Tổng hợp những thắc mắc của sản phụ sau sinh (phần 1)

03:16 - 18/05/2021 Lượt xem: 455

Những vấn đề sau sinh thường là nỗi băn khoăn lớn đối với các sản phụ. Không chỉ là vấn đề của riêng bản thân sản phụ mà còn là những vấn đề thường gặp đối với em bé. Dưới đây là tổng hợp những thắc mắc của sản phụ sau sinh. 1. Chế độ […]

Những vấn đề sau sinh thường là nỗi băn khoăn lớn đối với các sản phụ. Không chỉ là vấn đề của riêng bản thân sản phụ mà còn là những vấn đề thường gặp đối với em bé. Dưới đây là tổng hợp những thắc mắc của sản phụ sau sinh.

1. Chế độ ăn uống sau sinh

Sau sinh thường

Sản phụ vừa mới trải qua một cuộc chuyển dạ, tiêu hao nhiều năng lượng, nên cần phải có một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, giúp mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.

Sản phụ nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, trái cây… tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Chú ý ăn chín, tăng cường rau xanh, trái cây để tránh táo bón.

Sau sinh mổ

Điều chú ý nhất trong chế độ ăn uống của sản phụ sau sinh mổ: sản phụ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ. Chú ý nguyên tắc sản phụ sẽ ăn từ lỏng đến đặc, ăn cơm khi đã đánh hơi.

Trong ngày đầu, sản phụ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng. Sau khi đánh hơi, sản phụ ăn uống như bình thường, tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa…

Sản phụ cũng nên kiêng các gia vị, thực phẩm cay nóng và có chứa chất kích thích để tránh ảnh hưởng tới việc tiết sữa.

2. Chế độ vận động, nghỉ ngơi sau sinh thường

Chế độ vận động sau sinh
Tổng hợp những thắc mắc của sản phụ sau sinh

Sản phụ vừa trải qua một cuộc chuyển dạ, tiêu hao nhiều năng lượng, mất máu nhiều. Vì vậy việc nghỉ ngơi sau sinh rất quan trọng, tốt cho sức khỏe bà mẹ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nghỉ ngơi:

Ngủ đủ giấc cho bà mẹ là điều hết sức quan trọng. Những người thân trong gia đình cần hỗ trợ chăm sóc bé để cho mẹ ngủ. Trung bình mỗi ngày, mẹ ngủ khoảng 8 – 9 tiếng. Lúc ngủ, cơ thể các bà mẹ sẽ lấy lại sức khỏe, năng lượng và giúp sự tiết sữa tốt. Đồng thời tránh được trầm cảm của bà mẹ sau sinh.

Vận động:

Vận động sau sinh là điều cần thiết, giúp tử cung co hồi tốt tránh chảy máu sau sinh, tránh bế sản dịch, tránh thuyên tắc mạch. Những ngày đầu sau sinh, sản phụ có thể ngồi dậy ra khỏi giường, đi lại nhẹ nhàng ở trong phòng. Chú ý vệ sinh vùng kín và lau khô sau mỗi lần đi vệ sinh; thường xuyên thay băng vệ sinh để tránh viêm nhiễm. Tùy tình trạng sức khỏe của sản phụ, sau 1 tuần sản phụ có thể tập các động tác thể dục nhẹ nhàng.

3. Chế độ vận động, nghỉ ngơi sau sinh mổ

Thông thường, sinh mổ sẽ mất nhiều máu hơn sinh thường. Vì vậy cần chú trọng đến việc bồi dưỡng, giúp sản phụ mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.

Chế độ vận động, nghỉ ngơi:  ngày đầu sau mổ, sản phụ có thể cử động chân tay, xoay trở nhẹ nhàng tại giường. Sau đó, tùy tình trạng sức khỏe, sản phụ có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại để giúp các chức năng bình thường của cơ thể phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc các biến chứng sau phẫu thuật (như bế sản dịch, thuyên tắc …).

Tuy nhiên, với những sản phụ đã trải qua giai đoạn chuyển dạ quá khó trước khi quyết định mổ lấy thai hoặc mất nhiều máu lúc sanh thì cần nghỉ ngơi nhiều hơn.

4. Chế độ vệ sinh sau sinh

Chế đô vệ sinh sau sinh

Trong quá trình sinh nở, cơ thể sản phụ tiết ra nhiều mồ hôi, nên cần phải tắm gội cho sạch sẽ. Phòng tắm phải kín gió và tắm bằng nước ấm; không ngâm mình trong bồn tắm. Tắm nhanh từ 5 – 10 phút, tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc quần áo.

3-4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh và lau đầu cho thật khô, tốt nhất là dùng máy sấy để sấy khô tóc. Không tắm gội cùng lúc, ví dụ: nên tắm khoảng  9-10 giờ sáng rồi gội đầu vào buổi trưa hoặc xế trưa để tránh phải tiếp xúc lâu với nước, tránh bị chóng mặt và có thể té ngã do phải vận động nhiều và cúi đầu lâu.

Chăm sóc vết mổ: sau 3-5 ngày vết mổ sẽ lành da. Nếu vết mổ may bằng chỉ tiêu, sẽ không cần cắt chỉ. Nếu vết mổ may bằng chỉ không tiêu, thông thường sẽ cắt chỉ vào khoảng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 sau mổ (tùy chỉ định của bác sĩ). Thời gian này người mẹ có thể lau người hoặc tắm nhanh với nước ấm, sau đó lau khô toàn thân và vết mổ. Chú ý không băng kín vết mổ hoặc bôi các dung dịch sát khuẩn lên vết mổ nếu không có chỉ định của bác sĩ.

5. Sau khi sinh, sờ thấy khối to tròn cứng trong bụng có làm sao không?

Trong quá trình mang thai, tử cung của các bà mẹ sẽ lớn nhanh để chứa thai nhi, nhau, và nước ối. Sau sinh, tử cung sẽ co hồi nhanh để giúp cầm máu sau sinh. Nếu sau sinh, các bà mẹ sờ thấy có một khối cứng, ngang rốn; đó là tử cung. Đây là sinh lý bình thường, nên các bà mẹ an tâm.

6. Sau sinh bao lâu thì được ra viện?

– Sinh thường: nếu sức khỏe mẹ và bé ổn định, sẽ xuất viện vào ngày thứ 3 sau sinh.

– Sinh mổ: nếu sức khỏe mẹ và bé ổn định, sẽ xuất viện vào ngày thứ 5 sau sinh.

7. Sữa non sau sinh có đủ để nuôi bé không? Làm cách nào để có nhiều sữa?

Sữa non đã có sẵn trong bầu vú mẹ, chứa nhiều năng lượng và kháng thể. Sữa non có màu vàng nhạt và đặc hơn sữa sau này, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng. Những ngày đầu sau sinh, dạ dày trẻ rất nhỏ, các mẹ tích cực cho trẻ bú sữa non và bú nhiều lần là đủ năng lượng cho trẻ.

Các mẹ cho con bú mẹ càng sớm càng tốt. Việc cho bé bú sớm và nhiều lần trong ngày sẽ giúp mẹ tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp mẹ tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.

Với mẹ sinh mổ, tùy tình trạng sức khỏe của mẹ, sau sinh mổ bằng hình thức gây tê, các mẹ có thể cho con bú sau 30 phút hoặc một giờ sau đó. Với sản phụ gây mê toàn thân, thời gian nâng lên, thông thường khoảng sau 6 giờ.

Làm thế nào để sữa nhiều hơn:

      • Để có đủ sữa cho con bú, ngoài việc tích cực cho con bú, các bà mẹ nên uống đủ nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày) và uống thêm nước hoa quả, sữa…
      • Tâm trạng thoải mái, thư giãn.
      • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tăng cường sữa, trái cây…
      • Tự tin rằng mình luôn đủ sữa cho con.
      • Mẹ cần bế trẻ và ở bên trẻ càng nhiều càng tốt.
      • Cho trẻ ngậm vú đúng cách.
      • Cho trẻ bú theo nhu cầu (cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đòi bú)…

8. Trẻ bú bao nhiêu lần trong ngày là đủ ? khoảng cách giữa các cữ bú là bao nhiêu?

Các mẹ hãy cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đòi bú (cả ban ngày và ban đêm). Thông thường mỗi cử bú của trẻ sẽ kéo dài từ 10 đến 15 phút. Tuy nhiên một số trẻ lại muốn bú lâu hơn, khoảng 20 phút. Khi trẻ đã nhận đủ sữa, trẻ sẽ tự nhả vú, hài lòng và ngủ rất ngon.

Trong trường hợp bé không đòi bú, các me có thể dãn khoảng cách mỗi lần cho bé bú khoảng 2 giờ từ lần bú trước.

Gợi ý cho các bà mẹ:

Trẻ bú đủ sữa, thường đi tiểu ít nhất từ 6-8 lần/ ngày, nước tiểu loãng, không nặng mùi.

Nếu trẻ bú không đủ sữa, trẻ đi tiểu dưới 6 lần/ ngày. Nước tiểu trẻ bị cô đặc, nặng mùi và có màu vàng đậm.

Bài viết liên quan

Phá thai bằng thuốc và những lưu ý không thể bỏ qua
Các mốc siêu âm thai 3 tháng đầu mẹ bầu không nên bỏ qua
Bí quyết vàng giúp cải thiện chất lượng tinh trùng
Bí quyết vàng giúp cải thiện chất lượng trứng
Viêm lưỡi bản đồ - Dấu hiệu, triệu trứng và cách phòng ngừa