Bà bầu bị tiểu đường có nên ăn chuối không?
07:59 - 08/01/2021 Lượt xem: 438
Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể mẹ bầu không sản xuất đủ một loại hormone gọi là insulin. Tiểu đường gây ra một số biến chứng, nhưng nếu biết cách ăn uống hợp lý và duy trì thể trọng an toàn, bà bầu vẫn sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường có nên ăn chuối không? Bạn hãy cùng tìm hiểu với phòng khám qua bài viết dưới đây.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể khi mang thai. Nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Vì vậy, khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu đảm bảo sức khỏe trong suốt thai kỳ của mình.
2. Bà bầu bị tiểu đường có nên ăn chuối?
Nguyên tắc ăn uống khi bị tiểu đường là không nạp các thực phẩm khiến lượng đường trong máu tăng nhanh. Trong khi trái cây lại chứa nhiều đường tự nhiên fructose. Như vậy, không chỉ chuối mà khá nhiều loại trái cây khác cũng có thể bị liệt vào dạng cấm đối với người bị tiểu đường. Tuy nhiên, quan điểm này không đúng.
Phần lớn các loại trái cây, kể cả chuối, đều có chỉ số đường huyết GI (glycemic index) thấp, do đó chúng sẽ không làm biến đổi lượng đường trong máu. Khi ăn uống vừa phải, chúng còn đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho bà bầu bị tiểu đường.
– Lưu ý:
– Chuối có vị ngọt, giàu tinh bột và cả đường. Một quả chuối trung bình chứa 14g đường và 6g tinh bột. Nhưng chuối lại rất giàu chất xơ, dẫn tới chỉ số GI của chuối thấp và người bị tiểu đường có thể ăn được.
Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo sự gia tăng đường huyết sau khi ăn một thực phẩm chứa tinh bột. GI càng cao thì thực phẩm đó càng không tốt cho người bị tiểu đường. Mức GI trung bình là 55, nghĩa là thực phẩm đó không khiến đường máu tăng.
Một quả chuối chín có GI là 51, một quả chuối chưa chín có GI chỉ là 42, đều an toàn cho bà bầu bị tiểu đường. Do đó, với thắc mắc bà bầu bị tiểu đường có nên ăn chuối thì là nên. Tuy nhiên, bạn không nên ăn chuối chín nhừ, chín rục vì lúc này chỉ số GI trong chuối lên tới 62.
Chuyên gia dinh dưỡng Upasana Sharma, Trưởng ban Dinh dưỡng của Tập đoàn Sức khỏe Max Healthcare (Ấn Độ) cho rằng bà bầu bị tiểu đường có thể ăn từ 2-3 quả chuối mỗi tuần, và không nên ăn hàng ngày.
Chuối có nhiều kích thước khác nhau, mức độ chín cũng khác nhau. Do đó sau khi ăn một quả chuối thì bạn có thể dùng máy đo đường huyết để xem đường huyết có tăng không. Cách thức như sau: 2 giờ sau khi ăn chuối, bạn kiểm tra máy nếu thấy so với trước khi ăn, chỉ số đường huyết không tăng quá 40mg/dl và tại thời điểm đo không vượt quá 180 mg/dl là được.
3. Chế độ ăn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ
Ăn uống hợp lý có thể giúp mẹ kiểm soát tiểu đường thai kỳ. Dưới đây là thực đơn được các chuyên gia khuyến cáo dành cho mẹ bầu không tiêm insulin.
• Ăn nhiều trái cây và rau xanh
• Ăn vừa phải thịt nạc và chất béo tốt
• Ăn vừa phải ngũ cốc nguyên cám (bánh mì, ngũ cốc, pasta, gạo)
• Ăn vừa phải các loại củ nhiều tinh bột như ngô, đậu, khoai, bí đỏ…
• Ăn ít thực phẩm có chứa đường như nước ngọt, nước ép trái cây đóng hộp, bánh ngọt…
– Bạn nên ăn 3 bữa nhỏ và các bữa phụ, không nên bỏ bữa, không để bụng đói. Mỗi ngày nên ăn uống với lượng như nhau (chất béo tốt, protein, chất xơ) để duy trì đường máu ổn định.
– Các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Các thực phẩm này sẽ giải phóng đường vào máu một cách từ từ, giúp đường huyết ổn định. Bà bầu nên thay đổi cho hợp khẩu vị:
– Thực phẩm cung cấp protein:
• Cá, đặc biệt là các loại cá béo giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu, các trích, cá cơm, cá mòi
• Thịt gà (kể cả da)
• Trứng chiên, băm thêm rau vào cho ngon
• Đậu phụ
• Các loại đậu, các loại hạt, hạt quinoa
– Thực phẩm cung cấp chất béo không bão hòa:
• Dầu ô liu, dầu đậu phộng
• Quả bơ, hạt chia
• Cá hồi, cá mòi, cá ngừ
Ngoài ra, bà bầu có thể bổ sung thêm trái cây tươi, khoai lang, sữa chua không đường; ăn nhiều rau xanh, rau luộc hoặc hấp có thể ăn kèm với phô mai.