googleb578e89369db4e48.html

Cẩm nang mang thai – Những điều cần biết!

07:56 - 08/01/2020 Lượt xem: 435

Thời gian trước và trong khi mang thai, mẹ bầu nên tìm hiểu, trang bị cho mình thật kĩ kiến thức cơ bản về những điều cần biết khi mang thai; để có sức khỏe tốt nhất và sẵn sàng cho thai nhi khỏe mạnh nhất chào đời. Dưới đây là những việc làm đơn […]

Thời gian trước và trong khi mang thai, mẹ bầu nên tìm hiểu, trang bị cho mình thật kĩ kiến thức cơ bản về những điều cần biết khi mang thai; để có sức khỏe tốt nhất và sẵn sàng cho thai nhi khỏe mạnh nhất chào đời. Dưới đây là những việc làm đơn giản nhưng lại có hiệu quả to lớn mà không phải mẹ nào cũng biết. 

1. Cần tiêm phòng trước khi mang thai

Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường; nguy cơ nhiễm bệnh vì thế mà tăng lên. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo tất cả phụ nữ có dự định mang thai nên tiêm phòng trước ít nhất 3 tháng để ngừa một số bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và bé như: Rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, viêm màng não, cảm cúm…

2. Khám thai định kỳ

Đây là một trong những điều cần biết khi mang thai cực quan trọng các mẹ cần lưu ý. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai nên đi khám thai ít nhất 3 lần. Tốt nhất, với một thai kỳ bình thường, mẹ nên khám thai 8 lần theo khuyến cáo

Khám thai định kỳ giúp mẹ có thể theo sát sự phát triển của thai nhi; phát hiện sớm nguy cơ dị tật hay các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, có 3 mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ qua: Khám thai tuần 11-13 của thai kỳ để đo độ mờ da gáy, tuần 21-24 chẩn đoán khuyết tật bẩm sinh và giai đoạn tuần 30-32 của thai kỳ để “chốt” trước khi sinh.

3. Dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ

Bạn cần có chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ khi mang thai
Bạn cần có chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ khi mang thai

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, những gì mẹ ăn trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu luôn là mối quan tâm hàng đầu. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bầu nên đảm bảo thực đơn đủ các nhóm sau:

    • Nhóm tinh bột

Tinh bột có vai trò chính là cung cấp năng lượng;giúp duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, tốc độ chuyển hóa từ tinh bột sang mỡ rất nhanh. Bầu cần cẩn thận khi bổ sung nhóm này trong chế độ ăn. Các thực phẩm tốt cho bà bầu như bánh mì (loại làm từ bột mì thô), ngô, yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt…

    • Nhóm chất đạm và chất béo

Nhóm chất có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi, tham gia vào quá trình tạo máu và hình thành rau thai. Mỗi ngày mẹ bầu cần cung cấp ít nhất 70g protein và 40g chất béo. Lưu ý không nên dùng quá nhiều, bởi trong quá trình chuyển hóa đạm có thể sinh ra các chất không tốt cho mẹ và bé.

Không chỉ chứa nhiều sắt và các loại vitamin nhóm B, thịt bò còn là nguồn cung cấp đạm dồi dào cho cơ thể. Cá cũng là một trong những thực phẩm chứa nhiều đạm, hơn nữa omega-3 trong cá cũng có tác động rất tốt đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên ăn cá ngừ, cá mập, cá thu lớn, cá kiếm… vì chúng có hàm lượng thủy ngân rất cao, không tốt cho thai nhi.

    • Nhóm vitamin và khoáng chất

Giàu vitamin, khoáng chất cũng như một lượng chất xơ phong phú;các loại rau củ quả là thành phần không thể thiếu trong thực đơn mỗi ngày của mẹ.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh; thực đơn dinh dưỡng của mẹ chắc chắn sẽ không thể thiếu rau xanh và trái cây

Một số loại rau xanh mẹ bầu không nên bỏ qua như: Rau chân vịt, cải bó xôi, súp lơ xanh, cải bẹ xanh giàu axit folic giúp hạn chế dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các loại trái cây có nhiều múi như cam, quýt, bưởi có hàm lượng lớn vitamin C giúp tăng sức đề kháng, giảm bớt sự khó chịu của những cơn ốm nghén.

4. Chế độ làm việc và nghỉ ngơi khi mang thai

Mẹ bầu cần nhớ, không nên làm những việc nặng nhọc, không làm trong môi trường độc hại hay những việc làm phải đứng lâu, cúi nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Bà bầu cần duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và dành khoảng 30 phút cho giấc nghỉ trưa. Tránh thức quá khuya. Song song với ngủ nghỉ, bầu cũng nên vận động thường xuyên, vừa giúp tinh thần thoái mái vừa giúp lưu thông máu. Những bài tập thể dục hợp lý cho bà bầu: bơi lội, đi bộ, yoga…

5. Tránh xa các chất kích thích khi mang thai

Bạn không nên dùng các chất kích thích khi mang thai
Bạn không nên dùng các chất kích thích khi mang thai

Điều quan trọng cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng trong danh sách những điều cần biết khi mang thai dành cho các bà bầu là phải tránh xa ma túy, thuốc lá, các loại thức uống có nồng độ cồn như rượu, bia, ngay cả thức uống chứa cafein như trà, cà phê, nước ngọt bà bầu cũng nên hạn chế tối đa.

