7 Biến chứng nguy hiểm của thai kỳ đa thai
04:00 - 07/12/2020 Lượt xem: 346
Đa thai có nhiều nguy cơ biến chứng hơn trong thai kỳ so với đơn thai, như bất thường bẩm sinh thai nhi, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kì, sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, hội chứng truyền máu song thai… Dưới đây là một số biến chứng thường gặp […]
Đa thai có nhiều nguy cơ biến chứng hơn trong thai kỳ so với đơn thai, như bất thường bẩm sinh thai nhi, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kì, sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, hội chứng truyền máu song thai… Dưới đây là một số biến chứng thường gặp với thai kỳ đa thai mẹ bầu nên biết:
1. Bất thường bẩm sinh
- Bất thường bẩm sinh ở thai kì song thai nhiều gấp 2 lần và tam thai thì nhiều gấp 4 lần so với đơn thai. Tỉ lệ bất thường bẩm sinh ở song thai xấp xỉ khoảng 4% so với đơn thai là 2%.
- Song thai một bánh nhau có tần suất bất thường bẩm sinh gấp 2 lần so với song thai hai bánh nhau lần lượt là 6% và 3%.
- Về mặt toán học, số lượng thai càng nhiều; khả năng có một thai bị bất thường nhiễm sắc thể sẽ càng cao. Chẳng hạn, trong trường hợp song thai khác trứng; nguy cơ có 1 trong 2 thai bị trisomy theo tuổi mẹ sẽ gấp đôi so với đơn thai ở mẹ cùng tuổi. Vì vậy, nguy cơ hội chứng Down xảy ra cho 1 trong 2 thai ở một phụ nữ 33 tuổi mang song thai sẽ tương đương với nguy cơ của một phụ nữ 35 tuổi mang đơn thai.
2. Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật
- Đa thai có nguy cơ cao gây tăng huyết áp thai kì và tiền sản giật so với thai kì đơn thai. Tần suất tiền sản giật trong song thai cao gấp 2.6 lần so với đơn thai và thường cũng xuất hiện sớm hơn.
- Đa thai cũng làm tăng nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến tiền sản giật như: sinh non, nhau bong non và hội chứng HELP. Các khuyến cáo hiện tại để xử trí tiền sản giật trong điều trị đa thai thì không khác biệt so với điều trị đơn thai.
3. Đái tháo đường thai kỳ
Tần suất đái tháo đường thai kỳ tăng dần theo số thai. Khoảng 22-39% các thai phụ mang song thai bị đái tháo đường thai kỳ. Mỗi một thai làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kì lên khoảng 1.8 lần.
4. Sinh non
- Hấu hết các trường hợp đa thai sẽ sinh non trước 37 tuần thai kì.
- Phụ nữ mang đa thai có nguy cơ sinh non gấp 6 lần và nguy cơ sinh trước 32 tuần thì tăng đến 13 lần so với đơn thai.
- Trẻ sinh non bị tăng nguy cơ biến chứng sau sinh do các cơ quan chưa hoàn thiện; gồm: hội chứng suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não thất; khả năng bú kém, bệnh võng mach và hạ thân nhiệt. Các nguy cơ này giảm khi tuổi thai lúc sinh tăng.
5. Thai chậm tăng trưởng trong tử cung
- Khoảng 14-25% song thai và 50-60% tam thai trở lên bị chậm tăng trưởng.
- Bất tương xứng cân nặng giữa hai thai là khi thai nhỏ hơn nặng ít hơn 80% cân nặng của thai lớn hơn.
- Chậm tăng trưởng trong đa thai thường là thứ phát do tuần hoàn tử cung – nhau kém; nhưng cũng có thể thứ phát do bất thường cấu trúc thai, bất thường gen.
- Do tỉ lệ sinh non tăng kèm với thai chậm tăng trưởng trong tử cung; cân nặng trẻ khi sinh thấp (<2500g) cũng thường gặp trong đa thai. Khoảng 58% song thai và 95% tam thai có cân nặng khi sinh thấp.
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR) và bất tương xứng cân nặng giữa 2 thai góp phần làm tăng dự hậu xấu cho đa thai.
6. Hội chứng truyền máu song thai
- Hội chứng truyền máu song thai xảy ra khoảng 10-15% các thai kì song thai một nhau hai ối.
- Hội chứng này xảy ra do sự thông nối mạch máu trong nhau; dẫn dến sự gia tăng lượng máu đến một thai (thai nhận) và giảm lượng máu đến thai còn lại (thai cho).
- Hội chứng này thường được chẩn đoán qua siêu âm vào tam cá nguyệt thứ hai; khi có sự thiểu ối ở thai cho và đa ối ở thai nhận.
- Sự xuất hiện của hội chứng truyền máu song thai làm tăng bệnh suất và tử suất cho cả hai thai.
7. Các biến chứng thai kỳ khác
Đa thai bị tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng thai kì khác như: hội chứng gan nhiễm mỡ cấp trong thai kì, thuyên tắc tĩnh mạch, thiếu máu, đa ối, ngôi bất thường, bang huyết sau sinh, nghén nặng kéo dài và bất thường bánh nhau.