Cẩm nang mang thai – Bí kíp “vàng” cho thai kì khỏe mạnh
03:36 - 16/11/2020 Lượt xem: 383
Để có thai kỳ hoàn hảo và khỏe mạnh mẹ bầu cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ trước và suốt thai kỳ. 1. Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai Một trong những điều cần biết khi mang thai mà mẹ bầu cần biết là tiêm phòng […]
Để có thai kỳ hoàn hảo và khỏe mạnh mẹ bầu cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ trước và suốt thai kỳ.
1. Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai
Một trong những điều cần biết khi mang thai mà mẹ bầu cần biết là tiêm phòng trước khi mang thai. Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường; nguy cơ nhiễm bệnh vì thế mà tăng lên. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo tất cả phụ nữ có dự định mang thai nên tiêm phòng trước ít nhất 3 tháng để ngừa một số bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và bé như: Rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, viêm màng não, cảm cúm…
2. Chế độ dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ
Ăn đa dạng các loại thực phẩm và đủ 4 nhóm dinh dưỡng chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất giúp mẹ khỏe bé phát triển toàn diện.
Mẹ bầu nên chú ý chia nhỏ bữa ăn để hạn chế nạp quá nhiều năng lượng cho cơ thể. Trung bình, mỗi ngày bạn chỉ nên bổ sung thêm khoảng 300 – 400 calo tùy vào giai đoạn và cân nặng của bạn trước khi mang thai. Việc thừa thiếu dưỡng chất ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ.
Trong trường hợp mẹ bầu không bổ sung được đầy đủ dưỡng chất thông qua thực phẩm hằng ngày thì mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung thêm những loại dưỡng chất nào và liều lượng bao nhiêu cho phù hợp.
Điều quan trọng cuối cùng các mẹ bầu cần phải tránh xa các chất kích thích; hóa chất độc hại như rượu, bia, thuốc lá, café…vì các chất này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ thậm chí dùng liều lượng lớn có thể gây tình trạng dị tật ở thai nhi.
3. Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý
Mẹ bầu cần nhớ, không nên làm những việc nặng nhọc; không làm trong môi trường độc hại hay những việc làm phải đứng lâu; cúi nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Bà bầu cần duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý; ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và dành khoảng 30 phút cho giấc nghỉ trưa. Tránh thức quá khuya.
Nên vận động thường xuyên vì tập thể dục đều đặn khi mang thai là cách đơn giản giúp mẹ bầu duy trì cân nặng và ổn định sức khỏe. Không chỉ vậy, một số bài tập trong thai kỳ có thể giúp mẹ bầu giảm bớt khó chịu; stress và thậm chí góp phần giảm bớt đau đớn khi sinh. Mẹ bầu nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, phụ hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Những bài tập thể dục hợp lý cho bà bầu: bơi lội, đi bộ, yoga…
4. Khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ giúp mẹ có thể theo sát sự phát triển của thai nhi; phát hiện sớm nguy cơ dị tật hay các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, có 3 mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ qua: Khám thai tuần 11-13 của thai kỳ để đo độ mờ da gáy; tuần 21-24 chẩn đoán khuyết tật bẩm sinh và giai đoạn tuần 30-32 của thai kỳ để “chốt” trước khi sinh.
Khám thai định kỳ cũng là cách tốt nhất để dự phòng và phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ…
Vì vậy khám thai định kỳ là việc làm hết sức quan trọng mẹ bầu cần lưu ý và không nên bỏ qua.
5. Quan tâm hơn đến sức khỏe bản thân
Khi mang thai sức để kháng của mẹ bầu kém hơn bình thường; mẹ bầu trở thành đối tượng tấn công của nhiều loại virut. Mẹ bầu bị bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho bé nếu không được điều trị hợp lý. Mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc mà chưa có sự cho phép của bác sĩ. Cách phòng tránh tốt nhất là mẹ bầu nên tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai.
Ngoài ra, việc thay đổi hormone khi mang thai dẫn đến tình trạng ra nhiều khí hư gây tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, mẹ bầu cần lưu ý khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như ra khí hư có màu bất thường (vàng, xanh…), mùi hôi, ngứa…mẹ cần đi khám phụ khoa ngay để được điều trị kịp thời; tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
6. Kết nối với con yêu
Nói chuyện với thai nhi: Các nhà khoa học chứng minh rằng nói chuyện với thai nhi giúp kích thích âm thanh tới bé ngay khi chưa chào đời. Nói chuyện với bé trong bụng giúp bé cải thiện thị giác, thính giác; phát triển ngôn ngữ và vận động; tăng sự tự tin và thậm chí làm bé ngủ ngon hơn.
Nhận biết sự chuyển động của bé: Nếu bé di chuyển ít hơn thường lệ hoặc ngừng chuyển động thì bạn nên đi khám ngay. Bạn có thể cần học cách ghi chép số chuyển động của bé; thường là 10 cử động trong một khoảng thời gian để đảm bảo bé vẫn khỏe mạnh.
Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh !