ thủng tử cung sau nạo phá thai

2. Chẩn đoán và điều trị vỡ tử cung

Triệu chứng của vỡ tử cung rất thay đổi. Đối với tử cung không có sẹo cũ có thể diễn tiến qua hai giai đoạn:

- Dọa vỡ tử cung:

  • Thai phụ bồn chồn, lo lắng, thở nhanh, kích thích và nhịp tim nhanh.
  • Cơn co cường tính(tăng cả tần số và cường độ nhưng trương lực cơ bản vẫn bình thường )
  • Tử cung có hình dạng quả bầu: đoạn dưới tử cung kéo dài tới rốn, giữa phần thân và đoạn dưới tử cung có vòng thắt( dấu hiệu vòng Bandl) có thể quan sát trên thành bụng. Hai dây chằng tròn ở hai bên của tử cung căng như sợi dây đàn ( dấu hiệu Frommel) có thể sờ được qua thành bụng.
  • Tim thai bị suy
  • Khám âm đạo: có thể ghi nhận tình trạng bất xứng đầu chậu, có thể có huyết âm đạo đỏ tươi, đóng cục lượng nhiều hoặc ít. Đôi khi không có xuất huyết âm đạo.

- Vỡ tử cung

vỡ tử cung một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm

  • Triệu chứng điển hình của vỡ tử cung là đau bụng dữ dội, đột ngột có một cơn đau chói sau đó cơn đau sẽ lan tỏa… làm cho bệnh nhân lịm dần và có thể ra máu âm đạo đỏ tươi (ít hoặc nhiều)
  • Triệu chứng của shock mất máu
  • Tử cung không còn cơn co
  • Triệu chứng suy thai thường thấy hoặc thai chết
  • Có thể sờ thấy các phần của thai nhi qua thành bụng
  • Khám âm đạo có thể không sờ thấy ngôi thai, huyết âm đạo nhiều, đỏ tươi, đóng cục

Khi nghi ngờ vỡ tử cung cần tiến hành phẫu thuật ngay tức thì. Trong hầu hết các trường hợp phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn là phương pháp được lựa chọn mặc dù phẫu thuật bảo tồn tử cung luôn luôn được xem xét trong những trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, chưa đủ con.

3. Nguy cơ cho mẹ và thai nhi

Xử trí chậm trễ có thể nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và thai nhi.

Nguy cơ chủ yếu cho người mẹ là xuất huyết và shock. Mặc dù hiện nay nguy cơ tử vong mẹ < 1%, nhưng nếu chẩn đoán và điều trị không kịp thời thì tử vong là hậu quả tất yếu. Nếu can thiệp kịp thời sẽ làm giảm bệnh suất và tử suất cho trẻ. Mặc dù vậy nhưng tử suất chu sinh vẫn còn khá cao khoảng 30%. Nếu trẻ sống sót sẽ có những dư chứng thần kinh lâu dài về sau xảy ra trong khoảng 10% các trường hợp.

4. Phòng bệnh

  • Nghiêm chỉnh thực hiện các buổi thăm khám, xét nghiệm khi mang thai, đặc biệt là những buổi khám ở cuối thai kỳ.
  • Những người có sẹo tử cung nên chờ ít nhất là 3 năm mới nên mang thai lại.
  • Đối với những bà bầu có nguy cơ cao, nên thường xuyên được theo dõi và điều trị kịp thời.
  • Trường hợp bà bầu có khung xương chậu hẹp, sinh con nhiều lần, chiều cao tử cung khoảng 34 cm nên chọn những bệnh viện sinh con ở tuyến trên.
  • Không nên sinh con quá gần nhau và sinh quá nhiều con. Những mẹ đã từng sinh mổ nếu muốn mang thai tiếp, nên chờ từ 3-5 năm.

Khi có những triệu chứng bị đau bụng và ra máu âm đạo bất thường, bà bầu cần đi khám ngay để được chẩn đoán biến chứng mắc phải là gì và có biện pháp xử lý kịp thời. Thông thường khi bị dọa vỡ tử cung được phát hiện và xử trí vẫn có thể cứu được mẹ và thai nhi. Nhưng nếu tử cung đã vỡ thai nhi sẽ chết và nếu không được xử lý kịp thời thì thai phụ cũng có thể bị tử vong.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?