Cách phân loại nhóm máu
01:03 - 17/05/2020 Lượt xem: 956
Ở người, các nhóm máu được chia làm nhiều loại và mỗi loại có đặc trưng riêng. Nếu không truyền đúng nhóm máu tương thích thì có thể phá vỡ kết cấu của mạch máu; gây nguy hiểm đến tính mạng của người được truyền máu. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về […]
Ở người, các nhóm máu được chia làm nhiều loại và mỗi loại có đặc trưng riêng. Nếu không truyền đúng nhóm máu tương thích thì có thể phá vỡ kết cấu của mạch máu; gây nguy hiểm đến tính mạng của người được truyền máu. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm của các nhóm máu và cách phân loại nhóm máu.
1. Tổng quan về nhóm máu:
Đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học đã tìm ra sự ngưng kết của các tế bào hồng cầu khi trộn chung một số mẫu máu của người này với máu người khác. Ngưng kết đó là do sự có mặt của một kháng nguyên trên tế bào hồng cầu và một kháng thể có trong huyết thanh.
Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện mỗi người chúng ta có đến 30 hệ nhóm máu khác nhau nhưng quan trọng nhất là hệ nhóm máu ABO và hệ Rh. Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay không có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cấu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Ví dụ: hệ ABO có 4 nhóm máu A, B, O, AB và hệ Rh có chủ yếu 5 nhóm D, C; E, c, e trong đó kháng nguyên D có tính sinh miễn dịch cao nhất.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra được thừa hưởng sự di truyền từ bố mẹ nên có một nhóm máu cố định và không thay đổi trong suốt cuộc đời.
2. Các hệ nhóm máu
Trong khoảng 30 hệ nhóm máu khác nhau được xác định thì hệ nhóm máu ABO và Rh D là hai hệ chính và rất quan trọng vì có tính sinh miễn dịch cực mạnh.
Hệ nhóm máu ABO
Nhóm máu A
Có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu và kháng thể B trong huyết thanh. Người có nhóm máu A có thể hiến máu cho người khác có cùng nhóm máu A; hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu A cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu O.
Nhóm máu B
Có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có kháng thể A trong huyết thanh. Người có nhóm máu B có thể hiến máu cho người khác có cùng nhóm máu B; hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu B cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu O.
Nhóm máu AB
Có kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu và không có kháng thể A; kháng thể B trong huyết thanh. Đây là nhóm máu không phổ biến. Người có nhóm máu AB có thể nhận máu từ bất kỳ người có nhóm máu nào. Tuy nhiên, vì có cả hai kháng nguyên AB trên tế bào hồng cầu nên người có nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho người có cùng nhóm máu AB.
Không có kháng nguyên A, kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có cả kháng thể A; kháng thể B trong huyết thanh. Đây là nhóm máu phổ biến nhất. Người có nhóm máu O chỉ có thể nhận máu truyền từ người có cùng nhóm máu O; vì các kháng thể trong huyết tương của nhóm máu này sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác; do nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên.
Hệ nhóm máu Rh – kháng nguyên D (Rh D)
Kháng nguyên D thuộc hệ nhóm máu Rh có tính sinh miễn dịch mạnh nhất trong tất cả các hệ nhóm máu ngoài hệ nhóm máu ABO. Do đó, đây là hệ nhóm máu quan trọng sau hệ nhóm máu ABO.
Hầu hết máu ở người đều có kháng nguyên D trên hồng cầu, thường gọi là Rh D(+). Ngược lại, không có kháng nguyên D trên hồng cầu thì được gọi là Rh D(-). Tỷ lệ người có Rh D(-) tại Việt Nam chỉ khoảng 0,07%; nên đây được xem là một nhóm máu hiếm.
Người có nhóm máu Rh D(-) có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh D(+); nhưng chỉ được nhận máu truyền từ người có cùng nhóm máu và có Rh D(-).
3. Người có nhóm máu Rh D(-) cần lưu ý gì?
Đây là nhóm máu hiếm, các bệnh viện hoặc ngân hàng máu thường không dự trữ đủ nên khi cần truyền máu thì có thể gặp khó khăn.
Xét nghiệm nhóm máu và xét nghiệm yếu tố Rh là một trong những xét nghiệm máu thường quy trong thai kỳ mà phụ nữ mang thai cần thực hiện. Mục đích của xét nghiệm là nhằm sàng lọc để phát hiện sự tương thích máu trong cơ thể mẹ và bé. Nếu người mẹ có Rh D(-) và em bé có Rh D(+) thì cơ thể người mẹ sẽ có phản ứng với máu của em bé như một chất bên ngoài. Cơ thể người mẹ sẽ tạo ra kháng thể (protein) chống lại máu Rh D(+) của con và có thể gây ra các triệu chứng tán huyết từ nhẹ đến nặng.
Nhóm máu Rh D không tương thích còn có thể gây ra các vấn đề khó khăn khác trong lần mang thai tiếp theo của người mẹ, khi kháng thể D ở người mẹ (được sản sinh ra qua cơ chế đáp ứng miễn dịch ở lần mang thai trước) có thể đi qua nhau thai và tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi, dẫn đến tình trạng thiếu máu tan huyết ở bé, hoặc nặng hơn là có thể dẫn đến tình trạng sảy thai. Tuy nhiên, y học hiện đại đã giúp phát hiện sớm sự không tương thích này và có thể áp dụng phương pháp điều trị trước khi sinh để phòng ngừa các triệu chứng trên.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang với đội ngũ y bác sĩ giỏi, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm khảo sát dị tật và xét nghiệm máu, nhóm máu, phát hiện bất đồng nhóm máu mẹ và con. Bạn có thể đặt lịch khám, tư vấn qua website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN hoặc liên hệ Zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.