Ý nghĩa của các xét nghiệm đánh giá chức năng thận

03:02 - 12/06/2020 Lượt xem: 256

Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận là một quá trình gồm nhiều bước với các thủ tục xét nghiệm khác nhau. Để biết thận của bạn có thực sự khỏe mạnh hay không, bác sĩ cần phải kiểm tra thì mới có thể biết chắc rằng bạn đang mắc phải một trong những […]

Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận là một quá trình gồm nhiều bước với các thủ tục xét nghiệm khác nhau. Để biết thận của bạn có thực sự khỏe mạnh hay không, bác sĩ cần phải kiểm tra thì mới có thể biết chắc rằng bạn đang mắc phải một trong những căn bệnh liên quan tới thận hay không. Những xét nghiệm để đánh giá được chức năng thận. Bạn nên chú ý.

1. Các xét nghiệm sinh hóa máu

      • Xét nghiệm ure máu

Ure trong máu được tạo ra từ quá trình phân hủy của protein có trong những thực phẩm mà bạn đang sử dụng hằng ngày.

Ure được lọc qua cầu thận và khoảng 40% trong số đó được tái hấp thu ở phía ống thận. Do đó chỉ số này thường hay phụ thuộc vào chế độ ăn uống hằng ngày của bạn.

Xét nghiệm ure máu được dùng để đánh giá chức năng thận và theo dõi các căn bệnh về thận. Chỉ số chức năng thận bình thường nếu giá trị ure máu dao động trong khoảng 2.5 – 7.5 mmol/l.

Ure máu tăng trong trường hợp mắc các bệnh như viêm cầu thận, viêm ống thận, sỏi thận, suy thận, sỏi niệu quản, mất nước do sốt cao, tiêu chảy, suy tim sung huyết,… Ure máu giảm khi người bệnh ăn ít protein, suy giảm chức năng gan, truyền nhiều dịch,…

      • Xét nghiệm Creatinin huyết thanh

Ý nghĩa của các xét nghiệm đánh giá chức năng thận

Creatinine là một dạng chất thải do quá trình hoạt động của cơ bắp tiết ra. Là chất nội chuyển hóa được tổng hợp với tốc độ ổn định của cơ thể, không được tái hấp thu mà chỉ là một phần nhỏ được bài tiết.

Nồng độ Creatinin trong máu có thể khác nhau tùy vào độ tuổi, kích thước cơ thể. Thông thường, chỉ số Creatinin > 1,2 đối với nữ giới, Creatinin > 1,4 đối với nam giới, có thể đây là một trong những dấu hiệu mà cơ thể đang cảnh báo cho bạn là thận của bạn có thể đang bị suy giảm chức năng.

Nếu bệnh thận của bạn không được điều trị thì chỉ số Creatinin trong máu của bạn sẽ ngày càng tăng.

      • Xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan

Đây là một xét nghiệm chức năng thận thường được bác sĩ chỉ định cho người nghi ngờ mắc bệnh thận. Thông thường, pH máu được duy trì ở mức 7,37 – 7,43 để đảm bảo hoạt động tối ưu của các men tế bào, yếu tố đông máu và các protein co cơ. Suy thận sẽ làm giảm thải các acid trong quá trong quá trình chuyển hóa hoặc gây mất bicarbonat, làm tăng nồng độ acid trong máu và các cơ quan trong cơ thể.

chức năng thận
Phát hiện bệnh thận bằng xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan trong máu
      • Điện giải đồ

Rối loạn chức năng thận gây mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể như:

Sodium (Natri): natri máu ở người bình thường dao động trong khoảng 135 – 145 mmol/L. Ở người bị suy thận, natri máu giảm có thể do mất natri qua da, qua thận, qua đường tiêu hóa hoặc do thừa nước.

Potassium (Kali): kali máu ở người bình thường là 3,5- 4,5 mmol/L. Bệnh nhân suy thận thường bị tăng kali máu vì khả năng đào thải kali của thận bị suy giảm.

Canxi máu: canxi máu ở người khỏe mạnh là 2.2-2.6 mmol/L. Suy thận gây giảm canxi máu kèm theo tăng phosphat.

      • Xét nghiệm Cystatinin C

Cystatin C là một loại protein có trọng lượng phân tử nhỏ được tạo ra bỏi tế bào có nhân và được lọc ở thận. Nồng độ chất này không ảnh hưởng bởi giới tính, tuổi tác hay trọng lượng cơ thể.

