5 Vi chất cần thiết cho thai kỳ mẹ bầu tuyệt đối không được bỏ qua
09:20 - 13/06/2020 Lượt xem: 302
Các yếu tố vi lượng mặc dù chiếm 1 hàm lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng nó có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu. Nếu thiếu những vi chất này trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của thai nhi. Vậy […]
Các yếu tố vi lượng mặc dù chiếm 1 hàm lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng nó có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu. Nếu thiếu những vi chất này trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của thai nhi. Vậy 5 vi chất đó là gì ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé !
1. Canxi
Canxi là chất cơ bản để hình thành xương, răng của mẹ và thai nhi; canxi giúp ngăn ngừa hiện tượng tắc nghẽn mạch máu; giúp cơ bắp săn chắc và có lợi cho hệ thần kinh.
Canxi là loại khoáng chất cần được đặc biệt chú ý trong thời gian người mẹ mang thai. Việc cung cấp đầy đủ canxi trong thai kỳ giúp tạo thành và phát triển bộ xương thai nhi và đảm bảo toàn vẹn bộ xương bà mẹ. Nếu không cung cấp đủ thai nhi tăng trưởng sẽ lấy canxi từ người mẹ ảnh hưởng đến sức khỏe, hệ xương của mẹ.
Canxi còn giúp cho sự co cơ, nhịp đập của tim, sự đông máu và giúp hệ thần kinh gửi đi các thông tin.
Sản phụ cần cung cấp 1000-1500mg canxi/ngày. Uống canxi cách xa bữa ăn để tránh làm giảm sự hấp thu của thuốc.
Các thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, cua, trứng…
2. Sắt
Sắt là nguyên tố vi lượng quan trọng, sắt giúp cơ thể dễ dàng tổng hợp hồng cầu, chuyển oxy trong máu đến khắp nơi trong cơ thể và chống lại tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Mặc dù hiện diện trong cơ thể với một lượng rất nhỏ nhưng sắt cần thiết cho sự sống cụ thể:
- Sắt tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin, sắc tố hô hấp của cơ. Chức năng hô hấp qua sự tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan.
- Tham gia vào cấu tạo nhiều enzyme. Đặc biệt đóng vai trò vận chuyển điện tích trong chuỗi hô hấp. Tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
- Quan trọng cho quá trình tạo hồng cầu, thiếu sắt có thể gây thiếu máu cho trẻ. Nếu bị thiếu máu người mẹ sẽ mệt mỏi, dễ sảy thai, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, dễ bị băng huyết khi sinh thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con. Ngược lại thừa sắt cũng có thể gây viêm gan. Vì vậy khi bổ sung sắt cần theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài việc bổ sung sắt bằng thuốc với liều lượng 30 mg/ngày, sản phụ có thể ăn các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, rau màu xanh sẫm, lòng đỏ trứng gà, ngũ cốc…
3. Kẽm
Là thành phần cơ bản của một số enzyme và duy trì hàm lượng insulin của cơ thể. Chất cần thiết giúp cơ thể sinh trưởng và hình thành thần kinh não.
Thiếu kẽm có thể gây vô sinh, sẩy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết gần ngày sinh và sinh không bình thường. Nhu cầu kẽm của người mẹ mang thai là 15mg/ngày.
Nguồn cung cấp kẽm từ thịt, cá, hải sản, hàu, chuối tiêu, lúa mì, ngũ cốc.
4. Iode
Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của tuyến giáp và sự phát triển của não em bé. Thiếu iode ở phụ nữ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Thời gian trong bụng mẹ và 3 năm đầu là giai đoạn phát triển não, nếu thiếu iode trong thời kỳ này trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn, trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh (liệt chân hoặc tay, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác).
Ngay từ tuần thứ 10-11 tuyến giáp thai nhi bắt đầu thu nhận iod vì thế trong thời gian này sản phụ không được sử dụng các thuốc và sản phẩm chứa hàm lượng iode liều cao trong thời gian dài vì có thể tác động trực tiếp đến tuyến giáp thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
ở phụ nữ mang thai nhu cầu iode là 150-200 µg/ngày.
Nguồn thức ăn giàu iod như cá biển, rong biển, các sản phẩm từ sữa và trứng, sử dụng bột canh iode khi chế biến món ăn.
5. Folic acid
Acid folic cần thiết cho quá trình tạo máu, giúp phát triển và phân chia tế bào. Đặc biệt acid folic còn có vai trò rất quan trọng trong hình thành và phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi.
Thiếu hụt acid folic với sản phụ có thể gây thiếu máu hồng cầu to, nguy cơ cao sẩy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân. Với thai nhi có nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh như nứt đốt sống, não úng thủy,…
Nhu cầu acid folic của thai phụ là 400 – 600µg/ngày. Nên bổ sung acid folic 1-3 tháng trước khi mang thai.
Nguồn thực phẩm giàu folic acid như gan động vật, các hạt nảy mầm,…