googleb578e89369db4e48.html

Cách vệ sinh bầu vú cho mẹ sau sinh

14:59 - 12/03/2023 Lượt xem: 669 Tác giả: Thanh Nga

Trong thời kỳ cho con bú, phụ nữ thường có nhiều thay đổi và gặp rắc rối liên quan đến bầu ngực. Nếu không chăm sóc, vệ sinh bầu vú đúng cách, các bà mẹ sẽ dễ bị áp xe hoặc viêm tuyến vú khá nghiêm trọng.

1. Cách vệ sinh bầu ngực và núm vú

Trong thời gian cho con bú, các mẹ cần chăm sóc bầu vú và nhất là phần núm vú thật cẩn thận bằng cách:

  • Rửa sạch tay trước khi chạm vào ngực
  • Thay tấm lót sữa thường xuyên để đầu ti luôn khô ráo
  • Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và làm phân hủy da, do đó không dùng các tấm lót sữa có lót nilon kém khô thoáng
  • Vắt một chút sữa lên núm vú và quầng xung quanh để làm ẩm da và bảo vệ chống nhiễm trùng sau mỗi cữ bú
  • Khi bé bú xong cần kiểm tra núm vú, nếu phát hiện vết nứt hay trầy xước thì phải xử lý sớm để tránh nhiễm khuẩn
  • Vệ sinh bầu vú bằng nước sạch. Không bôi trực tiếp xà phòng sữa tắm lên núm vú vì các hóa chất này có thể làm mất độ ẩm tự nhiên của da, khiến núm vú bị khô và nứt nẻ
  • Lau rửa nhẹ nhàng, không nên chà xát mạnh lên 2 bầu ngực
  • Đợi đến khi đầu ti khô hẳn rồi mới mặc áo ngực vào.

2. Chăm sóc bầu vú cương cứng

Cách 1: Chườm lạnh

  • Bọc túi chườm lạnh trong khăn, hoặc dùng túi đông lạnh hay khăn ướt ướp lạnh;
  • Đặt túi chườm lạnh lên bầu vú trong vài phút giúp làm giảm tình trạng phù nề;
  • Không chườm quá lâu hoặc nhiệt độ quá lạnh để tránh làm tổn thương da.

Cách 2: Chườm ấm

Có thể tham khảo các cách sau:

  • Tắm vòi sen với nước ấm
  • Đặt khăn ấm lên bầu ngực trong vài phút cho tới khi sữa bắt đầu xuống
  • Sử dụng túi chườm nóng hoặc bọc chai nước nóng trong khăn vải.

Lưu ý sau khi chườm lạnh hay nóng, các mẹ nên nhẹ nhàng massage bầu ngực và thử vắt một chút sữa cho núm cũng như quầng xung quanh trở nên mềm mại. Đợi đến khi vú không còn cương cứng thì cho bé bú.

3. Chăm sóc bầu vú căng tức sữa

vệ sinh bầu vú

Khi bầu ngực của người mẹ bị căng tức sữa thì không chỉ gây đau, mà đôi khi còn làm bé không thể bú cạn sữa. Tình trạng này dễ trở nên trầm trọng nếu mẹ không biết cách chăm sóc bầu vú khi cho con bú như sau:

  • Xoa nhẹ đầu vú để kích thích vú tiết sữa trước khi cho bé bú;
  • Dùng khăn ấm massage bầu ngực khi vú bị cương tức, sữa nhiều gây căng tức
  • Có thể sử dụng lược chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để thông các tuyến sữa, kết hợp xoa bóp tuyến vú nhẹ nhàng giúp giảm căng sữa
  • Bế bé bú đúng tư thế và tập cho bé ngậm bắt vú đúng cách.

Có trường hợp vú quá căng tức sữa khiến bé không thể ngậm bắt được bình thường, khi đó mẹ nên dùng tay vắt một chút sữa trước mỗi cữ bú để làm mềm quầng vú, giúp bé dễ bú hơn.

4. Chăm sóc bầu vú tắc tia sữa

Tắc tia sữa hoặc tắc ống dẫn sữa có nguy cơ hình thành các khối sữa đông đặc ở bầu vú, gây đau đớn cho người mẹ. Các lỗ ở đầu ti bị tắc sẽ biểu hiện bằng 1 hoặc nhiều đốm trắng. Tắc tia sữa có thể là do nguyên nhân:

  • Cho bé bú không đúng cách
  • Lựa chọn áo nịt ngực không thích hợp
  • Mặc áo ngoài quá chật
  • Giảm đột ngột số lần cho bé bú
  • Cương tức sữa
  • Nhiễm trùng vú.

Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng tắc tia sữa, phụ nữ cần:

  • Giữ tư thế đúng khi cho con bú
  • Tập bé bắt núm vú đúng cách
  • Thay đổi vị trí của bé trong các cữ bú để cạn tất cả các phần của bầu sữa
  • Cho cằm của bé áp sát vùng bị tắc để giải tỏa và lưu thông tuyến sữa
  • Dùng tay hoặc máy hút vắt kiệt sữa trong bầu vú
  • Không được ngừng cho bé bú nhằm tránh cương sữa và khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng
  • Chườm khăn hay tắm bằng nước ấm, đồng thời dùng tay massage bầu ngực theo 2 chiều. Một là từ xung quanh tiến tới núm vú để đẩy khối tắc về phía ngoài và ngược lại giúp thông thoáng ống dẫn sữa.

Nếu tình trạng tắc sữa không cải thiện trong vòng 1- 2 ngày, người mẹ nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hướng dẫn cách xử lý hiệu quả.

5.Chăm sóc bầu vú bị viêm

Viêm bầu vú có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn cho con bú, nhưng thường gặp nhất là khoảng 6 tuần đầu sau sinh. Tình trạng này là kết quả của cương tức tuyến vú hoặc tắc sữa mà không được xử trí hiệu quả. Triệu chứng của viêm bầu ngực là:

  • Phù nề, cứng và sưng nóng đỏ 1 vùng ngực
  • Thường đi kèm với sốt nếu người mẹ không dùng thuốc giảm đau
  • Đau cơ và đau tuyến vú.

Viêm vú dễ bị nhầm với căng tức tuyến vú, và triệu chứng sưng đỏ khu trú ở 1 phần vú chính là dấu hiệu phân biệt. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, viêm vú sẽ tiến triển thành áp-xe trong vòng 48 - 72 giờ. Do đó khi gặp các biểu hiện nghi ngờ viêm tuyến vú, phụ nữ cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và nếu sau 2 - 3 ngày không cải thiện thì phải tái khám.

Lưu ý ngay cả khi đang điều trị, vẫn có thể tiếp tục cho con bú và cố gắng cải thiện kỹ thuật để bé bú kiệt bầu sữa. Bên cạnh đó, chườm mát là biện pháp giúp giảm triệu chứng đau nhức hiệu quả mà các mẹ nên tham khảo.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ và các bé cần phải được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chính vì vậy, việc chăm sóc bầu vú khi mang thai và nuôi con bú là rất cần thiết và mang đến lợi ích cho cả hai mẹ con. Nếu vú có biểu hiện sưng đau, nhức,... bà mẹ cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị phòng ngừa viêm nhiễm.

Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

Bài viết liên quan

Sau sinh mổ có được nằm sấp không?
Dấu hiệu sót nhau thai sau sinh mẹ cần biết
Mẹ sinh mổ - Ăn gì nên và không nên
Một số vấn đề tuyến vú thời kì cho con bú
Những vấn đề thường gặp sau sinh và cách khắc phục