5 Loại dị tật thai nhi thường gặp mẹ bầu cần lưu ý
07:28 - 19/11/2020 Lượt xem: 105
Dị tật bẩm sinh thai nhi luôn là ác mộng với người làm cha làm mẹ. Bất cứ thai nhi nào cũng có thể mắc các dị tật bẩm sinh. Phát hiện sớm các dị tật thai nhi sẽ giúp bác sĩ đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Dưới đây là 5 loại dị tật thai nhi mà cha mẹ cần lưu ý.
1. Bệnh tim bẩm sinh
Đây được coi là loại dị tật thai nhi thường gặp nhất cũng như nguy hiểm nhất ở trẻ. Trung bình cứ khoảng 1000 ca sinh lại có khoảng 2–6 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong đó, thường gặp nhất là dạng thông liên thất.
Đây là trường hợp tại vách tim có chức năng ngăn cách hai tâm thất xuất hiện lỗ thủng, khiến cho tâm thất trái và tâm thất phải có thể liên thông với nhau. Theo thời gian, có thể lỗ thủng này sẽ được bít lại mà không cần phải can thiệp điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp kích thước lỗ thủng lớn, hoặc thông liên thất phễu, gây áp lực lên phổi… cần phải phẫu thuật ngay vì có thể đe dọa đến tính mạng của bé.
Dị tật tim là một trong 5 dị tật thai nhi thường gặp
2. Tật sứt môi, hở hàm ếch
Sứt môi, hở hàm ếch là dị tật thường gặp ở thai nhi
Nguyên nhân gây ra dị tật sứt môi, hở hàm ếch có thể do thai phụ uống nhiều rượu bia, hút thuốc trong thai kỳ
Tỷ lệ trẻ bị tật sứt môi và hở hàm ếch hiện nay là tương đối cao. Cứ khoảng 800 hoặc 1000 ca sinh sẽ có 1 ca mắc phải dị tật này. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do di truyền. Hoặc do thai phụ uống nhiều rượu bia, hút thuốc. Các bé bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch thường có phần môi trên và vòm miệng phát triển không đồng đều. Loại dị tật này không gây ảnh hưởng nhiều đến tính mạng của trẻ và có thể được khắc phục bằng phẫu thuật.
Để hạn chế nguy cơ mắc dị tật ở thai nhi, sản phụ nên đi khám thai thường xuyên nhằm phát hiện sớm những dị tật và có can thiệp kịp thời.
3. Hội chứng khoèo bàn chân
Hội chứng khoèo bàn chân là một trong những dị tật thai nhi liên quan đến hệ vận động. Mắc dị tật này, trẻ sẽ có phần lòng bàn chân hướng vào trong, quặp xuống hoặc lên.
Dị tật thường gặp này có thể được phát hiện sớm nếu bạn đi khám và siêu âm đầy đủ. Ngay khi bé được sinh ra, nếu mắc phải dị tật khoèo bàn chân, các bác sĩ sẽ sớm can thiệp. Phương pháp là chỉnh hình, nắn bột theo liệu trình để phục hồi chức năng.
4. Dị tật nứt đốt sống
Đây là một trong những dị tật thường gặp khá phổ biến. Nói một cách đơn giản, dị tật nứt đốt sống là dạng dị tật ống thần kinh. Khi đó một số đốt sống không thể khép lại như bình thường làm lộ tủy, màng và dịch não tủy. Có 2 dạng nứt đốt sống là dạng đóng và dạng mở.
Mẹ bầu có thể chủ động ngăn ngừa bằng cách bổ sung đầy đủ axit folic trước và trong khi mang thai. Trẻ mắc phải dị tật thường gặp này nếu được can thiệp sớm trong vòng 48 giờ sau khi sinh kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác có thể sẽ khắc phục được.
5. Hội chứng Down
Hội chứng Down có nhiều biểu hiện theo các cấp độ khác nhau. Có những em bé sinh ra với hình dáng bình thường như các trẻ khác. Một số lại bị dị tật như ót và đầu bằng phẳng, mắt lệch vào trong, mặt có nếp gấp…
Hội chứng này có liên quan rất lớn đến độ tuổi sinh con của thai phụ. Những phụ nữ mang thai ở độ tuổi càng lớn, con càng dễ có nguy cơ mắc bệnh Down. Thực tế, có đến 85% các ca mắc bệnh này, bé sẽ chết từ lúc chỉ là một phôi thai.
Làm sao để phòng ngừa và phát hiện sớm các dị tật này
Hiện nay, siêu âm là phương pháp an toàn, hiệu quả và rất dễ thực hiện để chẩn đoán dị tật thai nhi. Siêu âm giúp phát hiện sớm cũng như theo dõi dị tật ở các giai đoạn khác nhau. Trong điều kiện lý tưởng, siêu âm có thể chẩn đoán chính xác tới 90% các trường hợp dị tật thai thi thường gặp.
Phòng ngừa:
- Khám tiền sản trước khi mang thai
- Siêu âm, khám thai định kỳ
- Làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc dị tật như double test, triple test, nipt.
- Trong quá trình mang thai hoặc chuẩn bị mang thai không tiếp xúc với hóa chất độc hại; không sử dụng chất kích thích; không làm việc trong môi trường độc hại.
- Trường hợp đặc biệt như gia đình có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh, hội chứng down, các bênh lý di truyền, như phụ nữ trên 40 tuổi mang thai, mẹ bị sốt khi mang thai, phải thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn.