3 kiểu ngôi thai bất thường hay gặp trong thai kỳ
02:56 - 22/01/2021 Lượt xem: 491
Ngôi thai bất thường là sự trình diện của thai khi vào chuyển dạ không bằng chỏm đầu thai nhi. Mặc dù chiếm tỷ lệ khá thấp, ngôi thai bất thường luôn khiến cho thao tác đỡ sinh trở nên rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sản phụ cần thăm khám thai định kỳ, nhất là những ngày gần sinh; nhằm dự đoán trước ngôi thai, lựa chọn phương pháp sinh an toàn nhất. Trong trường hợp không thể sinh thường, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
1. Thai ngôi ngang
Thai ngôi ngang còn gọi là ngôi vai khi trục dọc của thai nhi cắt trục dọc của mẹ tạo thành một góc vuông. Sẽ gọi là ngôi chếch nếu trục dọc của thai nhi cắt trục dọc của mẹ tạo nên một góc nhọn. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một dạng ngôi tạm thời; thai nhi sẽ bình chỉnh thành ngôi dọc hay ngôi ngang thi vào chuyển dạ thực sự.
Ngôi ngang chiếm khoảng 0,5% các loại ngôi khi vào chuyển dạ.
Nguyên nhân gây ra ngôi ngang
- Về phía mẹ là do sinh đẻ nhiều lần đứng hàng đầu khi tỷ lệ vào ngôi ngang ở người sinh con lần thứ ba sẽ tăng gấp mười lần so với người sinh con so. Thành bụng nhão khiến cho tử cung đổ ra trước gây nên vị trí nằm ngang hay nghiêng cho thai nhi. Trong trường hợp con so, ngôi ngang có thể là do khung chậu hẹp; có dị dạng tử cung hay khối u tiền đạo khiến thai không xoay đầu được.
- Về phía thai, sinh non, thai thứ hai trong song thai hay thai chết lưu dễ vào ngôi ngang do không có khả năng bình chỉnh. Bên cạnh đó, nếu nhau đóng tiền đạo, đa ối hay dây rốn ngắn cũng dễ dẫn đến ngôi ngang.
Thăm khám lâm sàng
Ngôi ngang là dạng ngôi thai bất thường rất dễ nhận thấy khi sờ bụng. Bụng của sản phụ không có hình trứng mà bè ngang với đáy tử cung gần như nằm ngang rốn. Khi sờ nắn sẽ không thấy cực thai nằm ở đáy tử cung mà lại thấy đầu thai nhi ở một bên hông của mẹ và mông ở bên hông còn lại. Bên cạnh đó, nắn ở trên xương vệ cũng sẽ không thấy gì.
Trong thăm khám âm đạo, dấu hiệu quan trọng nhất là không thấy đầu lẫn mông thai nhi. Nếu cổ tử cung mở rộng và phần trình diện của thai xuống thấp hơn thì có thể sờ thêm được xương bả vai và xương đòn gánh. Trong trường hợp diễn tiến chuyển dạ đã lâu, ối đã vỡ; một vai của thai nhi có thể lọt chặt vào tiểu khung và thường đi kèm với sa một bàn tay; cánh tay vào âm đạo hay thò ra ngoài âm hộ mẹ.
2. Ngôi mông
Thai nhi ngôi mông là một trong những ngôi thai bất thường
Thai nhi có ngôi mông hay ngôi thai ngược là một ngôi dọc với đầu ở trên, mông hay chân ở dưới. Có hai loại ngôi mông là:
- Ngôi mông đủ với mông và hai chi dưới gập lại; thai nhi có dạng ngồi xếp bằng trong buồng tử cung.
- Ngôi mông thiếu khi chỉ có hoặc mông hoặc chân hoặc đầu gối khi vào trình diện ngôi.
Ngôi mông chỉ chiếm 3% đến 4% trong tổng số các cuộc sinh; ít gặp hơn nhiều so với ngôi chỏm nhưng lại là ngôi thai bất thường thường gặp hơn cả so với ngôi mặt, ngôi trán.
Nguyên nhân xảy ra ngôi mông
Có thể là do chuyển dạ sinh non khi thai nhi chưa kịp bình chỉnh thành ngôi thuận; hoặc có các yếu tố gây cản trở quá trình bình chỉnh của thai nhi như tử cung của mẹ kém phát triển; tử cung có u xơ, có vách ngăn, nhau tiền đạo hay dị tật thai như thiểu ối, não úng thủy…
Sản phụ có khả năng tự nhận biết ngôi mông khi thấy thai nhi thường có khuynh hướng đạp ở vùng hạ vị và cảm giác tức một bên hạ sườn do đầu thai chèn ép vào. Sờ bụng vẫn thấy tử cung có dạng hình trứng, trục dọc nhưng nghe tim thai rõ nhất lại ngang rốn hay trên rốn.
Vào quá trình chuyển dạ, khám âm đạo khi cổ tử cung đã mở sẽ không thấy diện tròn cứng như ngôi chỏm mà sẽ thấy đỉnh xương cùng, diện mông hoặc chân. Tuy nhiên, siêu âm sẽ là phương tiện được sử dụng thường quy để xác định ngôi mông; đơn thai hay song thai cũng như kích thước thai nhằm lựa chọn phương pháp đỡ sinh phù hợp.
3. Thai ngôi mặt
Ngôi mặt là ngôi đầu với mặt thai nhi ngửa tối đa; có thể xuất hiện ngay từ ban đầu hay là hệ quả của ngôi chỏm khi trẻ không cúi đầu tốt.
Thai nhi có ngôi mặt chiếm 0,2% các loại ngôi trong quá trình chuyển dạ.
Nguyên nhân hình thành ngôi mặt
Nguyên nhân bao gồm các yếu tố khiến đầu ngửa ra hay ngăn chặn không cho đầu cúi tốt. Về phía mẹ, nguyên nhân có thể là do bất tương xứng giữa đầu thai và khung chậu; do các khối u trong tiểu khung như u xơ tử cung… Về phía thai, thai nhi có cổ to, bướu cổ, ngực to, thai dị tật sọ… chiếm phần lớn trong các trường hợp ngôi mặt. Ngoài ra, thai ngôi mặt còn do phần phụ như dây rốn quấn cổ, nhau bám thấp, đa ối…
Khám lâm sàng
Khám bụng thấy thai ngôi mặt tương tự như ngôi chỏm; chỉ khác khi sờ được rãnh sâu giữa lưng và đầu; đó là rãnh gáy hay còn gọi là dấu hiệu “nhát rìu”. Trong lúc chuyển dạ, nếu đầu ối còn cao sẽ khó sờ được mặt. Khi màng ối đã vỡ, tử cung mở rộng, thăm khám âm đạo có sờ thấy miệng, mũi, xương gò má, vòm mắt sẽ giúp xác định ngôi mặt.
Để cập nhật những kiến thức về sản phụ khoa và các kiến thức sau sinh, quý khách có thể truy cập website: SAN43NGUYENKHANG.VN. Để đăng ký khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn khang; quý khách có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ ZALO: 0342.318.318 để được hướng dẫn.