Bệnh hen phế quản-những điều bạn nên biết
06:35 - 28/03/2020 Lượt xem: 304
Bệnh hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở từng cơn. Biểu hiện bằng những cơn khò khè, khó thở, tức ngực và ho kéo dài dai dẳng từ nhỏ đến lớn thường xuất hiện về đêm và sáng sớm. 1. Những ai có thể bị […]
Bệnh hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở từng cơn. Biểu hiện bằng những cơn khò khè, khó thở, tức ngực và ho kéo dài dai dẳng từ nhỏ đến lớn thường xuất hiện về đêm và sáng sớm.
1. Những ai có thể bị bệnh hen phế quản?
Hen phế quản thường có tính chất gia đình. Điều đó có nghĩa là bạn có nguy cơ bị HPQ nếu ai đó trong gia đình bạn bị mắc.
Trẻ bị chàm, bị dị ứng thức ăn có thể tiến triển thành HPQ nhiều hơn nhóm trẻ khác.
Các yếu tố nguy cơ như: Dị ứng phấn hoa, mạt bụi nhà,vật nuôi…
Tiếp xúc với khói thuốc, ô nhiễm không khí hoặc hít phải các tác nhân gây kích thích khác cũng có thể gây ra các triệu chứng hen phế quản ở nhóm có khuynh hướng tiến triển thành HPQ.
2. Bệnh hen phế quản có liên quan tới giới tính không?
Khi còn nhỏ, con trai thường có cơ địa dị ứng nhiều hơn. Những đứa trẻ nam có khẩu hình đường thở khi sinh nhỏ hơn. Do vậy triệu chứng hen gặp ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Tuổi nhi đồng ở trẻ nam gặp nhiều hơn nhưng đến tuổi thiếu niên xu hướng này đảo ngược lại. Nhìn chung tỷ lệ HPQ ở nữ và nam tương đương nhau.
3. Trẻ đẻ non có nguy cơ mắc hen phế quản cao hơn không?
Bệnh phổi mạn tính thường gặp ở những đứa trẻ đẻ non. Hầu hết những đứa trẻ có các triệu chứng hô hấp tái đi, tái lại bao gồm ho và thở khò khè vào ban đêm. Những triệu chứng này có xu hướng tiếp diễn thậm chí đến năm 15 tuổi.
Khoảng 50% trẻ em có triệu chứng của bệnh phổi mạn tính thứ phát; là biến chứng của việc đẻ non.
Trẻ em có bệnh phổi mạn tính đáp ứng với thuốc giãn phế quản nhưng việc dùng corticoid đường hít nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhi nhằm loại trừ các trường hợp tắc hẹp đường thở, thiểu sản phổi hoặc rối loạn về cơ hoành.
4. Bệnh hen phế quản khởi phát ở lứa tuổi nào?
Hen phế quản có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, mặc dù khoảng một nửa số bệnh nhân HPQ có triệu chứng đầu tiên lúc 10 tuổi và rất nhiều trẻ bị HPQ có triệu chứng đầu tiên trước 6 tuổi.
5. Những dấu hiệu nặng của cơn hen phế quản nguy kịch?
Triệu chứng xảy ra nhanh, tiến triển nặng và không giảm đi ngay cả khi bạn dùng thuốc giãn phế quản.
Triệu chứng không cải thiện hoặc nhanh chóng quay trở lại ngay sau khi bạn dùng thuốc giãn phế quản.
Khó nói được thành câu vì bạn khó thở
Lưu lượng đỉnh dưới 60% so với giá trị bình thường của bạn và lưu lượng đỉnh không hồi phục sau khi bạn dùng thuốc giãn phế quản.
Trị số lưu lượng đỉnh của bạn nằm trong vùng nguy cơ bị cơn HPQ
6. Cơn hen có thể gây tử vong không?
Tử vong do hen phế quản vẫn còn xảy ra đối với những trường hợp hen cấp tính, nặng. Tuy nhiên 85% tử vong do HPQ không thường xuyên và có thể phòng ngừa được.
Phần lớn tử vong do HPQ xảy ra ở những người không được điều trị đầy đủ, có lẽ bởi vì họ:
- Không đến khám bác sĩ
- Không thực hiện theo đúng chỉ dẫn điều trị của bác sĩ
Sử dụng thuốc đúng đắn trong điều trị và phòng ngừa là chìa khóa để phòng những biến chứng nặng. Những người bị HPQ đôi khi quên hoặc không quên hoặc không sử dụng thuốc chống viêm. Đặc biệt trong thời gian họ cảm thấy khỏe mạnh.
Nếu bạn đang dùng thường xuyên các thuốc corticoid dạng phun hít, bạn không nên tự ý dừng thuốc mà cần thảo luận với bác sĩ của bạn.
7. Biến chứng của hen phế quản
- Biến dạng lồng ngực
- Chậm phát triển thể chất
- Tâm phế mạn
- Nhiễm khuẩn hô hấp
- Khí phế thũng
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất
- Xẹp phổi
- Suy hô hấp
Tiêm phòng cúm và phế cầu hằng năm cũng là một cách để dự phòng xảy ra cơn hen hoặc giúp mức độ cơn khi xảy ra nhẹ hơn, dễ kiểm soát hơn.