4 Dị tật bẩm sinh về chi thường gặp – mẹ bầu cần biết
08:57 - 23/09/2020 Lượt xem: 2245
Dị tật ở chi ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cha mẹ, đặc biệt là ảnh hưởng đến chức năng của chi và sự phát triển tâm -sinh lý của đứa trẻ. Có rất nhiều loại dị tật bẩm sinh ở chi như thừa, thiếu ngón, khoèo chân, khoèo tay… Có rất nhiều […]
Dị tật ở chi ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cha mẹ, đặc biệt là ảnh hưởng đến chức năng của chi và sự phát triển tâm -sinh lý của đứa trẻ. Có rất nhiều loại dị tật bẩm sinh ở chi như thừa, thiếu ngón, khoèo chân, khoèo tay… Có rất nhiều nguyên nhân gây ra những dị tật này như di truyền, sử dụng thuốc trong thai kỳ, nhiễm hóa chất độc hại, ốm khi mang thai…
1. Dị tật thừa ngón.
Là tình trạng thừa ngón tại một vị trí nào đó của bàn tay, bàn chân; có thể tại ngón cái, ngón út và hiếm gặp hơn là thừa các ngón giữa.
Đặc điểm:
Ngón thừa thường nhỏ hơn, phát triển cũng kém hơn. Cấu trúc của ngón có thể chỉ là tổ chức có da bao phủ đơn thuần, có hoặc không có móng. Cũng có thể có chứa xương như những ngón bình thường khác.
Chẩn đoán:
Dựa chủ yếu vào lâm sàng và X-quang để xác định sự có mặt hay không của xương và phục vụ công tác điều trị.
Điều trị:
Do các thầy thuốc chuyên khoa khám và điều trị.
- Điều trị bảo tồn khi ngón thừa nhỏ (độ 1), không ảnh hưởng đến chức năng cũng như thẩm mỹ ( ngón 5 bàn chân).
- Có trường hợp chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ đơn thuần: ngón thừa không làm biến dạng xương-khớp.
- Có trường hợp phải cần phẫu thuật tạo hình nhằm phục hồi cấu trúc giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ của bàn tay-bàn chân ( nhất là độ 3-6).
2. Dị tật thiếu chi
Có thể thiếu toàn bộ chi hoặc nhiều chi: thiếu đùi, cẳng tay, cẳng chân…Ngay sau khi đẻ, trẻ đã thiếu hụt một số phần trên chi thể. Việc điều trị còn rất khó khăn, nhiều kỹ thuật khác nhau theo loại di tật.
Phương pháp điều trị:
- Lắp chi giả
- Tạo hình mỏm cụt ở tay để sinh hoạt hàng ngày theo kỹ thuật Krukenberg
- Chuyển ngón (cái hóa ngón tay)
3. Dính ngón
Dị tật dính ngón tay là thường gặp nhất trong số những dị tật bẩm sinh ở bàn tay, với tỷ lệ 1/2.000 – 3.000 trẻ sinh sống. Có thể dính ngón tay hoặc dính ngón chân.
Hình thái của dị tật dính ngón tay rất đa dạng:
- Có thể dính hai ngón hoặc dính nhiều ngón trên một bàn tay hoặc ở cả hai bàn tay.
- Có thể dính hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.
- Có thể dính phần mềm hoặc dính cả xương.
- Có thể dính không có biến dạng trục ngón hoặc dính có kèm theo biến dạng trục ngón.
- Dính ngón có thể xảy ra đơn độc hoặc nằm trong một hội chứng bẩm sinh.
Điều trị:
Về điều trị, cần phẫu thuật tách ngón để tạo điều kiện cho mỗi ngón hoạt động độc lập. Đối với trường hợp dính những ngón có chiều dài không bằng nhau, dính ngón có biến dạng trục của ngón thì phẫu thuật tách ngón kèm theo chỉnh trục mới mang lại hiệu quả về chức năng và thẩm mĩ, tránh biến dạng nặng sau này.
4.Khoèo chân
Là dị tật bẩm sinh phổ biến nhất Việt Nam, nguyên nhân chưa rõ ràng, có nhiều giả thuyết:
- Bất thường về gen => mang tính di truyền.
- Tư thế bàn chân của bào thai bất thường.
- Đột biến nhiễm sắc thể: trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh (bàn chân khoèo, cứng khớp gối, cứng khớp khuỷu, cứng khớp vai, trật khớp háng…).
- Bất thường về cấu trúc xương bàn chân, về thần kinh chi phối bàn chân….
Lâm sàng: ngay mới sinh, bàn chân biến dạng: nửa sau bàn chân duỗi đổ và lật ngửa vào trong.
Điều tri:
Điều trị sớm, ngay lúc vừa sinh theo phương pháp Ponseti.
Nắn thường xuyên và cố định bằng bó bột, cứ 10 ngày thay bột 1 lần. Khi bệnh nhân biết đứng thì cho nẹp và giày chỉnh hình.
Mổ chỉnh hình: giải phóng khớp cổ chân, khéo dài gân Achilles, cắt cân gan chân, nhiều trường hợp cần phải đục xương khối tụ cốt để chỉnh trục cổ-bàn chân.