Xét nghiệm này dược đánh giá có giá trị tương đương với xét nghiệm Creatinin huyết tương và độ thanh thải Creatinin. Quá trình tăng Cystatin C thường xuất hiện sớm trước khi chức năng lọc máu của cầu thận giảm hoặc chỉ số Creatinin tăng

      • Xét nghiệm acid uric máu

Đây là xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh gout, bệnh thận,… Bình thường nồng độ acid uric trong máu của nam giới là 180 – 420 mmol/l, nữ giới là 150 – 360 mmol/l. Acid uric máu tăng ở những người mắc bệnh suy thận, gout, vẩy nến,…

      • Một số xét nghiệm khác

Albumin huyết thanh: thông thường, chỉ số albumin huyết thanh là 35 – 50g/L, chiếm 50 – 60% protein toàn phần. Albumin giảm mạnh ở những người mắc bệnh lý cầu thận cấp như viêm cầu thận cấp.

Protein toàn phần huyết tương: là chỉ số phản ánh chức năng lọc của cầu thận. Chỉ số protein trong máu bình thường ở mức 60 – 80 g/L. Người mắc bệnh thận thường bị giảm protein toàn phần do màng lọc cầu thận bị tổn thương.

Tổng phân tích tế bào máu: người bị giảm số lượng hồng cầu thường mắc suy thận mạn tính.

2. Xét nghiệm nước tiểu

      • Tổng phân tích nước tiểu

Tỷ trọng nước tiểu: tỉ trọng nước tiểu bình thường là 1,01 – 1,020. Suy giảm chức năng thận giai đoạn sớm có thể làm giảm độ cô đặc của nước tiểu, dẫn đến giảm tỉ trọng nước tiểu. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thận, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm như nghiệm pháp cô đặc nước tiểu, nghiệm pháp pha loãng nước tiểu, so sánh tỷ trọng nước tiểu ngày và đêm,…

Protein: mẫu tổng phân tích nước tiểu có protein hỗ trợ bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm xét nghiệm định lượng đạm niệu 24 giờ.

      • Định lượng đạm niệu (protein nước tiểu) 24 giờ

Protein trong nước tiểu ở người khỏe mạnh là 0 – 0.2g/l/24h. Ở người mắc bệnh thương tổn cầu thận, viêm cầu thận cấp, suy thận; các bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng tới thận (đái tháo đường, lupus ban đỏ; tăng huyết áp),… thường bị tăng protein niệu lên trên 0.3g/l/24h.

3. Chẩn đoán hình ảnh

      • Siêu âm bụng

chức năng thận

Giúp phát hiện tình trạng thận ứ nước do tắc nghẽn niệu quản. Nếu thận người bệnh bị ứ nước hai bên có thể gây suy thận cấp tính hoặc suy thận mạn tính, phát hiện các trường hợp bệnh thận đa nang bẩm sinh, di truyền. Hình ảnh siêu âm thấy thận có kích thước nhỏ, thay đổi cấu trúc, có nhiều nang hoặc mất phân biệt vỏ tủy,… gợi ý bệnh thận mạn tính. Ngoài ra, phương pháp siêu âm cũng có thể giúp phát hiện sỏi thận hoặc khối u trong thận.

      • Chụp CT Scan bụng

Là phương pháp sử dụng tia X thăm dò hình ảnh; cho phép bác sĩ thấy rõ hình ảnh toàn bộ hệ tiết niệu. Phương pháp chụp CT scan bụng thường chỉ sử dụng trong các trường hợp nghi ngờ suy thận do tắc nghẽn đường tiết niệu. Chụp CT scan có tiêm thuốc cản quang bằng máy chụp đa lát cắt có thể dựng hình toàn bộ đường tiết niệu, giúp bác sĩ phát hiện được vị trí và nguyên nhân gây bế tắc niệu quản.

      • Xạ hình thận bằng đồng vị phóng xạ

Là xét nghiệm duy nhất cho phép đánh giá chức năng từng bên thận. Phương pháp này giúp bác sĩ nhìn rõ chức năng lọc của từng thận; tỷ lệ phần trăm tưới máu và tham gia chức năng của từng thận. Ngoài ra, nếu làm thêm nghiệm pháp tiêm thuốc lợi tiểu; phương pháp xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ đánh giá được mức độ tắc nghẽn niệu quản hai bên.

Việc kiểm tra xét nghiệm máu định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những thay đổi của chức năng thận. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Để đăng ký làm xét nghiệm máu tại địa chỉ số 43 Nguyễn Khang – Trung Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội bạn có thể đăng ký TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn

Bài viết liên quan

Vì sao các mẹ bầu lựa chọn phòng khám 43 Nguyễn Khang để khám thai?
Phòng khám 43 Nguyễn Khang đồng hành cùng Festival Mẹ bầu và em bé 2023
Hướng dẫn chi tiết cách đặt lịch Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang
Khám phụ khoa ở đâu tốt? - Địa chỉ khám phụ khoa uy tín Hà Nội
Những điều bí mật của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang