Chẩn đoán và điều trị suy giáp khi mang thai
03:18 - 20/05/2020 Lượt xem: 541
Suy giáp khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi như tiền sản giật, đẻ non, trẻ sinh ra bị suy giáp thậm chí là chết lưu. Vì vậy khi mang thai cần phát hiện và điều trị sớm bệnh suy giáp tránh gây biến […]
Suy giáp khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi như tiền sản giật, đẻ non, trẻ sinh ra bị suy giáp thậm chí là chết lưu. Vì vậy khi mang thai cần phát hiện và điều trị sớm bệnh suy giáp tránh gây biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai.
1. Chẩn đoán suy giáp ở phụ nữ mang thai
Để chẩn đoán bệnh suy giáp ở phụ nữ mang thai thường dựa vào các yếu tố sau:
Triệu chứng:
+ Suy nhược toàn thể, tập trung kém,cực kỳ mệt mỏi, hay buồn ngủ, tăng cân, sợ lạnh, nhịp tim chậm. + Da thường xanh (thiếu máu), khô; tóc, lông khô cứng, rụng nhiều; móng khô cứng dễ gãy, có khía; mặt phì da, căng bóng,..
+ Sờ cơ thấy cảm giác căng cứng bệnh nhân hay bị chuột rút, dị cảm đầu chi; khám phản xạ gân cơ thấy co cơ chậm
+ Nhịp tim chậm, tiếng tim mờ, khó thở khi gắng sức, tim có thể to hoặc tràn dịch màng ngoài tim.
Tiền sử bản thân và gia đình:
Có tiền sử từng bị bệnh về tuyến giáp; gia đình có người bị suy giáp, cường giáp…
Khám tuyến giáp:
Biểu hiện tùy nguyên nhân: Thông thường không sờ thấy tuyến giáp; đôi khi có thể thấy bướu giáp.
Siêu âm:
Siêu âm tuyến giáp thấy có dấu hiệu bất thường như kích thước tuyến giáp nhỏ, âm không đều…
Xét nghiệm:
Dựa vào xét nghiệm máu nồng độ hooc môn tuyến giáp: Tiêu chuẩn quan trọng nhất để chẩn đoán nhược giáp là tăng TSH. TSH tăng cao trong suy giáp do các nguyên nhân tại tuyến giáp; trong khi TSH giảm trong suy giáp do nguyên nhân ở vùng dưới đồi – yên. Ngoài ra có thể thấy free T3 và free T4 giảm.
Các xét nghiệm khác: công thức máu thấy thiếu máu đẳng sắc; điện giải đồ Natri giảm; mỡ máu tăng; điện tim nhịp tim chậm, men CPK tăng…
2. Điều trị suy giáp trong thai kỳ
Điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai giống như người không mang thai bị suy giáp, đó là:
- Dùng hooc môn tuyến giáp tổng hợp để thay thế. Thường sẽ phải tăng liều hóc môn lên 25-50% khi mang thai, thỉnh thoảng có trường hợp phải tăng liều gấp đôi.
- Phụ nữ nên điều chỉnh liều levothyroxine tối ưu trước khi mang thai và kiểm tra TSH ngay khi có thai để bác sỹ điều chỉnh TSH về mức bình thường.
- Chức năng tuyến giáp được kiểm tra mỗi 6-8 tuần trong suốt quá trình mang thai để chắc chắn chức năng tuyến giáp bình thường. Nếu thay đổi liều levothyroxine thì cần kiểm tra chức năng tuyến giáp sau 4 tuần. Sau sinh càng sớm càng tốt, liều levothyroxine được đưa về giống như trước khi mang thai.
- Điều quan trọng nên biết rằng vitamin dành cho phụ nữ mang thai có chứa sắt và canxi, sẽ làm giảm hấp thu hooc môn tuyến giáp qua đường tiêu hóa. Do đó cần uống các thuốc vào những thời điểm khác nhau, cách nhau ít nhất 2-3 giờ.
3. Phòng ngừa suy giáp trong thai kỳ
Muốn phòng ngừa suy giáp khi mang thai; mẹ bầu cần có chế độ ăn giàu I ốt như các loại hải sản tôm, cua, cá, ghẹ…, rong biển, tảo biển; các loại rau xanh đậm như rau dền, rau đay, mồng tơi…; trái cây tươi, thịt và sữa…
Bên cạnh đó, mẹ cần kiểm tra bướu cổ; làm xét nghiệm máu các hormone FT4 và TSH; siêu âm tuyến giáp… để có thể phát hiện ra bệnh sớm nhất có thể.
Thiếu hormone tuyến giáp trong thai kỳ và giai đoạn sơ sinh sớm sẽ gây ra chậm phát triển tâm thần và vận động của trẻ. Vì thế, mẹ bầu cần phải tầm soát định kỳ và điều trị kịp thời khi nghi ngờ mình bị bệnh tuyến giáp, để tránh ảnh hưởng tới bản thân và thai nhi. Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang với hệ thống máy siêu âm hiện đại hàng đầu thế giới, cùng đội ngũ bác sĩ siêu âm có trình độ chuyên môn cao giúp phát hiện sớm các trường hợp dị tật, bất thường thai, bánh rau, dây rốn từ đó đưa ra những chẩn đoán và định hướng cho mẹ bầu an tâm. Để đặt lịch khám vui lòng truy cập Tại đây hoặc liên hện qua zalo: 0342.318.318 để được hỗ trợ.