Cách phòng ngừa hen phế quản ở trẻ sơ sinh
07:01 - 01/04/2020 Lượt xem: 500
Hen phế quản là bệnh không thể chữa khỏi và sẽ theo bệnh nhân suốt đời. Ngay cả khi người bệnh cảm thấy khỏe, không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, thì đường thở vẫn có thể bị viêm và cơn khó thở sẽ lại xuất hiện khi gặp tác nhân khởi phát. Vậy […]
Hen phế quản là bệnh không thể chữa khỏi và sẽ theo bệnh nhân suốt đời. Ngay cả khi người bệnh cảm thấy khỏe, không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, thì đường thở vẫn có thể bị viêm và cơn khó thở sẽ lại xuất hiện khi gặp tác nhân khởi phát. Vậy có cách nào phòng ngừa hen phế quản không? Hãy cùng phòng khám sản phụ 43 Nguyễn Khang giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Các nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ sơ sinh
- Các trẻ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp như viêm VA, viêm phế quản, viêm mũi họng,…thì nguy cơ trẻ mắc hen suyễn sẽ tăng cao.
- Thay đổi thời tiết từ nắng ấm sang lạnh, ẩm ướt, gió mùa.
- Lông của động vật nuôi trong nhà, khói, bụi bẩn, khói thuốc lá, nhang khói, phấn hoa, nấm mốc; nước hoa, nước xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng…
- Yếu tố di truyền trong gia đình. Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh hen suyễn thì con sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh là từ 30-50%. Nếu cả cha và mẹ cùng bị bệnh hen thì tỉ lệ mắc bệnh của con là 50-70%.
2. Dự phòng hen phế quản ở trẻ
Điểm mấu chốt của bệnh hen phế quản là viêm đường thở do dị ứng. Chính hiện tượng viêm này khiến cơn hen phế quản tái phát. Nếu không kiểm soát được tình trạng viêm, về lâu dài thành phế quản có thể bị dày lên dẫn tới hẹp phế quản không hồi phục và kém đáp ứng với thuốc điều trị.
Mục đích của điều trị dự phòng
Dự phòng hen phế quản ở trẻ em và cách điều trị khoa học sẽ mang lại lợi ích, không chỉ hạn chế số lần lên cơn hen mà thậm chí người bệnh có thể không còn cơn hen nữa. Mục đích của điều trị dự phòng là giúp trẻ:
- Không còn triệu chứng hen khi nghỉ ngơi hoặc chơi thể thao
- Giảm ho về đêm để không phải thức giấc khi ngủ
- Duy trì chức năng phổi bình thường
- Hạn chế tới mức thấp nhất tác dụng phụ của thuốc điều trị đợt hen cấp tính
- Kiểm soát được cơn hen cấp tính
- Ngăn ngừa và giảm bớt tổn thương đường thở.
Nếu không điều trị dự phòng, mỗi lần lên cơn hen cấp tính trẻ có thể phải nhập viện điều trị bằng thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm corticosteroid (prednisolon hoặc solumedrol) từ 7 – 10 ngày với liều cao và có nguy cơ gây ra tác dụng phụ lên toàn thân.
3. Cách nhận biết hen suyễn ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị hen phế quản thường có các dấu hiệu sau đây:
- Trẻ ho liên tục và kéo dài, đặc biệt là hay ho về đêm: Ho là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh đường hô hấp khác nhau. Ho của hen suyễn có đặc điểm khác với các cơn ho khác là ho ngắn; rít, ho như đang thiếu oxy, ho không kèm đờm. Đặc biệt là các cơn ho xuất hiện chủ yếu vào ban đêm do đường thở của trẻ bị thu hẹp.
- Trẻ thở rất nhanh và gấp, mặt nhợt nhạt: Do đường dẫn khí bị thu hẹp, trẻ bị thiếu cung cấp oxy nên hơi thở trẻ rất nhanh, gấp, nặng nề.
- Trẻ thở khò khè: Cảm giác thở khò khè đôi khi có thể nghe thấy cơn co rít nơi cổ họng khi trẻ thở. Do khi trẻ bị hen đường thở của trẻ bị phù nề, thu hẹp nên khi không khí qua sẽ tạo âm thanh rít, khò khè. Đôi khi trẻ hắng giọng cũng là dấu hiệu của bệnh hen suyễn vì hắng giọng là trẻ đang cố đẩy các dịch nhầy trong cổ họng ra ngoài.
- Trẻ bị dị ứng hoặc chàm: Các nghiên cứu đã chỉ ra các trẻ có tiền sử bị dị ứng, viêm da, chàm sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hơn những trẻ khác.
- Trẻ kém thích nghi với thời tiết lạnh: Trẻ sơ sinh bị hen suyễn rất kém thích nghi với thời tiết lạnh. Khi trời lạnh trẻ thường bị nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, khó thở. Nếu cứ trở trời thay đổi thời tiết là trẻ bị các vấn đề hô hấp thì rất có thể trẻ đã mắc hen suyễn.
4. Cách phòng ngừa hen phế quản ở trẻ sơ sinh
Tuy hen suyễn rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn nhưng nếu tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Một số biện pháp phòng ngừa sau đây cha mẹ có thể thực hiện để phòng ngừa hen phế quản ở trẻ sơ sinh:
- Tuyệt đối không hút thuốc lá trong nhà và những nơi gần trẻ
- Không để vật nuôi như chó, mèo,… trong nhà
- Tạo môi trường sống thoáng mát, trong lành cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh để loại bỏ nấm mốc trong nhà.
- Hạn chế sử dụng thảm trong nhà, vệ sinh chăn gối của trẻ thường xuyên; không cho trẻ chơi các đồ chơi từ bông, lông, sợi…
- Tránh sử dụng nước xịt phòng, thuốc xịt côn trùng, nhang khói.
- Cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các khu vực ô nhiễm khói, bụi.
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng, chống lại các nguy cơ gây bệnh.
- Nếu trong thời kỳ mang thai mẹ hút thuốc lá, sử dụng thuốc kháng sinh, sử dụng thuốc giảm đau; con của họ sau này sẽ có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn những trẻ khác. Ngoài ra những trẻ bị căng thẳng tâm lý những năm đầu đời sẽ có nguy cơ bị hen suyễn cao sau này.
Hen phế quản là một bệnh phổ biến ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Hen suyễn có thể tái phát thường xuyên với các cơn ho dai dẳng, khò khè; khó thở làm trẻ mất ngủ, mệt mỏi. Nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xẹp phổi; suy hô hấp, viêm phế quản, tâm phế mạn tính, khí phế thủng, tràn khí màng phổi; ngừng hô hấp kèm tổn thương não,…