googleb578e89369db4e48.html

Bệnh lupus ban đỏ và thai nghén

09:35 - 16/04/2022 Lượt xem: 693 Tác giả: Thanh Nga

Bệnh lupus, hay còn gọi là lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một rối loạn tự miễn có thể gây nên những vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai. Bệnh tự miễn xảy ra khi kháng thể sinh ra tự quay lại tấn công các mô bình thường của cơ thể và gây tổn thương cho nhiều cơ quan.

Lupus là bệnh tự miễn, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Hơn 90% trường hợp lupus xảy ra ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Do vậy vấn đề thai nghén ở những bệnh nhân Lupus cần được chú ý. Phụ nữ là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn nam giới, thường là những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 16 - 44 tuổi) và nó còn ảnh hưởng lên đối tượng phụ nữ mang thai. May mắn là với chế độ chăm sóc và điều trị hợp lý, mọi phụ nữ mang thai vẫn có thể sinh con khỏe mạnh bình thường dù bản thân bị mắc lupus ban đỏ.

1. Người bị Lupus ban đỏ có nên mang thai và sinh con không?

Lupus ban đỏ thường gặp ở phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ do đó vấn đề thai sản cần đặc biệt lưu tâm. Bệnh nhân lupus ban đỏ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con, tuy nhiên bệnh Lupus và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau. Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh Lupus. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp, trong đó thận tổn thương nặng nhất với biểu hiện viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.

Ngược lại, bệnh Lupus gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thai sản của bệnh nhân, dẫn tới nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi, như tỷ lệ sảy thai và thai lưu, đẻ non, thai chậm phát triển ở bệnh nhân Lupus mang thai cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trong cộng đồng.

2. Nguyên nhân

Hiện tại nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Gen di truyền có thể đóng vai trò quyết định, cùng với một vài yếu tố khác như virus…

3. Triệu chứng

bệnh lupus ban đỏ khi mang thai

  • Sưng và đau khớp
  • Đau cơ
  • Phát ban trên da – Ban đỏ, hình cánh bướm chạy dọc theo sống mũi và hai bên má
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau ngực khi hít thở sâu
  • Các triệu chứng có thể biểu hiện từ nhẹ tới nặng, có giai đoạn bệnh thuyên giảm (không có hoặc chỉ xuất hiện một vài triệu chứng) và giai đoạn bùng phát (các triệu chứng dồn dập).

4. Các biến chứng có thể gặp ở thai phụ khi mang thai bị Lupus ban đỏ

Bệnh lupus ban đỏ có thể làm gia tăng một số nguy cơ sau ở phụ nữ mang thai:

  • Bệnh tiến triển nặng hơn: Các triệu chứng của lupus ở phụ nữ có thai thường diễn biến nặng hơn trong thai kỳ hoặc trong vòng vài tháng đầu sau sinh. Trường hợp, bệnh lupus của bạn đang ở trong giai đoạn thuyên giảm hoặc được kiểm soát tốt, bệnh sẽ ít có khả năng bùng phát.
  • Tiền sản giật: Tiền sản giật là một hội chứng xảy ra sau tuần thứ 20 thai kỳ hoặc ngay sau khi mang thai. Đây là tình trạng xảy ra ở những phụ nữ bị cao huyết áp và một số cơ quan như thận, gan không hoạt động tốt. Một số triệu chứng của tiền sản giật bao gồm protein niệu, thay đổi thị giác và đau đầu dữ dội.
  • Sinh non: sinh con trước tuần 37 thai kỳ.
  • Sảy thai: thai nhi tụt ra ngoài tử cung trước tuần 20 thai kỳ.
  • Thai chết lưu: thai nhi chết trong tử cung.

Nếu bạn mang thai trong thời kỳ bệnh thuyên giảm hoặc các triệu chứng đã được kiểm soát trong trong vòng ít nhất 1 tháng trước khi mang thai, bạn sẽ ít có nguy cơ gặp phải các biến chứng trên. Hãy trao đổi với bác sỹ để biết được thời điểm an toàn nhất cho việc mang thai.

5. Ảnh hưởng của Lupus ban đỏ đến trẻ nhỏ như thế nào?

Trẻ sinh ra bởi mẹ bị lupus ban đỏ vẫn có thể khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp phải những nguy cơ về sức khỏe như sau:

Sinh non: Cứ 10 trẻ sinh ra thì có 3 trẻ bị sinh non (30%). Trẻ sinh non sẽ cần phải lưu lại bệnh viện để chăm sóc lâu hơn và dễ bị mắc một số bệnh hơn so với trẻ sinh đủ tháng.

Lupus sơ sinh: Cứ 100 trẻ thì có 3 trẻ sinh ra bị mắc bệnh lupus tạm thời. Căn bệnh này gây ban đỏ trên da và một số vấn đề về máu cho trẻ sơ sinh nhưng thường sẽ chấm dứt khi trẻ được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, khoảng một nửa số trẻ mắc lupus sơ sinh sẽ mắc phải căn bệnh block nhĩ - thất là nguyên nhân gây chậm nhịp tim ở trẻ. Block nhĩ - thất thường là căn bệnh mãn tính suốt đời và một số trẻ sẽ phải sử dụng máy trợ tim để giúp tim đập đúng nhịp.

6. Chẩn đoán mắc Lupus ban đỏ

Để chẩn đoán bệnh lupus, bác sỹ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh và thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:

  • Kiểm tra tổng thể
  • Xét nghiệm máu tìm kháng thể thường gặp ở bệnh nhân lupus
  • Xét nghiệm nước tiểu để thăm dò chức năng thận
  • Sinh thiết mẫu da hoặc mô thận để xác định tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương

*Phụ nữ mang thai mắc Lupus ban đỏ có nhưng chế độ chăm sóc đặc biệt

Những phụ nữ mang thai mắc lupus ban đỏ sẽ luôn được theo dõi sát sao để phòng và điều trị kịp thời những đợt bùng phát triệu chứng hoặc các biến chứng phát sinh.

Những phụ nữ mắc bệnh lupus vẫn có thể sinh con bình thường khỏe mạnh. Tuy nhiên bạn cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sỹ để có thể đảm bảo an toàn cho đứa con tương lai của mình.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng gì đối với thai nhi?
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm?
Đi tiểu nhiều khi mang thai. Bình thường hay bất thường?