Bệnh thủy đậu và những câu hỏi liên quan đến thai kỳ
04:08 - 03/06/2020 Lượt xem: 1599
Thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn, kể cả phụ nữ mang thai và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị phù hợp. Khi bị thủy đậu mẹ bầu thường cảm thấy rất là lo lắng không biết thủy đậu có ảnh […]
Thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn, kể cả phụ nữ mang thai và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị phù hợp. Khi bị thủy đậu mẹ bầu thường cảm thấy rất là lo lắng không biết thủy đậu có ảnh hưởng đến thai không ? Làm sao để phòng tránh ?…Để giải đáp những câu hỏi này mẹ bầu hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé !
1. Thủy đậu là bệnh gì ?
Bệnh thuỷ đậu, bà con ta quen gọi là bệnh phỏng rạ (ở miền Bắc), bệnh trái rạ (ở miền Nam), là bệnh lây qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc trực tiếp với virus Varicella zoster.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi nơi, trên mọi đối tượng. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở các đô thị, nơi đông dân, nhất là lúc giao mùa. Tuổi mắc nhiều nhất là 2-7 tuổi, phần lớn là trẻ chưa được tiêm phòng thủy đậu; ít khi gặp ở trẻ dưới 6 tháng. Người lớn cũng mắc.
2. Mang thai bị thủy đậu phải làm sao ?
Khi bị thủy đậu mẹ bầu cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, thức ăn dễ tiêu hóa. Nếu bị sốt có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol. Cần giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm vi virus.
Đối với thai phụ bị thủy đậu diễn tiến nặng, có nguy cơ viêm phổi sẽ được chỉ định dùng Acyclovir đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai. Acyclovir có vai trò ức chế sự phát triển của virus, từ đó ức chế sự phát triển của bệnh.
3. Bà bầu bị thủy đậu thì con có làm sao không?
Mẹ bị thủy đậu trong thời gian mang thai, trẻ sinh ra có thể gặp rất nhiều vấn đề nguy hiểm. Tuy vậy, vẫn có trường hợp trẻ khỏe mạnh và không gặp bất cứ vấn đề về sức khỏe nào. Những khuyết tật bẩm sinh trẻ có thể bị mắc do mẹ bị thủy đậu đó là:
- Vấn đề về sẹo trên làn da.
- Cơ và bắp xương trẻ sơ sinh gặp vấn đề.
- Chân, tay bị dị tật bẩm sinh hay tê liệt không thể hoạt động bình thường.
- Trẻ thậm chí có thể bị mù mắt, động kinh bẩm sinh, thần kinh gặp vấn đề.
- Khuyết tật bẩm sinh Microcephaly. Đây là dạng tật bẩm sinh nguy hiểm khiến đầu trẻ nhỏ hơn bình thường.
Chính vì vậy trước khi mang thai cần tiêm phòng, giữ gìn sức khỏe để trẻ sinh ra được khỏe mạnh. Mẹ cần phải siêu âm đầy đủ trong quá trình mang thai.
4. Bị thủy đậu vào tuần trước sinh thì có ảnh hưởng gì không ?
Đây là tình huống khá nguy hiểm. Nó có thể khiến bé rơi vào tình trạng nhiễm trùng một cách khá nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là có thể dẫn tới tử vong. Chính vì vậy khi mang bầu, các mẹ nên chú ý bảo vệ sức khỏe để phòng tránh nhiễm bệnh.
5. Mẹ bầu từng bị thủy đậu thì có tái phát không?
Mặc dù trường hợp này hiếm khi xảy ra, nhưng bạn có khả năng bị thủy đậu nhiều lần. Phần lớn những người đã bị thủy đậu sẽ được miễn dịch trong phần còn lại của cuộc đời. Số ít có thể bị nhiễm virus thủy đậu lần thứ hai. Trường hợp này xảy ra nếu:
- Bạn mắc bệnh thủy đậu lần đầu tiên khi chưa đầy 6 tháng tuổi
- Lần mắc bệnh thủy đậu đầu của bạn cực kỳ nhẹ
- Bạn có hệ thống miễn dịch yếu
Trong một số trường hợp, một người tưởng như mình bị bệnh thủy đậu lần thứ hai, nhưng thực ra họ chưa hề mắc bệnh trước đó. Một số bệnh khác (như sởi, rubella, đậu mùa) cũng có triệu chứng khá giống thủy đậu. Thế nên, có thể trước đây họ từng bị một trong những căn bệnh này và bị chẩn đoán sai là thủy đậu.
6. Làm sao để phòng tránh bệnh thủy đậu khi mang thai
- Nên chủng ngừa bệnh thủy đậu khi còn bé hoặc ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
- Khi mang thai nên tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu.
- Giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh thân thể tốt.
7. Mẹ bầu bị thủy đậu nên ăn gì ?
Theo viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, bà mẹ bị thủy đậu nên ăn các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe và miễn dịch cho trẻ. Tích cực ăn nhiều rau xanh, hoa quả vitamin C, chế độ ăn cần đa dạng và cung cấp vi chất cần thiết.
Những lúc mệt mỏi, ăn kém thì có thể ăn các món ăn nhẹ và giàu dinh dưỡng như cháo, súp, súp rau cà rốt, bí đỏ… uống thêm sữa dành cho bà bầu cũng cung cấp nhiều dinh dưỡng. Khi chị em đang mắc bệnh thì cần phải chú ý chế độ dinh dưỡng hơn nữa để em bé khỏe mạnh.
8. Bị thủy đậu có cần kiêng gì không ?
Tránh đi tới chỗ đông người
Thủy đậu là bệnh dễ lây qua đường không khí đến người khác. Vì vậy, bạn nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tới nơi đông người trong thời gian bị bệnh để tránh lây lan và hạn chế nguy cơ trở thành dịch thủy đậu.
Tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân
Đồ dùng cá nhân, quần áo, khăn mặt của người bệnh cũng cần được giặt thật kỹ, giặt riêng với các thành viên khác trong gia đình và phải được phơi nắng, hoặc là/ủi kỹ trước khi sử dụng hay để chung với đồ dùng của người khác trong gia đình.
Tránh gãi mạnh
Gãi mạnh làm vỡ hoặc trầy các nốt mụn thủy đậu vì khi vỡ, các nốt này dễ để lại sẹo thâm lõm trên da gây mất thẩm mỹ, và dịch nước ở mụn lan sang các vùng khác dễ gây bệnh. Ngoài ra, khi bị thủy đậu, cần chú ý mặc quần áo chất liệu mát, rộng để tránh cọ sát.