Thiếu máu và phân loại thiếu máu
04:50 - 04/04/2020 Lượt xem: 1495
Thiếu máu rất phổ biến ở trẻ em. Có khoảng 222 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị thiếu máu. Tỉ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển khoảng 51 %, ở các nước phát triển chiếm 12%. 1. Thiếu máu là gì? Thiếu máu […]
Thiếu máu rất phổ biến ở trẻ em. Có khoảng 222 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị thiếu máu. Tỉ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển khoảng 51 %, ở các nước phát triển chiếm 12%.
1. Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng giảm lượng hemoglobin(Hb) hay khối hồng cầu trong một đơn vị thể tích máu, hemoglobin hay khối hồng cầu thấp hơn giới hạn bình thường của người cùng lứa tuổi. Theo tổ chức y tế thế giới, thiếu máu khi hemoglobin d\6-ưới giới hạn sau đây:
Trẻ 6 tháng – 6 tuổi: Hb < 110 g/l
Trẻ 6 tháng- 14 tuổi: Hb <120g/l
Trưởng thành:
- Nam : Hb dưới 130g/l
- Nữ: Hb dưới 120g/l
- Phụ nữ có thai: Hb dưới 110g/l
Ở Việt Nam thiếu máu rất phổ biến ở trẻ em và phụ nữ có thai.
2. Phân loại thiếu máu
2.1 Phân loại theo nguyên nhân thiếu máu
Thiếu máu do giảm sinh
– Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu
- Thiếu máu thiếu sắt ( phổ biến nhất)
- Thiếu máu do thiếu acid folic, vitamin B12
- Thiếu máu do thiếu protein
- Thiếu máu do sử dụng sắt kém ( ít gặp )
– Thiếu máu do giảm sản và bất sản tủy
- Giảm sinh nguyên hồng cầu đơn thuần (hội chứng Diamond Blackfan)
- Suy tủy mắc phải, bẩm sinh ( Bệnh Fanconi )
- Thâm nhiễm tủy, bệnh bạch cầu, các di căn ung thư vào tủy.
- Nguyên nhân khác: Suy thận mạn, thiểu năng giáp, nhiễm khuẩn mạn tính, bệnh collagen
Thiếu máu do tan máu:
– Tan máu do nguyên nhân bất thường tại hồng cầu, di truyền
- Bệnh về hemoglobin: Alpha-thalasemia, beta-thalasemia, bệnh HbE, HbS, HbC…
- Bệnh ở màng hồng cầu: Bệnh hồng cầu nhỏ hình cầu, hồng cầu hình thoi.
- Bệnh thiếu hụt enzyme hồng cầu: Thiếu gluco – 6 phosphat-dehydrogenase, thiếu pyruvate-kinase, glytahion reductase.
– Tan máu do nguyên nhân ngoài hồng cầu, mắc phải
- Tan máu miễn dịch : Bất đồng nhóm máu mẹ – con Rh, ABO, tự miễn.
- Nhiễm khuẩn: Sốt rét, nhiễm khuẩn máu
- Nhiễm độc thuốc như phenylhydrazin, thuốc sốt rét, nitrit hoặc hóa chất, nọc rắn, nọc độc…
- Cường lách.
Thiếu máu do chảy máu
– Chảy máu cấp
- Do chấn thương, giãn tĩnh mạch thực quản, xuất huyết đường tiêu hóa…
- Do rối loạn quá trình cầm máu: Giảm tiểu cầu, hemophilia, giảm prothrombin.
– Chảy máu mạn tính, từ từ: Giun móc, loét dạ dày-tá tràng, trĩ, sa trực tràng.
2.2 Phân loại thiếu máu theo huyết học
Phân loại thiếu máu theo huyết học chủ yếu dựa vào thể tích hồng cầu trung bình và nồng độ hemoglobin hồng cầu. Chia ra ba loại thiếu máu.
– Thiếu máu nhược sắc, hồng cầu nhỏ
Nồng độ hemoglobin hồng cầu < 30g/dl, thể tích hồng cầu trung bình < 80 femtolit.
+ Sắt huyết thanh giảm:
- Thiếu sắt
- Chảy máu mạn tính
- Viêm nhiễm
- Nhu cầu tăng
+ Sắt huyết thanh tăng:
- Bệnh hemoglobin như thalassemia, huyết cầu tố bất thường
- Không sử dụng được sắt, thiếu vitamin B6, ngộ độc chì.
– Thiếu máu đẳng sắc, hồng cầu bình thường
Nồng độ hemoglobin hồng cầu > 30g/dl, thể tích hồng cầu trung bình: 80 – 100 femtolit.
- Thiếu máu giảm sản và bất sản tủy
- Thiếu máu do tủy bị thâm nhiễm
- Thiếu máu do chảy máu cấp tính
- Một số thiếu máu tan máu, cường lách
– Thiếu máu hồng cầu to
Nồng độ hemoglobin hồng cầu > 30g/dl, thể tích hồng cầu trung bình > 100 femtolit.
Thiếu acid folic, vitamin B12
Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do rối loạn đồng hóa vitamin B12
Rối loạn tổng hợp DNA di truyền, do thuốc.