googleb578e89369db4e48.html

Bà bầu bị cúm A có nguy hiểm không?

11:40 - 05/08/2022 Lượt xem: 652 Tác giả: Thu Hoàng

Cúm là bệnh lý thường gặp ở mọi đối tượng và sẽ khỏi sau vài ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên cúm, đặc biệt là cúm A lại rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

1. Biểu hiện của cúm A khi mang thai

Sự biến đổi liên tục của virus cúm A tạo nên nhiều chủng gây bệnh.

Ngoài hai con đường lây nhiễm cơ bản là trực tiếp từ người sang người qua các hoạt động thông thường gồm: nói chuyện, hắt hơi, ho; hoặc gián tiếp qua việc đụng chạm vào đồ vật chứa virus, cúm A còn có thể lây từ động vật sang người.

Đây cũng là bệnh dễ gây ra biến chứng nguy hiểm tới mức đe dọa tính mạng của con người.

Khi bị nhiễm cúm A, bà bầu có thể gặp các triệu chứng, đó là:

  • Nhiễm trùng họng gây đau, sưng, ho.
  • Hắt hơi, chảy nước mũi.
  • Đau mỏi toàn thân hoặc đau đầu, đau cơ.
  • Mệt mỏi dẫn tới chán ăn.
  • Sốt cao hoặc ớn lạnh.
  • Có thể khó thở.

cúm

2. Cúm A ảnh hưởng như thế nào?

Cúm A khi biến chứng có thể dẫn tới viêm phổi hoặc viêm phế quản. Nguy hiểm hơn nữa, bệnh có thể gây ra những tác động xấu tới thai nhi:

  • Ở thể nhẹ, bệnh khiến người mẹ mệt mỏi, chán ăn dẫn tới việc cung cấp dinh dưỡng cho con bị hạn chế.
  • Nếu mẹ bị sốt cao thì virus có thể gây kích thích mạnh tới sự co bóp của tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
  • Con sinh ra có thể nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng bẩm sinh.

 Sự nguy hiểm của bệnh càng cao hơn nữa nếu người mẹ bị mắc trong những tháng đầu thai kỳ, có thể dẫn tới một số dị tật bẩm sinh cho con, chẳng hạn: bệnh tim, hở hàm ếch, hen suyễn, dị ứng. Bệnh cũng có thể tác động tới não gây tổn thương và nguy cơ trẻ bị rối loạn tâm thần.

3. Biện pháp phòng ngừa cúm cho mẹ bầu 

Để phòng ngừa cúm, mẹ bầu cần lưu ý:

  • Tránh xa các nguồn lây bệnh, không tiếp xúc với người đang mắc bệnh, hạn chế đến nơi đông người, các khu vực ô nhiễm
  • Không tiếp xúc gần với gia cầm tươi sống vì chúng có thể chứa tác nhân gây cúm rồi truyền sang người
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh
  • Hạn chế đi mưa vì rất dễ bị cảm cúm
  • Khi ngủ không nên để gió quạt, gió điều hòa bay thẳng vào mũi vì rất dễ bị ngạt mũi và gây cúm
  • Đặc biệt, nếu có ý định mang thai, chị em phụ nữ nên tiêm phòng cúm vì đây được cho là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay
  • Nếu có biểu hiện của cúm hãy đi khám ngay để được chỉ dẫn cách điều trị an toàn, hiệu quả

cúm

4. Lưu ý cho mẹ bầu khi bị cúm A

Đối với người bình thường, khi bị cúm A, tùy theo mức độ mà có cách xử lý riêng. Nếu bệnh nhẹ, có thể không cần tới bệnh viện mà thực hiện cách ly và nghỉ ngơi tại nhà, có thể uống thuốc để khắc phục triệu chứng như: thuốc hạ sốt hay thuốc ho.

Tuy nhiên, đối với bà bầu bị cúm A, cần cẩn thận, ngay khi có triệu chứng nghi ngờ, nên đến cơ sở y tế để được khám xác định và hướng dẫn cách khắc phục. Những việc nên làm đó là:

Không tự ý dùng thuốc

Một số loại có thể gây hại, thậm chí là dị tật cho thai nhi nên chỉ dùng thuốc nếu được bác sĩ chỉ định. Chính vì vậy, việc gặp bác sĩ là điều nên làm trước tiên để được hướng dẫn cụ thể.

Cách ly ở phòng riêng

Đây là biện pháp hạn chế việc bệnh có thể lây cho người trong gia đình hoặc những người sống xung quanh. Phòng ở tốt nhất nên có nhà vệ sinh khép kín, nếu không có, khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, hạn chế chạm vào vật dụng xung quanh, rửa tay thường xuyên.

Chú trọng về dinh dưỡng

Phụ nữ khi mang thai, chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo đầy đủ để cung cấp cho cả mẹ và con, khi bị bệnh lại càng cần chú ý hơn. Nên ăn đủ chất, bổ sung thêm trái cây nhiều vitamin C thuộc họ cam quýt bởi chúng rất tốt cho việc tăng cường đề kháng, chống bệnh tật.

Các loại rau, nhất là loại có màu xanh đậm cũng chứa nhiều vitamin bổ dưỡng cho cơ thể nên rất tốt để tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, có thể chế biến một số loại thực phẩm theo kiểu truyền thống, vừa dễ ăn lại có tác dụng tốt với người cảm cúm như nấu cháo với trứng, tía tô và hành lá.

Chú ý về sinh hoạt

Tắm nước ấm để đào thải độc tố và giúp máu được lưu thông. Cùng với đó, chú ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, đúng giờ, không nên lo lắng thái quá, tránh căng thẳng, mệt mỏi khiến cho bệnh thêm trầm trọng.

Mang bầu là thời kỳ rất quan trọng đối với người phụ nữ bởi lúc này sức khỏe của người mẹ tốt hay không tốt đều gây ảnh hưởng lớn tới thai nhi. Cơ thể người mẹ thời kỳ này có nhiều biến đổi, dễ bị mắc bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, bà bầu cần rất thận trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ.

Bài viết liên quan

Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết