googleb578e89369db4e48.html

Biến chứng của hen phế quản

07:34 - 25/03/2020 Lượt xem: 787

Biến chứng của hen phế quản rất nguy hiểm nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Chính vì vậy cần chú ý kiểm soát bệnh hiệu quả để ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là một vài biến chứng có thể gặp. 1. […]

Biến chứng của hen phế quản rất nguy hiểm nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Chính vì vậy cần chú ý kiểm soát bệnh hiệu quả để ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là một vài biến chứng có thể gặp.

1. Suy hô hấp

Nếu không kiểm soát tốt trẻ thường xảy ra cơn hen cấp tính mức độ nặng hoặc hen ác tính sẽ có nguy cơ gây suy hô hấp. Suy hô hấp là biến chứng nặng nhất của hen phế quản có biểu hiện nặng ngực; khó thở liên tục, da, môi, niêm mạc tím, toan hóa máu. Đôi khi xảy ra ngừng thở khi ngủ, phải thở máy hỗ trợ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây hôn mê, tử vong đột ngột của bệnh hen.

2. Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất

Có khoảng 5% bệnh nhân hen phế quản mạn tính bị tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất. Tràn khí màng phổi hai bên là nguyên nhân gây đột tử ở người hen phế quản do ở những bệnh nhân hen phế quản mạn tính hoặc hen phế quản nặng. Phế nang của họ bị giãn không phục hồi khiến cho áp lực trong phế nang tăng; mạch máu thưa thớt, thành phế nang dễ bục.

3. Khí phế thũng

Là biến chứng xảy ra ở phế nang do khí bị ứ lại trong lồng ngực. Sự đàn hồi của các phế nang ở bệnh nhân hen giảm dần theo thời gian, thở ra ít, thể tích khí cặn tăng.

Khí phế thũng khiến cho bệnh nhân luôn cảm thấy khó thở, khạc đờm nhiều, môi tím tái; chức năng hô hấp bị suy giảm nghiêm trọng và tăng nguy cơ dẫn tới suy tim.

4. Biến dạng lồng ngực

Đặc điểm điển hình của bệnh hen phế quản là tắc nghẽn đường dẫn khí lúc thở ra. Nguyên nhân sinh bệnh thường là do sự tương tác giữa cơ địa và các yếu tố môi trường. Theo đó bệnh lý này thường biểu hiện rất sớm từ khi trẻ còn nhỏ. Sự tắc nghẽn lâu dài không chỉ làm trẻ khó thở mà còn gây tích tụ khí trong lồng ngực. Khi trẻ lớn hơn thay vì lồng ngực kéo dài ra thì lồng ngực của trẻ bị hen suyễn sẽ căng tròn, đường kính trước-sau trở nên gần bằng đường kính trái-phải trông như lồng ngực nở rộng ở phía trước, xương ức cũng bị nhô ra phía trước.

5. Nhiễm khuẩn hô hấp

Đường thở tắc nghẽn liên tục; tăng tiết đàm nhớt là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn cư trú và sinh bệnh tái đi tái lại. Đây cũng thường là biến chứng ở các bệnh nhân bị hen mạn tính. Nhân các đợt chuyển mùa, các đợt rét, thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng, đường hô hấp dưới. Ngược lại, các đợt nhiễm trùng đường hô hấp lại làm cho những triệu chứng bệnh hen nặng hơn. Bệnh nhân sẽ sốt, khó thở tăng, có đờm nhiều, có thể đờm vàng hoặc xanh.

6. Xẹp phổi

Biến chứng của hen phế quản

Xẹp phổi là một trong những biến chứng hen phế quản rất nguy hiểm. Bởi nó làm suy yếu sự trao đổi carbon dioxide và oxy trong phổi. Theo số liệu thống kê có đến 1/3 số trẻ em bị hen phế quản phải nhập viện do gặp phải biến chứng xẹp phổi.

Xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy là biến chứng thường gặp tỷ lệ khoảng 10% số bệnh nhân vào viện. Khi hen ổn định thì tình trạng xẹp phổi sẽ khỏi hoặc đôi khi cũng không phục hồi được hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể lực của trẻ cũng như khả năng gắng sức sau này.

7. Tâm phế mạn

Bất cứ bệnh lý mạn tính nào ảnh hưởng đến phổi về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến tim. Khi có những biểu hiện khó thở khi gắng sức, phù chân; đau tức hạ sườn bên phải, gan to, tĩnh mạch cổ nổi; chứng tỏ bệnh hen suyễn đã có biến chứng tâm phế mạn, gây suy tim.

Do cấu trúc của phổi bị tổn thương lâu ngày khiến thành mạch máu của mao mạch phổi bị xơ cứng; tăng kháng lực kéo theo là tăng áp động mạch phổi. Từ đó tim phải tăng sức co bóp bơm máu lên phổi, về sau thành cơ tim sẽ dãn dần và biểu hiện suy tim phải. Do hen phế quản có khả năng phục hồi chức năng hô hấp, cho nên thời gian dẫn đến tâm phế mạn của từng bệnh nhân khác nhau, có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn tùy vào khả năng kiểm soát cơn hen suyễn.

8. Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não

Ở những thể hen nặng có lúc ngừng tim, ngừng hô hấp kéo dài khiến cho não không được cung cấp đầy đủ oxy. Những trường hợp này thường có cơn ngạt thở đột ngột dẫn đến hôn mê và tử vong.

9. Biến chứng do điều trị

Biến chứng này thường xảy ra khi người bệnh quá lạm dụng một số loại thuốc kháng viêm, thuốc corticoide gây nên hội chứng cushing, loãng xương, viêm loét dạ dày, nhiễm khuẩn dai dẳng, bệnh tâm thần – thần kinh. Nếu dùng quá nhiều các loại thuốc dãn phế quản như adrenalin có thể tử vong đột ngột do rối loạn nhịp tim hoặc mắc hội chứng phổi ức chế.

Bằng sự chăm sóc đúng cách và chu đáo bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cơn hen phế quản và những biến chứng của căn bệnh này.

 

 

 

Bài viết liên quan

Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng gì đối với thai nhi?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?