Suy cận giáp là gì? Điều trị như thế nào?

09:48 - 26/06/2020 Lượt xem: 290

Suy cận giáp là bệnh lý của tuyến cận giáp. Nguyên nhân do sự sản xuất kém của hormone tuyến cận giáp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương và hoạt động của các cơ quan khác. 1. Suy cận giáp là gì? Suy cận […]

Suy cận giáp là bệnh lý của tuyến cận giáp. Nguyên nhân do sự sản xuất kém của hormone tuyến cận giáp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương và hoạt động của các cơ quan khác.

1. Suy cận giáp là gì?

Suy cận giáp là sự thiếu hụt hormon tuyến cận giáp (PTH) nguyên nhân do tổn thương tuyến cận giáp (thường do phẫu thuật), hoặc do dị tật bẩm sinh tuyến cận giáp.

2. Nguyên nhân gây suy cận tuyến giáp

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy cận giáp, để dễ dàng cho chẩn đoán, người ta chia ra 2 nhóm chính là:

Suy cận giáp di truyền

Trong thể bệnh này, đứa trẻ sinh ra đã không có tuyến cận giáp hoặc có nhưng hoạt động kém. Đây là bệnh di truyền theo gen lặn và khi cả bố và mẹ mang gen này thì khả năng con của họ bị bệnh là 25%. Các triệu chứng của suy cận giáp xuất hiện trước năm 10 tuổi, thường gặp nhất là khi trẻ 2 tuổi.

Suy cận giáp mắc phải

Thể bệnh này thường xuất hiện sau khi tuyến cận giáp bị chấn thương hoặc sau phẫu thuật (chú ý để điều trị u tuyến cận giáp hoặc vô ý như là tai biến của phẫu thuật cắt tuyến giáp). Ngày nay do các phẫu thuật vùng cổ được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ cao nên tai biến này ngày càng ít gặp.

Trong một số ít trường hợp, suy cận giáp là hậu quả của bệnh tự miễn, trong đó cơ thể sinh ra các kháng thể tấn công và loại bỏ tuyến cận giáp, dần dần suy cận giáp sẽ xuất hiện. Trường hợp này người bệnh hay có mắc thêm bệnh tự miễn khác, ví dụ bệnh Addison.

Các nguyên nhân khác

Điều trị tia xạ các ung thư vùng cổ phá hủy tuyến cận giáp, nồng độ magne trong cơ thể giảm làm giảm chức năng tuyến cận giáp hoặc khi bệnh nhân bị nhiễm kiềm.

3. Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng của suy cận giáp

Triệu chứng lâm sàng

Suy cận giáp thường biểu hiện hạ calci máu và tăng phospho máu làm ảnh hường đến hệ thần kinh trung ương cũng như các hệ thống khác trong cơ thể. Thể nhẹ thoáng qua chỉ biểu hiện bằng dị cảm ở các ngón tay và quanh miệng.

Cơn tetani: được định nghĩa bởi tình trạng tăng kích thích thần kinh cơ. Nó khởi đầu bằng cảm giác kiến bò ở đầu chi và ở xung quanh miệng; sau đó là co rút hoặc co cứng cơ toàn thân hoặc khu trú.

Thời gian kéo dài cơn thường biến đổi có thể một vài phút hoặc hơn.

Cơn tetani thể nhẹ với biểu hiện dị cảm trên mặt. Nặng có thể biểu hiện cơn co thắt thanh quản hay gặp ở trẻ em hoặc cơn co thắt dạ dày (triệu chứng giả loét dạ dày).

Những biểu hiện mạn tính

      • Tăng kích thích thần kinh cơ
      • Rối loạn thần kinh: dấu hiệu ngoại tháp, đôi khi có biểu hiện hội chứng Parkinson, múa vờn, động kinh toàn thể hoặc khu trú.
      • Rối loạn tâm thần: tình trạng trầm cảm, sầu muộn, lo lắng, bồn chồn.

Các biểu hiện khác

Bong da, rụng tóc, móng có đốm trắng, răng có khía, giảm sản men, mắt đục thủy tinh thể. Nếu hạ calci nặng có thể suy tim.

Triệu chứng cận lâm sàng

Xét nghiệm máu:

      • Calci máu thấp: 1.87 – 2 mmol/l.
      • Calci ion hoá giảm < 1.1 mmol/l.
      • Phospho máu tăng > 1.44 mmol/l.
      • PTH giảm < 10 μg/ml.

Xét nghiệm nước tiểu:

Calci niệu thấp < 2.5 mmol/24 giờ.

Điện tâm đồ: QT và ST kéo dài.

Điện não đồ: 50% trường hợp thấy xuất hiện sóng têta, sóng delta hoặc các hình ảnh nghịch đảo.

Xquang sọ: có thể thấy các điểm calci hóa ở nền sọ.

4. Điều trị

Quyết định điều trị dựa vào các yếu tố như bệnh nhân có triệu chứng hay không, mức độ nặng hay nhẹ, tình trạng sức khỏe chung… Mục tiêu điều trị là đưa nồng độ calci và phospho trong máu về mức bình thường

Với những bệnh nhân có calci máu rất thấp, triệu chứng nhiều và nặng, hoặc bị cơn tetani thì nên nhập viện để điều trị bằng tiêm calci vào tĩnh mạch. Sau khi xuất viện họ có thể tiếp tục dùng calci và vitamin D đường uống. Vì suy cận giáp là bệnh mạn tính nên điều trị sẽ phải kéo dài suốt cuộc đời và thường xuyên làm các xét nghiệm máu, nước tiểu để điều chỉnh liều thích hợp. Điều trị đạt kết quả tốt nếu bệnh nhân không có triệu chứng, calci máu bình thường, calci niệu bình thường.

5. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tuyến cận giáp.

dinh dưỡng với người suy cận giáp

Khi bị suy tuyến cận giáp, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp. Nhìn chung, bạn nên chú ý:

Ăn thực phẩm giàu canxi. Các nguồn thực phẩm từ sữa, rau lá xanh, bông cải xanh và thực phẩm có bổ sung thêm canxi (như sữa đậu nành hay ngũ cốc ăn sáng); sẽ giúp duy trì nồng độ khoáng chất này trong máu.

Ăn ít phospho. Bạn lưu ý tránh sử dụng các loại nước ngọt có gas vì chúng chứa photpho dưới dạng axit photphoric và hạn chế các loại thịt, phô mai cứng, ngũ cốc nguyên hạt.

Trên đây là những lưu ý về bệnh suy cận giáp. Phụ nữ mang thai khi có lưu ý của bệnh, cần kết hợp khám giữa chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa sản để được theo dõi, quản lý thai kịp thời. Để đặt lịch khám thai tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Vì sao các mẹ bầu lựa chọn phòng khám 43 Nguyễn Khang để khám thai?
Phòng khám 43 Nguyễn Khang đồng hành cùng Festival Mẹ bầu và em bé 2023
Hướng dẫn chi tiết cách đặt lịch Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang
Khám phụ khoa ở đâu tốt? - Địa chỉ khám phụ khoa uy tín Hà Nội
Những điều bí mật của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang