Cách nhận biết, phòng tránh chuyển dạ sinh non

14:49 - 04/11/2022 Lượt xem: 366 Tác giả: Thanh Nga

Chuyển dạ sinh non là việc sản phụ có các dấu hiệu chuyển dạ sớm trước 37 tuần của thai kỳ. Sinh non cùng với các hậu quả khác của nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và cũng là 1 yếu tố quan trọng dẫn đến nguy cơ mắc phải các bệnh lý khác trong tương lai ngắn hạn hoặc dài hạn của trẻ sau này. Vậy để nhận biết chuyển dạ sinh non cần những yếu tố gì, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Yếu tố làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non

  • Vỡ màng ối sớm
  • Nhiễm trùng trong màng ối (nhiễm trùng ối)
  • Các căn nguyên gây nhiễm trùng tử cung khác từ dưới lên (thường là do Streptococci nhóm B)
  • Đa thai
  • Bất thường ở thai nhi hoặc rau thai
  • Bất thường ở tử cung
  • Viêm thận bể thận
  • Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Một số trường hợp nguyên nhân có thể không rõ.

Tiền sử sinh non và thiếu bền vững của cổ tử cung làm tăng nguy cơ.

2. Triệu chứng của chuyển dạ sinh non như thế nào?

Các dấu hiệu của chuyển dạ sinh non bao gồm:

  • Đau bụng dưới như sắp đến tháng
  • Cơn co thắt ở bụng cứ sau 10 phút hoặc sớm hơn
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
  • Đau lưng âm ỉ
  • Cảm giác nặng, đau tức vùng chậu hoặc dưới bụng
  • Đau quặn bụng
  • Dịch âm đạo bất thường như ẩm ướt có chất nhầy hoặc chút máu
  • Vỡ ối non, nước chảy liên tục từ âm đạo sau khi màng bao quanh em bé bị vỡ.

Khi nào đi khám bác sĩ:

Nếu bạn gặp những dấu hiệu hoặc triệu chứng trên hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời. Các sản phụ không nên chủ quan hoặc nhầm lẫn vì một số có thể là các triệu chứng thường gặp trong quá trình mang thai, không phải là sinh non. Nhưng để đảm bảo chắc chắn, sản phụ nên đi khám để loại trừ chuyển dạ sinh non.

3. Biến chứng của sinh non

Trẻ được sinh ra càng sớm thì càng gặp vấn đề sau sinh như nhẹ cân, khó thở, các cơ quan trong cơ thể phát triển chưa đầy đủ và các vấn đề về thị lực. Hầu hết trẻ sinh non được chăm sóc tốt sẽ phát triển đầy đủ và bắt kịp được với trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, những đứa trẻ này có nguy cơ cao gặp phải một số vấn đề về sức khỏe sau này như tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, bại não, các vấn đề về phổi, giảm thị lực và thính giác.

4. Điều trị chuyển dạ sinh non

Thuốc

Khi chuyển dạ, không có thuốc hoặc thủ tục phẫu thuật để ngừng chuyển dạ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc sau:

  • Corticosteroid: Nếu thai phụ đang ở trong khoảng từ tuần 24 đến 34, bác sĩ có thể kê thuốc tiêm steroid mạnh để tăng tốc độ trưởng thành phổi của thai nhi. Corticosteroid cũng có thể được khuyên dùng bắt đầu từ tuần 23 của thai kỳ nếu bạn có nguy cơ sinh con trong vòng bảy ngày tới.
  • Magie sunfat được sử dụng khi sản phụ có nguy cơ sinh con cao trong khoảng từ tuần 24 đến 32 của thai kỳ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, magie sunfat nó có thể làm giảm nguy cơ mắc một loại tổn thương não (bại não) đối với những trẻ được sinh ra trước 32 tuần
  • Tocolytics để tạm thời ngừng các cơn co thắt của sản phụ. Tuy nhiên, thuốc này không thể dừng sinh non lâu hơn hai ngày vì chúng không giải quyết được nguyên nhân cơ bản của sinh non. Tuy nhiên, Tocolytics có thể trì hoãn chuyển dạ sinh non đủ lâu để tối ưu hóa lợi ích của corticosteroid hoặc nếu cần thiết, sản phụ sẽ được chuyển đến cơ sở chuyên khoa để chăm sóc đặc biệt cho cả mẹ và bé. Tocolytics không được sử dụng trong một số trường hợp, chẳng hạn như tăng huyết áp thai kỳ.

Phẫu thuật

Đối với một số sản phụ sẽ cần phải khâu eo cổ tử cung do cổ tử cung ngắn để giữ được phần ối và bào thai phát triển bình thường trong bụng mẹ. Trong kỹ thuật này, cổ tử cung được khâu kín bằng chỉ khâu. Thông thường, chỉ khâu được rút sau 36 tuần, tuy nhiên nếu cần thiết, chỉ khâu có thể được gỡ bỏ sớm hơn.

Khâu eo cổ tử cung được khuyến cáo nếu bạn mang thai dưới 24 tuần, có tiền sử sinh non và siêu âm cho thấy cổ tử cung đang hở hoặc chiều dài cổ tử cung dưới 25 mm.

5. Phòng ngừa chuyển dạ sinh non

Mặc dù không thể ngăn ngừa chuyển dạ sinh non nhưng sản phụ có thể làm một số việc để tăng khả năng mang thai đủ tháng, khỏe mạnh. Ví dụ:

  • Thường xuyên khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sức khỏe của mẹ và bé. Nếu bạn có tiền sử chuyển dạ sinh non hoặc phát triển các dấu hiệu hoặc triệu chứng của sinh non, bạn có thể cần gặp bác sĩ thường xuyên hơn trong khi mang thai
  • Chế độ ăn uống lành mạnh. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa đa (PUFA) làm giảm nguy cơ sinh non, do đó các sản phụ được khuyến cáo nên ăn các thực phẩm giàu PUFA được tìm thấy trong các loại hạt, quả hạch, cá và dầu hạt
  • Bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá
  • Cân nhắc khoảng cách mang thai. Một số nghiên cứu cho thấy nếu bà mẹ tiếp tục mang thai mà mới sinh chưa đầy sáu tháng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non
  • Nếu bạn dự định sử dụng hỗ trợ sinh sản để mang thai, hãy xem xét có bao nhiêu phôi sẽ được cấy vào tử cung của bà mẹ do đa thai có nguy cơ sinh non cao hơn so với chỉ mang một thai.

Nếu bác sĩ xác định rằng bạn có nguy cơ chuyển dạ sinh non, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thực hiện các bước bổ sung để giảm rủi ro như dùng thuốc, quản lí các bệnh mãn tính…

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

 

 

 

Bài viết liên quan

Sử dụng thuốc chống dị ứng an toàn khi mang thai
Các thuốc đặt phụ khoa phổ biến được bác sĩ khuyên dùng
Uống sắt, canxi và vitamin tổng hợp như thế nào là tốt nhất?
Bà bầu bị cảm cúm có sử dụng thuốc kháng sinh được không?
Cân nặng và chiều dài thai nhi theo tiêu chuẩn WHO