6. Đề phòng và xử lý những biến chứng trong thai kỳ

Không phải mẹ bầu nào cũng suôn sẻ trong suốt 9 tháng . Chuẩn bị trước những kiến thức cơ bản giúp mẹ bầu biết cách ứng phó trước những biến chứng không mong đợi khi mang thai.

    • Rau thai bám thấp:

Chỉ có 5% thai phụ gặp phải tình trạng này. Để tránh trường hợp ra máu quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và con; bạn nên đi lại vận động nhẹ nhàng và gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị kịp thời.

    • Tiểu đường thai kỳ:

Vào tuần thứ 24 -28 của thai kỳ;có khoảng 3-8% phụ nữ mang thai có mức đường huyết lên cao quá mức quy định. Thông thường, các trường hợp này sẽ tự động hết khi kết thúc quá trình mang thai. Mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, tránh những món ngọt hoặc quá nhiều đường. Một số trường hợp tiểu đường nặng, bạn sẽ phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

    • Tiền sản giật:

10% phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng bởi tiền sản giật trong thai kỳ của mình. Đặc biệt, những thai phụ có tiền sử cao huyết áp có nguy cơ bị tiền sản giật khá cao. Sinh mổ là lựa chọn được cân nhắc trong các trường hợp bị tiền sản giật.

    • Thiếu ối:

Tại các thời điểm khác nhau trong thai kỳ, có 4% mẹ bầu gặp phải tình trạng thiếu ối. Nếu gặp trường hợp này, mẹ bầu cần được theo dõi cẩn thận để đảm bảo bé cưng vẫn có thể phát triển một cách bình thường. Bạn nên đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để có những điều chỉnh thích hợp.

7. Quan hệ khi mang thai

Trừ một số trường hợp kiêng cữ theo yêu cầu của bác sĩ, quan hệ khi mang thai vẫn an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé. Thậm chí nhiều mẹ vẫn có thể “yêu” cho tới ngày cuối cùng trước khi “lên thớt”. Khác với suy nghĩ của nhiều mẹ, hệ thống thần kinh của bé vẫn chưa đủ nhạy cảm để nhận thấy bất cứ điều gì trong giai đoạn này. Hai bạn có thể tự nhiên, không cần phải lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên lưu ý tư thế “yêu” khi mang thai; nên tránh những tư thế tạo áp lực lên bụng của bạn.

8. Tập thể dục khi mang thai

Tập thể dục đều đặn khi mang thai là cách đơn giản giúp bạn duy trì cân nặng và ổn định sức khỏe. Không chỉ vậy, một số bài tập trong thai kỳ có thể giúp bạn giảm bớt khó chịu, thậm chí góp phần giảm bớt đau đớn khi sinh. Mẹ bầu nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, phụ hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

cẩm nang mang thai và những điều cần biết
Tập thể dục là cách đơn giản giúp bạn duy trì cân nặng và ổn định sức khỏe

9. Lưu ý sức khỏe khi mang thai

Với sức đề kháng kém hơn bình thường, mẹ bầu trở thành đối tượng tấn công của nhiều loại virut. Bị bệnh khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho bé nếu không được điều trị hợp lý. Mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc mà chưa có sự cho phép của bác sĩ. Tốt nhất, để tránh những tác động xấu của một số căn bệnh; mẹ bầu nên tiêm phòng trước khi mang thai đầy đủ.

Việc thay đổi hormone khi mang thai có thể gây viêm nhiễm và ngứa ngáy cho “cô bé” của bạn. Điều này rất bình thường, bạn không cần ngại ngùng, nên nói với bác sĩ để được điều trị sớm. Viêm nhiễm khi mang thai nếu không được điều trị hợp lý có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu;thai chết lưu, sinh non; thậm chí nhiễm trùng sơ sinh với tỷ lệ tử vong cao.

10. Kết nối với con yêu

Nói chuyện với bé yêu:

Các nhà khoa học chứng minh rằng; em bé có kích thích với âm thanh và biết liên lạc ngay cả khi bé chưa chào đời. Nói chuyện với bé trong bụng giúp bé cải thiện thị giác; thính giác, phát triển ngôn ngữ và vận động; tăng sự tự tin và thậm chí làm bé ngủ ngon hơn.

Nhận biết sự chuyển động của bé:

Nếu bé di chuyển ít hơn thường lệ hoặc ngừng chuyển động thì bạn nên đi khám ngay. Bạn có thể ghi chép số chuyển động của bé để đảm bảo bé vẫn khỏe mạnh.

Thai giáo:

Giúp mẹ giảm stress và phát triển trí não cho bé yêu.

Trên đây là cẩm nang mẹ bầu và những điều cần biết; chúc các bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!

 

Bài viết liên quan

Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng gì đối với thai nhi?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?