googleb578e89369db4e48.html

Chế phẩm từ máu gồm những gì?

01:25 - 26/05/2020 Lượt xem: 2498

Máu là các sản phẩm sinh học vô cùng đặc biệt. Lượng máu có được hiện nay vẫn hoàn toàn là thu thập được từ người tham gia hiến máu. Từ đó, máu sẽ được điều chế thành những chế phẩm từ máu khác nhau, có chỉ định sử dụng phù hợp trong từng tình […]

Máu là các sản phẩm sinh học vô cùng đặc biệt. Lượng máu có được hiện nay vẫn hoàn toàn là thu thập được từ người tham gia hiến máu. Từ đó, máu sẽ được điều chế thành những chế phẩm từ máu khác nhau, có chỉ định sử dụng phù hợp trong từng tình trạng người bệnh khác nhau.

1. Máu toàn phần

Máu toàn phần được lấy từ người hiến máu đã được tuyển chọn theo quy định và không thuộc các trường hợp phải trì hoãn hiến máu. Các đơn vị máu toàn phần này phải có kết quả an toàn với các xét nghiệm sàng lọc các bệnh nhiễm trùng qua con đường truyền máu và phân loại nhóm máu.

Sau khi được thu thập từ người hiến máu và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, nếu đạt yêu cầu, các đơn vị máu toàn phần được đóng gói, ghi mã số và đem đi lưu trữ, không qua thêm các bước xử lí nào.

Hiện nay dung dịch bảo quản máu thông thường là CPDA gồm citrate, phosphat, đường dextrose, adenin. Mỗi đơn vị máu toàn phần 250 ml có khoảng 30-40 g huyết  sắc tố. Ở ngân hàng máu còn có các loại đơn vị máu 250ml, 350ml. Ngoài ra còn một số đơn vị có dung tích ít hơn (50,100,150 ml) dùng cho trẻ em.

Bảo quản máu toàn phần ở 2-6°C, thời gian bảo quản tối đa là 42 ngày (với dung dịch bảo quản là CPDA). Máu toàn phần lưu trữ chứa thành phần chính là hồng cầu, nếu mới thu nhận còn có tiểu cầu và một số yếu tố đông máu. Bạch cầu đoạn nhanh chóng bị huỷ và giải phóng ra các chất trung gian. Ngoài ra trong đơn vị máu toàn phần còn chứa các tế bào  lympho và yếu tố huyết tương.

Chỉ định: Trường hợp bệnh nhân mất nhiều máu (khi mất ≥1/3 lượng máu cơ thể)

Không nên dùng: Bệnh nhân suy thận, suy tim.

2. Những chế phẩm từ máu dòng hồng cầu

truyền máu

    • Hồng cầu lắng

Sau khi lấy máu thu thập được từ người hiến máu, toàn bộ máu toàn phần được đem đi quay ly tâm hoặc để lắng, kết quả là tạo thành hai lớp. Lớp dịch trong suốt nổi bên trên là huyết tương, được tách lấy để làm chế phẩm huyết tương tươi đông lạnh hay điều chế các yếu tố đông máu. Phần còn lại lắng xuống đáy là hồng cầu lắng, hay còn gọi là khối hồng cầu đậm đặc.

Tuy có màu đỏ tươi nhưng hồng cầu lắng là hỗn dịch của toàn bộ các tế bào máu, bao gồm cả bạch cầu và tiểu cầu. Tuy nhiên, vì đã tách lấy phần huyết tương, thể tích một đơn vị khối hồng cầu lắng thực tế thu thập được lúc này chỉ còn bằng khoảng 60% (sai số 15%) của thể tích máu toàn phần cùng một đơn vị ban đầu. Song, lượng hemoglobin vẫn đảm bảo tối thiểu là 10g từ mỗi 100ml máu toàn phần được điều chế. Đồng thời, tỷ lệ hematocrit lại có khuynh hướng “cô đặc” hơn, tăng lên chiếm từ 65 đến 75% trong khi tỷ lệ trong máu người bình thường chỉ 40 đến 45%.

