googleb578e89369db4e48.html

Các bước đo lưu lượng đỉnh kế bạn nên biết

06:43 - 31/03/2020 Lượt xem: 1546

Lưu lượng đỉnh là lượng khí tối đa bạn có thể thở ở một lần thở ra. Lưu lượng đỉnh giúp bạn biết đường thở của bạn mở rộng hay hẹp ngay cả trước khi triệu chứng xuất hiện. Để đo lưu lượng đỉnh, cần có một thiết bị gọi là lưu lượng đỉnh kế. […]

Lưu lượng đỉnh là lượng khí tối đa bạn có thể thở ở một lần thở ra. Lưu lượng đỉnh giúp bạn biết đường thở của bạn mở rộng hay hẹp ngay cả trước khi triệu chứng xuất hiện. Để đo lưu lượng đỉnh, cần có một thiết bị gọi là lưu lượng đỉnh kế. Nhân viên y tế sẽ dặn bạn khi nào đo và bao lâu đo một lần. Nhớ ghi kết quả mỗi khi đo và mang theo sổ ghi chép mỗi khi đi khám bệnh.

1. Lưu lượng đỉnh kế là gì?

Lưu lượng đỉnh kế là dụng cụ cầm tay, kỹ thuật đơn giản dễ sử dụng; có độ tin cậy khá cao trong chẩn đoán và đánh giá tình trạng hen phế quản; giúp người bệnh có thể theo dõi tình trạng bệnh tại nhà.

Nếu mắc các bệnh về phổi chẳng hạn như hen suyễn, bác sĩ có thể đo lưu lượng hít vào đỉnh (PIF) và lưu lượng thở ra đỉnh (PEF) để đánh giá lượng khí mà người bệnh có thể hít vào và thở ra. Đây cũng là hai thông số nằm trong bộ đo chức năng hô hấp.

2. Các bước đo lưu lượng đỉnh kế tại nhà

Lưu lượng thở ra đỉnh sẽ thấp nhất về sáng và cao nhất vào buổi chiều. Nếu người bệnh chỉ đo PEF một lần mỗi ngày thì nên đo vào sáng sớm mới ngủ dậy trước khi dùng các thuốc giãn phế quản.

Bệnh nhân có bệnh hen từng cơn hoặc hen kéo dài mức độ nhẹ có thể không cần phải đo PEF mỗi ngày. Nhưng nếu triệu chứng này gia tăng nặng hơn, người bệnh cần phải đo PEF trong một khoảng thời gian để từ đó có thể giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị như thế nào.

Trước khi tiến hành áp dụng lưu lượng đỉnh kế; người bệnh nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện đo bằng lưu lượng kế đỉnh:

    • Bước 1: Di chuyển nút chỉ tới số 0 hoặc số thấp nhất trên thước của lưu lượng kế đỉnh
  • lưu lượng đỉnh kế
    • Bước 2: Gắn lỗ thổi của lưu lượng kế đỉnh với phần thân của máy (nếu máy có lỗ thổi tháo rời được)
    • Bước 3: Đứng thẳng người hoặc ngồi thẳng lưng, hít vào thật sâu
    • Bước 4: Ngậm lỗ thổi của lưu lượng kế đỉnh vào miệng; cắn nhẹ bằng răng và ngậm môi lại, không để lưỡi bít mất lỗ thổi của lưu lượng kế đỉnh
    • Bước 5: Thở ra thật mạnh và thật nhanh một lần (thổi hết khả năng); trong vòng từ 1 hoặc 2 giây rồi rút máy ra khỏi miệng
    • Bước 6: Kiểm tra chỉ số đo được trên lưu lượng đỉnh kế và ghi lại. Đó chính là lưu lượng đỉnh thở ra (PEF)của bạn.

Thực hiện lại 3 lần và chọn chỉ số cao nhất trong 3 lần đo rồi ghi lại số này vào bảng theo dõi lưu lượng đỉnh.

Chú ý:

Các chỉ số lưu lượng đỉnh (PEF)có giá trị nhất nếu được kiểm tra vào cùng một thời gian mỗi ngày; tốt nhất nên là vào buổi sáng và một lần nữa vào buổi tối.

Để có thể so sánh kết quả giữa các lần đo; hãy sử dụng theo cùng một cách vào mỗi lần đo.

3. Tác dụng của việc sử dụng lưu lượng đỉnh kế

Đo lưu lượng thở ra đỉnh (PEF) tại nhà có thể giúp:

    • Cảnh báo các dấu hiệu xấu đi của bệnh hen từ đó đưa ra lựa chọn dùng thuốc hen cứu nguy dạng hít hay các thuốc chống hen thông thường khác. Việc sử dụng thuốc hen cứu nguy trước khi có các biểu hiện của cơn hen mang lại lợi ích rất lớn: giúp nhanh chóng ngăn chặn sự thu hẹp đường thở và tránh phải nhập viện cấp cứu vì cơn hen nặng;
    • Nhận biết sớm yếu tố khởi phát của bệnh
    • Đáp ứng đúng loại thuốc trong cơn hen
    • Cảnh báo liệu cơn hen có nặng lên hay không
    • Thông báo độ nặng của bệnh hen
    • Đưa ra dấu hiệu trước để lựa chọn kế hoạch hành động phù hợp.
    • Thông báo về thời điểm nên điều chỉnh hay thêm thuốc, khi nào cần nhập viện cấp cứu

4. Lưu lượng đỉnh kế có thể cho biết khi nào phải gặp bác sĩ

Nếu kết quả lưu lượng đỉnh của bạn giảm xuống thấp hơn hai phần ba giá trị lưu lượng đỉnh bình thường bạn nên gặp bác sĩ. Đây là dấu hiệu cần chú ý và cần tăng lượng thuốc.

Khi kết quả này giảm hoặc thấp hơn một nửa giá trị thông thường, điều đó chỉ ra rằng bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Rất tốt nếu bạn và bác sĩ của bạn cùng xác định mức lưu lượng đỉnh nguy hiểm để báo cho bạn biết cần phải tăng liều thuốc hoặc tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp. Cần ghi rõ mức này vào kế hoạch điều trị của bạn.

Lưu ý:

Việc điều trị không được xác định hoàn toàn dựa vào kết quả lưu lượng đỉnh.

Khi điều trị thông thường không đạt kết quả kiểm soát hen như mong muốn bạn nên thảo luận với bác sĩ bất kể kết quả lưu lượng đỉnh như thế nào.

 

 

 

Bài viết liên quan

Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng gì đối với thai nhi?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?