googleb578e89369db4e48.html

Cẩm nang mang thai lần đầu

08:48 - 05/09/2020 Lượt xem: 470

Trong quá trình mang thai, nhất là những mẹ mang thai lần đầu sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như theo dõi sự phát triển của em bé ở mỗi giai đoạn nhất định. Đôi khi chỉ một sự thay đổi nhỏ của cơ thể cũng là […]

Trong quá trình mang thai, nhất là những mẹ mang thai lần đầu sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như theo dõi sự phát triển của em bé ở mỗi giai đoạn nhất định. Đôi khi chỉ một sự thay đổi nhỏ của cơ thể cũng là dấu hiệu cho thấy em bé của bạn đang muốn truyền đạt một điều gì đó. Bạn hãy tham khảo và áp dụng các kinh nghiệm dưới đây của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang để có thai kỳ mạnh khỏe nhất nhé!

1. Dấu hiệu mang thai

Không có cái lần đầu nào mà mọi thứ trọn vẹn, điều này quả thật không sai. Đa số các mẹ mang thai lần đầu đều không biết mình có thai cho đến khi trễ kinh và dùng que thử thai, tuy nhiên để phát hiện dấu hiệu mang thai sớm, bạn có thể dựa vào các triệu chứng phổ biến sau của cơ thể mà hầu như các chị em đều gặp phải đó là:

      • Bị trễ kinh nguyệt
      • Ngực mềm, đau và lớn hơn, núm vú đổi màu sẫm hơn,
      • Mệt mỏi, đau đầu
      • Thân nhiệt tăng lên và căng tức ngực
      • Chóng mặt
      • Nhạy cảm với mùi lạ và ăn uống bị rối loạn
      • Buồn nôn và nôn
      • Chảy máu nhẹ như ngày đầu có kinh, dịch âm đạo nhiều hơn
      • Thay đổi tâm trạng
      • Đi tiểu nhiều lần

2. Lịch khám thai định kỳ

Khi trễ kinh một tuần, hoặc khi thử que hai vạch các bạn nên đi khám ngay. Có nhiều người biết có thai nhưng cố đợi đến hai ba tháng mới đi khám. Điều đó hoàn toàn không nên. Cần phải khám thai sớm để loại trừ trường hợp thai nằm ngoài tử cung hoặc các trường hợp xấu khác. Dưới đây là các mốc khám thai quan trọng bạn không nên bỏ qua.

Khám thai lần 1. Chậm kinh và Beta HCG(+)

Sau khi trễ kinh khoảng 1 tuần và thử que lên 2 vạch, bạn nên đi khám thai để kiểm tra thai đã vào trong buồng tử cung chưa, thai được bao nhiêu tuần, Loại trừ chửa ngoài tử cung.

Khám thai lần 2. Thai 6-8 tuần:

Siêu âm kiểm tra phôi thai và tim thai

Đánh giá sự phát triển của thai

Làm xét nghiệm máu(Viêm gan B, HIV, công thức máu…) sàng lọc các bệnh lý

Khám thai, tư vấn sử dụng thuốc và bổ sung chất dinh dưỡng.

Khám thai lần 3. Thai 12-14 tuần:

Siêu âm hình thái, khảo sát dị tật thai nhi (đo độ mờ da gáy – một chỉ số quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh Down.)

Làm xét nghiệm sàng lọc Double test

Thăm khám, thử nước tiểu định kỳ

Khám thai lần 4. Thai 16-18 tuần

Siêu âm hình thái, khảo sát dị tật mặt mũi, tay, chân…

Làm xét nghiệm sàng lọc Triple test

Thăm khám, thử nước tiểu định kỳ

Khám thai lần 5. Thai 22-24 tuần

Siêu âm khảo sát hình thái, dị tật tim bẩm sinh

Thăm khám, thử nước tiểu định kỳ

Khám thai lần 6. Thai 26-28 tuần

Siêu âm hình thái, phát hiện dị tật muộn (thận, não…)

Làm xét nghiệm dung nạp đường huyết( lấy máu 3 lần) để kiểm tra xem mẹ có bị tiểu đường thai kì không?

Thăm khám, thử nước tiểu định kỳ

Tiêm phòng uốn ván mũi 1

Khám thai lần 7. Thai 30-32 tuần

Siêu âm hình thái, nhận địnhh lần cuối dị tật thai nhi

Xác định ngôi thai, rau, ối

Tiêm phòng uốn ván mũi 2

Thăm khám, thử nước tiểu định kỳ

Khám thai lần 8. Thai 36-40 tuần

Siêu âm kiểm tra rau, nước ối, dự đoán cân nặng

Đo Doppler

Khảo sát cơn co bằng Monitoring sản khoa

Tiên lượng cuộc sinh

Thăm khám, thử nước tiểu định kỳ

Ở tuần thai cuối bạn đi khám 1 tuần 1 lần, theo chỉ định của bác sĩ và đi khám ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra huyết, đột ngột hết nghén, đầu ti thâm bỗng hồng hào trở lại, em bé ít cử động…

3. Chế độ ăn hợp lí, đủ dinh dưỡng

mang thai

Dinh dưỡng thai kỳ vô cùng quan trọng. Không hẳn là mang thai thì mẹ phải ăn uống nhiều gấp hai lần mà cần ăn đủ cho cả mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Mẹ bầu nên ăn các nhóm thực phẩm sau:

      • Tinh bột: Ngũ cốc, gạo, bánh mì,… (tuy nhiên tránh thức ăn quá nhiều tinh bột)
      • Chất đạm: Thịt, cá, trứng, ngũ cốc, thịt bò, cá lóc, cá chép (an thai), cá hồi (giàu omega 3 giúp con thông minh), trứng gà, tim heo, hải sản (tôm, cua, ghẹ ăn vào 3 tháng giữa là tốt nhất)…
      • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh hoa quả hay nước ép quá ngọt vì có thể gây rối loạn dung nạp đường huyết.
      • Chất béo: Dầu thực vật, bơ,…
      • Uống đủ nước: 2 – 3l nước mỗi ngày(tốt nhất nên uống nước ấm).
      • Rau củ quả : cà rốt, khoai lang, bắp, rau lang (nhiều sữa, dễ sinh), xúp lơ xanh, rau họ nhà cải, nấm, rau muống, bầu….
      • Các loại hạt : hạnh nhân, óc chó, macca, hạt bí, hạt điều…
      • Bổ sung sắt, canxi, axit folic, vitamin A, D… theo chỉ định của bác sĩ

Các thực phẩm nên tránh

      • Rượu, bia, chất kích thích, thuốc lá, nước ngọt có gas…
      • Những thực phẩm nóng như: Ớt, hạt tiêu, mù tạt…
      • Ba tháng đầu, mẹ bầu nên hạn chế những thực phẩm có tính hàn như nước dừa, rau ngót…
      • Những loại cá sống dưới tầng nước sâu có chứa thủy ngân không tốt cho thai nhi: Cá thu, cá ngừ
      • Những thực phẩm gây co thắt, làm mềm tử cung như dứa, đu đủ xanh, ngải cứu…
      • Những thực phẩm tái, sống như các món gỏi, tái chanh…
      • Tránh ăn thực phẩm mặn, thực phẩm được ủ muối, lên men như măng muối, dưa, cà…
      • Tránh ăn các loại rau củ quả có mầm như: giá, khoai tây mọc mầm…
      • Các loại thực phẩm gây tăng đường huyết như: bánh kẹo, kem, chè, các loại trái cây ngọt,…
      • Các loại thực phẩm có nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng (tim, gan, thận),…

4. Những hoạt động mẹ bầu nên tránh

      • Không xoa bụng hay massage, vê đầu ti khi mang thai vì có thể gây kích thích sinh non.
      • Không nên lạm dụng siêu âm, vừa tốn kém về kinh tế vừa không cần thiết.
      • Vận động nhẹ nhàng, không tập các bài tập quá sức, xin ý kiến bác sĩ về những hoạt động nên làm và nên tránh.
      • Không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y tới tây mà không có tư vấn, giám sát của bác sĩ.
    • mang thai
      • Hạn chế quan hệ tình dục 3 tháng đầu và cuối, 3 tháng giữa chọn tư thế thoải mái, tránh đè lên bụng, quan hệ nhẹ nhàng.
      • Theo dõi cử động thai vào những giờ cố định, bé ít đạp hay đạp nhiều hơn bình thường thì bạn nên đi kiểm tra.
      • Chị em có thể dùng dầu dừa hoặc kem dưỡng ẩm chiết xuất từ thiên nhiên để đảm bảo làn da không bị rạn nứt, thâm đen khi mang thai nhé.
      • Bạn nên đăng ký tham gia một lớp tiền sản.

