10 nỗi lo phổ biến của mẹ bầu trong quá trình mang thai
14:32 - 14/01/2022 Lượt xem: 902 Tác giả: Kim Ngân
Mang thai và làm mẹ là một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người phụ nữ. Nó còn là thiên chức thiêng liêng,vẻ vang nhất của người phụ nữ. Nhưng bên cạnh thiên chức cao cả đó, người phụ nữ hay gặp tâm lý chung là lo lắng tới quá trình phát triển của thai do hầu hết những suy nghĩ của mẹ trong thời gian này đều liên quan đến em bé. Sau đây là những nỗi lo phổ biến của hầu hết các mẹ bầu trải qua trong 9 tháng mang thai.
1. Mình có thực sự đang mang thai?
Mặc dù đã thử que thử thai lên hai vạch nhưng rất nhiều mẹ vẫn tự hỏi có phải que thử sai? Hay dương tính giả không? Và có lẽ chỉ sau khi nhìn tận mắt siêu âm thấy thai vào trong buồng tử cung, thấy phôi và tim thai, thấy thai phát triển bình thường trong bụng và đặc biệt là thấy bụng lớn dần lên tùng ngày thì lúc đó người mẹ mới yên tâm.
2. Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai hay không?
Có không ít các mẹ bầu lo lắng không biết việc siêu âm có ảnh hưởng đến con yêu hay không? Cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định việc siêu âm có ảnh hưởng đến con. Vì vậy chị em đừng quá lo lắng và nên đi khám thai định kì theo lịch của bác sĩ sản khoa.
3. Sợ bị sảy thai, lưu thai
Lưu thai và sẩy thai là một trong số những lo lắng nhiều nhất của bất cứ mẹ bầu nào trong quá trình mang thai đặc biệt trong lần mang thai đầu tiên. Và hay gặp ở những tuần đầu tiên của thai kỳ.
Nguyên nhân thường là do sự bất thường của nhiễm sắc thể chứ không hoàn toàn do lỗi của các mẹ không biết giữ gìn hay yếu tố khác.
Các mẹ có thể hạn chế bằng lối sống khoa học, cân bằng dinh dưỡng trước khi mang thai, đặc biệt là theo dõi sức khỏe thường xuyên và khám sàng lọc trước khi mang bầu.
4. Sợ nghén không đủ đinh dưỡng cho con
Trong thời kì đầu mang thai, cơ thể thay đổi về nội tiết tố. Có hiện tượng buồn nôn, sợ mùi thực phẩm nên việc ăn uống trở nên khó khăn hơn thậm chí là không ăn được. Nhiều mẹ lo lắng sợ mình không đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho em bé.
Theo các bác sĩ, ốm nghén không làm mất cân bằng dinh dưỡng cho thai nhi, bé vẫn có thể hấp thu dinh dưỡng từ người mẹ. Ngay cả khi nghén tới mức chỉ ăn bánh hay trái cây thì cơ thể người mẹ vẫn đủ chất cho thai nhi phát triển.
Tuy nhiên để hạn chế cơn buồn nôn, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn vì khi đói cũng có thể khiến bạn hoa mắt và buồn nôn, đồng thời giúp quá trình tiêu hóa cũng dễ dàng hơn. Nếu cảm thấy khó ăn các loại thực phẩm chiên xào, hãy thay bằng món luộc, hấp, ít gia vị và tăng cường hoa quả, rau xanh. Sau 3 tháng đầu, hiện tượng ốm nghén sẽ giảm dần và kết thúc, mẹ sẽ cảm thấy ổn định hơn. Từ tuần 16 trở đi, em bé sẽ phát triển và tăng cân nhanh chóng, lúc này mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi.
5. Sợ ăn thức ăn ảnh hưởng đến thai
Các mẹ bầu trẻ ngày nay gặp khá nhiều áp lực trước những lời khuyên của gia đình “nên hay không nên” ăn thực phẩm gì trong quá trình mang thai. Không chỉ lo lắng về bổ sung vitamin, thực phẩm dinh dưỡng, mà ngày nay nhiều mẹ còn băn khoăn thực phẩm đang có trên thị trường có an toàn không?
Lời khuyên là các mẹ có thể tham gia các lớp học tiền sản để trao đổi cùng bác sĩ về những băn khoăn của mình. Bên cạnh đó, mẹ sẽ được chỉ dẫn, nhận những lời khuyên bổ ích trong việc lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn trong quá trình mang thai.
6. Sợ con bị dị tật
Rất nhiều mẹ lo lắng không yên trước mỗi lần đi siêu âm khám thai và chờ đợi kết quả kết luận của bác sĩ về tình trạng sức khỏe của thai nhi vì sợ con bị dị tật bất thường. Tuy nhiên, thực tế bác sĩ cho biết chỉ có khoảng 4% trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh bao gồm cả hội chứng down hoặc các bệnh liên quan tới tim mạch.
Ngày nay, các xét nghiệm sàng lọc có thể giúp kiểm tra sức khỏe em bé ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Cách tốt nhất để bảo vệ bé chính là việc mẹ bầu bổ sung vitamin tổng hợp, axit folic trước và trong thời gian mang thai để giảm các nguy cơ về não và tủy sống. Một điều cần lưu ý là mẹ cũng cần cung cấp cho bác sĩ biết là lịch sử di truyền trong gia đình, nếu có các trường hợp bất thường.
7. Sợ quan hệ khi mang thai sẽ ảnh hưởng tới con
Có rất nhiều mẹ bầu lo lắng về sự an toàn của con mà nghĩ rằng không được làm “chuyện ấy”. Theo các chuyên gia sản khoa, mẹ bầu có thai kì khỏe mạnh bình thường, nếu có ham muốn thì vẫn có thể quan hệ bình thường mà không ảnh hưởng đến em bé. Các mẹ chỉ cần chú ý là khi quan hệ cần nhẹ nhàng và chọn tư thế phù hợp.
8. Sợ biến chứng như tiền sản giật, tiểu đường
Nguy cơ những thai phụ có chỉ số huyết áp cao biến chứng thành tiền sản giật chiếm 5 - 8%. Hiện tượng này dễ gặp hơn ở phụ nữ dưới 18 tuổi hoặc trên 35 tuổi vốn có tiền sử bị bệnh cao huyết áp.
Nếu bạn có nguy cơ mắc thì cần thông báo sớm với bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ ngay từ ban đầu. Một số dấu hiệu ban đầu như: phù nề tay chân, mặt, đau đầu dữ dội.
Bên cạnh đó mẹ bầu cần khám thai để được theo dõi huyết áp và kiểm tra nước tiểu định kì.
Thai phụ cần có chế độ ăn uống hợp lý. Hạn chế tiêu thụ lượng tinh bột đường trong các loại thực phẩm. Đối với phụ nữ khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tiểu đường, cũng cần kiểm tra lượng đường glucose trong máu từ tuần 24 - 28 của thai kỳ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường.
9. Sợ con bị sinh non
Ngày nay, tỷ lệ sinh non đã được giảm dần (dưới 13%). Có hơn 70% những đứa trẻ được sinh ra từ tuần 34 đến tuần 36. Khoảng thời gian này cũng đủ an toàn để tránh các biến chứng nghiêm trọng cho em bé. Mẹ bầu có thể thay đổi một số thói quen sau:
- Không sử dụng chất kích thích rượu bia, đồ uống có cồn, cà phê, hút thuốc lá.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ.
- Trước và trong quá trình mang thai cần bổ sung axit folic mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng axit folic có thể ngăn ngừa một số gen bị hỏng hóc và gây ra hiện tượng sinh non.
10. Sợ không sinh thường được mà phải sinh mổ
Theo thống kê mới nhất, có khoảng 1/3 số em bé sinh ra nhờ phương sinh mổ. Tuy nhiên, hầu hết các ca trong số đó đều là đã xác định trước do các trường hợp ngồi mông, tràng hoa quấn cổ hoặc bé quá kí. Do đó, bạn không cần phải quá lo lắng, đó cũng chỉ đơn giản là cách để giúp em bé nhanh được gặp mẹ hơn thôi.