Các biện pháp điều trị thai chậm tăng trưởng trong tử cung
16:44 - 01/07/2022 Lượt xem: 565 Tác giả: Kim Ngân
Theo dõi chặt chẽ và tư vấn kỹ cho sản phụ và gia đình trong giai đoạn mang thai vì hiện nay chưa có phương pháp hữu hiệu để điều trị thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Thai phụ cần được nghỉ ngơi, hạn chế lao động nặng
Nguyên nhân khiến thai chậm tăng trưởng trong tử cung
- Mẹ mắc bệnh lý nhiễm trùng như giang mai, sởi, nhiễm toxoplasma...
- Mẹ sử dụng một số thuốc như điều trị co giật
- Mẹ mắc cao huyết áp, rối loạn đông máu, thiếu máu hay đái tháo đường thai kỳ
- Thai nhi bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng turner và hội chứng Down
- Mẹ mang đa thai
- Mẹ có lối sống thiếu lành như hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích.
Tìm nguyên nhân
Có thể điều trị tăng huyết áp nếu xác định đó chính là nguyên nhân gây thai chậm phát triển.
Nếu nguyên nhân đến từ bất thường nhiễm sắc thể hay đa dị tật thì nên chỉ định đình chỉ thai nghén, nếu dị tật đơn độc thì cần được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước sinh và bác sĩ phẫu thuật để có hướng xử trí sau sinh.
Dùng corticoid cho tuổi thai từ 28 đến hết 34 tuần.
Theo dõi liên tục nhịp tim thai từ tuần 26, đánh giá độ giao động của tim thai và biến đổi nhịp tim thai.
Đình chỉ thai nghén
Được đặt ra sau khi đã đánh giá toàn diện tuổi thai, tiền sử, tình trạng mẹ và bệnh lý đi kèm và trong các trường hợp sau:
Tuổi thai trên 31 tuần mà nhịp tim thai dao động kém, dao động độ không liên tục sau quá trình theo dõi, nhịp chậm đơn độc và kéo dài, lặp lại nhiều lần
Tuổi thai trên 34 tuần mà Doppler động mạch rốn có dòng tâm trương bằng không và bất thường Doppler động mạch não, thai có biểu hiện ngừng tiến triển
Tuổi thai trên 37 tuần mà bất thường Doppler động mạch rốn, động mạch não, monitor
Trẻ sơ sinh chậm phát triển trong tử cung có nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý cao hơn so với trẻ khác như: chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa gây đái tháo đường, tổn thương thận, tổn thương nội mạc mạch máu.
Cách thức đẻ
Trong trường hợp chuyển dạ tự nhiên hoặc đình chỉ thai nghén không có chống chỉ định đẻ đường dưới thì theo dõi như một cuộc đẻ thường. Nếu có suy thai hoặc giảm ối, có yếu tố bất lợi như nhau bám thấp, ngôi ngược thì cần mổ lấy thai và có sự tham gia của bác sĩ hồi sức sơ sinh.
Khám thai đều đặn giúp phát hiện sớm thai chậm phát triển, theo dõi, điều trị và có quyết định đúng lúc để tránh tử vong cho thai nhi, đồng thời hạn chế những tổn thương não với những di chứng tâm thần và vận động về sau.
Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai nhé.