5. Danh sách đồ dùng chuẩn bị khi sinh cho mẹ và bé

Bạn cần chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé đầy đủ, sẵn sàng trước dự sinh 1 đến 2 tháng để chủ động và kịp thời khi có các dấu hiệu chuyển dạ đột ngột. Trên thực tế, nhiều mẹ bầu còn chuẩn bị giỏ đồ đi sinh trước cả 3 tháng nhưng mãi đến ngày sắp lâm bồn vẫn còn lo không biết thiếu gì. Dưới đây là các đồ cần chuẩn bị cho các bạn tham khảo.

Một số giấy tờ cần thiết

      • Giấy tờ nhập viện gồm có: Chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, bản sao sổ hộ khẩu, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm thai kỳ.
      • Tiền mặt, thẻ ATM: Thanh toán viện phí và các chi phí phát sinh khác.
      • Điện thoại, sạc dự phòng:

Đồ dùng cho mẹ

      • Áo quần: Thông thường mẹ sẽ có trang phục dành cho thai phụ được cung cấp bởi bệnh viện, tuy nhiên cũng cần chuẩn bị thêm từ 1 – 2 bộ áo quần để phòng và mặc lúc xuất viện.
      • Áo khoác, khăn choàng, tất chân, mũ trùm: Các mẹ sinh vào mùa lạnh nên chuẩn bị thêm tất chân và mũ trùm để giữ ấm cơ thể hoặc khi thân nhiệt giảm trong và sau khi sinh.
      • Băng vệ sinh: 1 bịch
      • Miếng lót chống thấm: 5 miếng lót chống thấm, loại dùng cho bệnh nhân phẫu thuật.
      • Quần lót giấy: 7 – 10 cái
      • Vật dụng vệ sinh cá nhân khác: Bông nhét tai, khăn tắm, sữa tắm, dầu gội, nước súc miệng.
      • Hai giỏ nhựa có quai (1 cái để xách đồ đi viện, 1 cái đựng đồ cần thiết cho bé ở nhà để dễ lấy).

Chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ đầy đủ sẽ đảm bảo vệ sinh cá nhân cho mẹ được thuận tiện sau khi sinh, giúp phòng chống viêm nhiễm, đặc biệt là những mẹ sinh mổ.

Chuẩn bị đồ đi sinh cho bé

Danh sách chuẩn bị đồ đi sinh cho bé gồm có:

      • Áo quần trẻ sơ sinh: 5 – 7 bộ.
      • Mũ trùm, tất tay và tất chân: 3 – 5 cái, đôi mỗi loại.
      • Khăn quấn trẻ: 2 – 3 khăn mềm để quấn và giữ ấm trẻ.
      • Khăn sữa: 10 cái để lau trẻ khi cần, đặc biệt là sau khi tắm.
      • Khăn tắm cho trẻ: 3 – 5 cái khăn xô dùng để tắm và lau cho trẻ khi tắm.
      • Gối, mền dành cho trẻ.
      • Miếng lót, tã vải, tã giấy sơ sinh: 1 túi hoặc 15 – 30 cái, có thể cần dùng nhiều hơn trong những ngày đầu sau sinh (do trẻ đi phân su).
      • Miếng lót chống thấm: 10 miếng.
      • Vật dụng vệ sinh cá nhân khác dành cho trẻ: Khăn ướt, nước muối sinh lý, tăm bông, rơ lưỡi, kem chống hăm, bông y tế, dầu tràm.
      • Máy hút sữa, bình sữa, nước và dụng cụ rửa bình sữa: Mẹ nên chuẩn bị và mang theo phòng trường hợp mẹ sinh mổ chưa thể cho trẻ bú trực tiếp.

Trên đây là những kiến thức quan trọng mẹ mang thai lần đầu nên tìm hiểu để chăm sóc tốt hơn thai kỳ của mình. Hy vọng sẽ giúp mẹ bớt bỡ ngỡ và có một thai kỳ mạnh khỏe, như ý.

Bài viết liên quan

Ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá điện tử đối với thai nhi
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm?
Đi tiểu nhiều khi mang thai. Bình thường hay bất thường?