Bệnh viêm thận – Bể thận trong thai nghén

07:35 - 25/02/2020 Lượt xem: 456

Viêm thận – bể thận trong thai nghén là một nhiễm khuẩn đường niệu ở người phụ nữ có thai. Tỷ lệ bệnh này khoảng 2-3%, do các vi khuẩn gây nên và thường gặp là trực khuẩn E.coli. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm […]

Viêm thận – bể thận trong thai nghén là một nhiễm khuẩn đường niệu ở người phụ nữ có thai. Tỷ lệ bệnh này khoảng 2-3%, do các vi khuẩn gây nên và thường gặp là trực khuẩn E.coli. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé.

1. Những thay đổi về giải phẫu của thận và đường tiết niệu

      • Niệu quản: Bị sung huyết ở niêm mạc và phù dưới niêm mạc.
      • Bể thận: Thành dày lên nên kém mềm mại hơn trước.
      • Đài thận: Bị giãn nếu viêm thận bể thận kéo dài.
      • Còn tổn thương của thận thì phụ thuộc vào tiến triển của bệnh, trong hình thái cấp có những ổ bạch cầu bao quanh cầu thận. Nếu kéo dài thận có thể bị phì đại, những ổ áp xe sen kẽ có thể ở bề mặt hay nằm sau trong nhu mô thận, chung quanh cầu thận hay ống thận.
      • Cuối cùng bàng quang cũng bị viêm.

Các tổn thương này thường khu trú ở đường bài tiết của thận, những tổn thương này có khi lan ra cả nhu mô thận. Đường tiết niệu bên phải dễ bị viêm hơn đường tiết niệu bên trái.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm thận – bể thận trong thai nghén

Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là trực khuẩn E.coli ( 90%)

Tất cả các loại trực khuẩn khác có thể gặp:

      • Loại Escherichia, hay gặp nhất là E.coli.
      • Klebssiella.
      • Ngoài ra có thể tìm thấy trong nước tiểu các loại vi khuẩn khác như: Enterococcus, Staphylococcus, proteus.

Đường xâm nhập của nhiễm khuẩn là: Nhiễm khuẩn ngược dòng đường tiết niệu, đường máu.

Khi trực khuẩn E.coli có trong đường tiêu hóa thì các loại vi khuẩn khác, có thể rải rác trên toàn bộ cơ thể, có thể là nhiễm khuẩn mũi họng, viêm âm đạo.

3. Triệu chứng

 

Thông thường ở giai đoạn nhẹ bệnh nhân thường không có dấu hiệu gì, chỉ khi xét nghiệm nước tiểu mới phát hiện có vi khuẩn và có mủ trong nước tiểu.

 

 

viêm thận - bể thận trong thai nghén

Ở giai tiến triển bệnh nhân thường có các dấu hiệu sau:

      • Sốt: Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm rét run tùy giai đoạn của bệnh.
      • Tiểu buốt tiểu rắt.
      • Tiểu ít, tiểu ra máu.
      • Đau nhiều vùng lưng, nhức đầu, mệt mỏi.
      • Phù
      • Xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu, bạch cầu, protein niệu cao, tỉ trọng nước tiểu giảm, tìm thấy trực khuẩn E.coli trong nước tiểu.
      • Xét nghiệm máu thấy thiếu máu, urê máu và creatinin máu tăng
      • Siêu âm thấy thận ứ nước do tắc nghẽn niệu quản.

4. Tiến triển của bệnh viêm thận – bể thận trong thai nghén

– Giai đoạn đầu:

Giai đoạn đầu thường âm ỉ, xuất hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ hay chậm hơn. Giai đoạn này thai phụ thường cảm thấy:

      • Đau nhức đầu, mệt mỏi,khó ngủ, hay cáu gắt.
      • Đau nhẹ vùng bụng.
      • Sốt nhẹ 37,5-38 độ. Thể trạng khá tốt nên bệnh có thể bị bỏ qua không được chú ý.
      • Tiểu buốt, tiểu rắt là dấu hiệu điển hình nhất ở thời điểm này.

Khám lâm sàng thấy:

      • Khung đại tràng hơi đau.
      • Bụng chướng nhẹ.
      • Nắn thấy vùng thận phải hơi đau, đau lan xuống dưới rất điển hình, nhưng thận không to hơn bình thường. Do tử cung to nên thăm dò các điểm đau niệu quản rất khó.
      • Xét nghiệm thấy trực khuẩn E.coli khá nhiều.

– Giai đoạn nung mủ

      • Xuất hiện mủ trong thận hay trong nước tiểu.
      • Sốt cao 39-40 độ, có thể kèm theo rét run.
      • Đau vùng thận ngày càng rõ ràng, đau lan xuống bàng quang.
      • Đái ít.
      • Khám vùng thận dù rất nhẹ cũng làm bệnh nhân đau, nắn vùng đó có thể thấy nề.

Sau vài giờ nhiệt độ giảm, cơn đau giảm bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.

Sau đó cơn đau thận trở lại, nước tiểu lại đục và đặc, để một lúc thấy lắng mủ ở dưới, xem vi thể thấy bạch cầu vỡ nhiều. Trong nước tiểu có protein vì có mủ.

Thử công thức máu phát hiện thấy thiếu máu, trái lại bạch cầu tăng ít gặp hơn bạch cầu giảm. Cấy máu thường làm trong lúc bệnh nhân sốt cao hoặc rét run, kết quả thường âm tính.

5. Hướng điều trị và tiên lượng bệnh

– Phòng bệnh:

      • Tránh táo bón.
      • Phát hiện và điều trị tất cả các loại vi khuẩn.
      • Làm toan hóa nước tiểu.

– Điều trị:

Sử dụng kháng sinh phối hợp theo kết quả của kháng sinh đồ

– Tiên lượng:

ở thể nhẹ nếu điều trị đúng đắn bệnh có thể khỏi hoàn toàn.

Trường hợp bệnh trở thành mạn tính thì tiên lượng rất xấu có thể gây tình trạng thai chết lưu hoặc đẻ non, người mẹ có thể tử vong do tình trạng suy thận nặng.

Để phòng tránh bệnh viêm thận – bể thận trong thai kỳ mẹ bầu cần khám thai, thử nước tiểu định kì để được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn, phát hiện và điều trị sớm tránh để trường hợp bệnh nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Vì sao các mẹ bầu lựa chọn phòng khám 43 Nguyễn Khang để khám thai?
Phòng khám 43 Nguyễn Khang đồng hành cùng Festival Mẹ bầu và em bé 2023
Hướng dẫn chi tiết cách đặt lịch Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang
Khám phụ khoa ở đâu tốt? - Địa chỉ khám phụ khoa uy tín Hà Nội
Những điều bí mật của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang