Cách chăm sóc trẻ bị dị tật tim bẩm sinh tại nhà
07:56 - 18/09/2020 Lượt xem: 355
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 16.000 trẻ sơ sinh mắc dị tật tim bẩm sinh chào đời. Hàng năm, vẫn còn đó một danh sách dài “các bé đang chờ được gọi mổ”. Không may thay, “đến phiên mình vào danh sách được mổ” thì có bé bị sốt, bị viêm phổi, nhiễm […]
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 16.000 trẻ sơ sinh mắc dị tật tim bẩm sinh chào đời. Hàng năm, vẫn còn đó một danh sách dài “các bé đang chờ được gọi mổ”. Không may thay, “đến phiên mình vào danh sách được mổ” thì có bé bị sốt, bị viêm phổi, nhiễm trùng… và kết quả tiếp tục “đợi” đến khi sức khỏe tốt hơn. Chất lượng cuộc sống của trẻ bị giảm vì gắn liền với hai chữ “ đợi chờ”! Làm thế nào để giữ cho các bé bị dị tật tim bẩm sinh có sức khỏe tốt nhất đến khi phẫu thuật là điều băn khoăn không ít ở các bậc phụ huynh. Vậy hãy cùng phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang tìm hiểu nhé!
1. Bệnh tim bẩm sinh là gì?
Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật liên quan đến cấu trúc của tim, xuất hiện từ các tuần đầu của thời kỳ bào thai trong giai đoạn quả tim đang hình thành.
2. Cách chăm sóc trẻ bị dị tật tim bẩm sinh
Vấn đề răng miệng:
6-12 tháng là tuổi bắt đầu khám răng miệng.
Khi răng sữa vừa mọc, cha mẹ nên sử dụng bàn chải với đầu nhỏ tròn và lông mềm để đánh răng cho bé.
Cai bú mẹ và/hoặc cai bú bình khi trẻ 1 tuổi.
Trẻ tập đi cần theo dõi tránh té gây chấn thương răng.
Trẻ > 12 tháng:
Chải răng sau khi bú/ăn và trước khi đi ngủ bằng bàn chải mềm.
Cho đến khi bé 18 tháng, nên chải răng bằng nước sạch, một lần ngay sau bữa ăn; cuối cùng vào buổi tối.
Luôn luôn đọc các hướng dẫn để sử dụng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé.
Uống nước súc miệng sau khi uống những loại thuốc ngọt có đường như si-rô.
Nên cho trẻ có bữa ăn riêng, tránh ăn uống chung với người khác kể cả người trong gia đình để phòng bị lây bệnh.
Không cho trẻ ăn quà vặt.
Khám nha sĩ trẻ em định kỳ mỗi 6 tháng để có kế hoạch theo dõi và phòng bệnh.
Lưu ý: Đánh răng đúng cách.
Từ khoảng 4-5 tuổi, trẻ em nên bắt đầu tự học đánh răng. Trẻ em không có kỹ năng tự làm sạch răng cho đến khi lên khoảng 8-9 tuổi, do đó cha mẹ cần hổ trợ trẻ trong việc đánh răng.
Chọn một tư thế mà cha/mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy miệng của bé; ví dụ, để bé ngồi trên đùi cha/mẹ hoặc đứng đằng sau bé và để đầu của bé nghiêng về phía sau một chút.
Di chuyển bàn chải đánh răng nhẹ nhàng thành vòng tròn nhỏ để làm sạch bề mặt trước của răng bé. Để làm sạch được bề mặt bên trong răng, hãy nghiêng bàn chải đánh răng. Không nên chà răng kỹ quá vì có thể làm hỏng răng và nướu răng của bé.
Nên thay đổi bàn chải đánh răng ba tháng một lần hoặc phải thay bàn chải đánh răng nếu thấy bàn chải bị sờn lông. Lông bàn chải bị sờn không có hiệu quả trong việc loại bỏ mảng bám quanh răng và có thể làm xước nướu răng của bé. Để không gây trầy xước nướu răng của bé, bạn nên dùng một bàn chải đánh răng và một bàn chải không sờn lông để massage nướu răng riêng cho bé.
Dinh dưỡng cho trẻ bị tim bẩm sinh:
Tình trạng suy dinh dưỡng rất thường xuyên xảy ra ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh bởi bé có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường, trong khi sự hấp thu lại bị giảm. Nguyên nhân là do trẻ thở nhanh và mệt mỏi dẫn đến tình trạng biếng ăn, bú kém, đồng thời trẻ sẽ hấp thu dưỡng chất kém vì hệ tiêu hóa trẻ yếu. Vì vậy, khi chăm sóc bé, bố mẹ cần phải rất kiên nhẫn và cẩn thận, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé phát triển.
Ở trẻ suy tim, không kiêng muối nước ở trẻ nhỏ; bổ sung thực phẩm giàu kali khi trẻ phải uống thuốc lợi tiểu gây mất kali.
Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ có tư thế đầu cao khi cho ăn hay bú. Chia nhỏ bữa ăn (tăng số bữa ăn, giảm lượng trong mỗi bữa). Khi có chỉ định, các bác sĩ có thể đặt sonde dạ dày nuôi ăn.
Trẻ bị tim bẩm sinh nên hoạt động thể lực như thế nào?
Hầu hết trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh đều có thể sinh hoạt hay vui chơi bình thường. Trẻ có thể tham gia vào một số hoạt động có lợi cho sức khoẻ như đi bộ; chạy, bơi, đi xe đạp và chơi cầu lông. Chỉ cần tránh những hoạt động đòi hỏi gắng sức quá nhiều như bóng rổ, bóng đá, đua xe đạp, chạy cự ly dài, hoặc các môn thể thao mang tính chất thi đấu đối kháng như boxing, đấu vật, võ thuật, hay những trò chơi cảm giác mạnh.
Nếu trẻ đang ở độ tuổi đi học gia đình cần trao đổi với nhà trường để miễn cho trẻ những hoạt động nặng cần phải gắng sức nhiều.
Nhìn chung, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nên được động viên tham gia vào các hoạt động thể chất phù hợp, để giúp trái tim thích nghi tốt và trẻ có thể được tận hưởng cuộc sống một cách bình thường.
Phòng ngừa Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng:
Cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ biết trẻ đang bị tim bẩm sinh khi trẻ cần can thiệp phẫu thuật ở những cơ quan khác như bé cần nhổ răng, bé cần mổ tiết niệu, tiêu hóa,… Bác sĩ điều trị sẽ tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để biết tật TBS nào, loại thủ thuật nào cần phải dùng kháng sinh dự phòng và chọn kháng sinh và đường dùng phù hợp.
Phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp:
Chích ngừa cho bé đủ các vắc-xin theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng (bạch hầu; uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não do H. influenzae, sởi, rubella,…). Trẻ dưới một tuổi cần thêm chích ngừa cúm, phế cầu.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đặc biệt rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi, sổ mũi. Không được để trẻ sờ tay vào mắt, mũi, miệng để hạn chế đem các mầm bệnh vào cơ thể.
Nên đeo khẩu trang hoặc che tránh cho trẻ khi ra đường. Tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, người bệnh,…Cần mặc áo và giữ trẻ thật ấm khi trời trở lạnh, mưa
Sử dụng thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh theo đúng chỉ định
Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh, tùy vào mỗi loại bệnh tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh, mà bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng các loại thuốc khác nhau. Những thuốc này nếu dùng không đúng chỉ định, đều có thể có hại cho trẻ. Chính vì thế, bố mẹ cần lưu ý chỉ được cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự động ngưng thuốc sẽ khiến bệnh nặng hơn, cũng không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Trong khi dùng thuốc nếu trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường, gia đình cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Một số lưu ý trong sinh hoạt của trẻ bị tim bẩm sinh
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường dễ bị mệt mỏi do thiếu oxy. Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý tránh để trẻ quấy khóc; bú hoặc ăn quá no, chơi đùa lâu, rặn khi đi tiêu do táo bón… vì có thể làm cho tăng nhu cầu oxy của cơ thể; khiến trẻ bị mệt, khó thở, tím tái nhiều hơn.
Nên cho trẻ nằm đầu cao, chếch khoảng 30 – 45 độ, nhất là khi trẻ đang mệt và khó thở. Tránh các tác nhân kích thích như tiếng động lớn, tã ướt, bụng đói, ánh sáng chói… để trẻ được nghỉ ngơi yên tĩnh, ngủ ngon giấc.
Nếu trẻ khó thở cần nới rộng quần áo và đặt trẻ nằm theo tư thế quay sang một bên với hai đầu gối co lên ngực (tư thế này giúp tăng lượng máu lên phổi, trẻ sẽ đỡ mệt). Sau đó, lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Khi cho trẻ đi chơi xa như tham quan, du lịch… bố mẹ cần nhớ để mang theo các loại thuốc điều trị cần thiết cho trẻ.
Tim bẩm sinh là dị tật thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Ngày nay với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đã làm tăng đáng kể tỷ lệ sống của những trường hợp tim bẩm sinh phức tạp. Để đặt lịch siêu âm tầm soát sớm dị tật tim bẩm sinh, khám thai tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang mẹ bầu truy cập website: Dk.SAN43NGUYENKHANG.VN; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.