Sau khi điều chế từ máu toàn phần, hồng cầu cầu lắng cần được bảo quản trong môi trường phù hợp. Điều kiện yêu cầu là nhiệt độ từ 2 độ C đến 6 độ C. Chỉ khi được như vậy, hạn sử dụng của hồng cầu lắng có thể lên đến 35 ngày.

    • Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản vốn là khối hồng cầu đậm đặc nhưng có bổ sung một lượng dung dịch bảo quản hồng cầu theo quy định. Mục đích của việc này là nhằm cải thiện chất lượng hồng cầu. Chính vì vậy, tỷ lệ hematocrit của khối hồng cầu có dung dịch bảo quản thấp hơn so với hồng cầu lắng, là từ 50 đến 70%.

Bảo quản: 2-6°C thời gian 42 ngày.

Chỉ định: Các trường hợp thiếu máu: thiếu máu ở bệnh nhân suy tim, suy thận; thiếu máu do mất máu…

    • Khối hồng cầu rửa

Khối hồng cầu rửa là khối hồng cầu được loại bỏ huyết tương bằng cách rửa nhiều lần, tối thiểu 3 lần, với dung dịch muối đẳng trương (natriclorua 0,9%) và được pha loãng trong dung dịch muối đẳng trương hoặc trong dung dịch bảo quản hoặc trong huyết tương đã được điều chế.

Mục tiêu của việc rửa hồng cầu là để giảm lẫn dính các protein trong huyết tương. Đây là chế phẩm hồng cầu đóng gói nhỏ nhất với 100ml cho mỗi đơn vị. Tỷ lệ hemoglobin trung bình (Hct) của hồng cầu rửa là 50 đến 70%.

Khối hồng cầu rửa có thời hạn sử dụng tương đối ngắn. Nếu được xử lý trong hệ thống hở và ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 6 độ C, khối hồng cầu rửa có thể dùng trong 24 giờ. Tuy nhiên, khi bảo quản ở nhiệt độ 20 độ C đến 24 độ C, thời gian rút ngắn còn trong vòng 6 giờ kể từ khi kết thúc điều chế. Nếu khối hồng cầu được rửa trong hệ thống kín và có bổ sung dung dịch bảo quản hồng cầu với nhiệt độ từ 2 độ C đến 6 độ C, thời gian sử dụng có thể tăng lên đến 14 ngày.

Chỉ định: Truyền cho bệnh nhân thiếu máu tan máu tự miễn

    • Khối hồng cầu lọc bạch cầu

Là khối hồng cầu đã được loại bỏ bạch cầu bằng màng lọc bạch cầu.

Bảo quản: 2-6 °C ≤ 2 tuần từ khi lọc, nếu dùng màng lọc ( hở) thì sau lọc không để quá 24 giờ.

Thành phần:  Hồng cầu, Bạch cầu còn lại rất ít ( lọc bạch cầu)

Chỉ định: Cho bệnh nhân thiếu máu có giảm nặng miễn dịch; đặc biệt bệnh nhân ghép tạng, BN chuẩn bị ghép.

3. Những chế phẩm từ máu dòng tiểu cầu

chế phẩm từ máu
Có 3 loại chế phẩm từ máu dòng tiểu cầu

Khối tiểu cầu pool:

Bằng ly tâm các túi máu toàn phần, gạn lấy lớp Buffy coast rồi ly tâm tách lấy tiểu cầu. Thường từ 3-4 đơn vị máu toàn phần cùng nhóm ABO có thể chuẩn bị (sản  xuất) được 1 đơn vị pool tiểu cầu (tập hợp tiểu cầu từ nhiều người cho máu).

    • Bảo quản:
    • Nếu chưa pool (chưa trộn) để  22°C, lắc liên tục 3-5 ngày. Nếu đã pool ( trộn) qua hệ thống hở để ≤ 24 giờ.
    • Thành phần: Số lượng tiểu cầu/ pool khoảng 1,5 x 10^11.
    • Chỉ định : Các bệnh gây giảm tiểu cầu đặc biệt giảm tiểu cầu sau điều trị bệnh ác tính.

Khối tiểu cầu máy

Dùng máy tách tế bào với  bộ kit ( dụng cụ) chuyên dụng để lấy tiểu cầu từ một người cho.

    • Thành phần : có ≥ 3,0 x 10^11 tiểu cầu/ đơn vị, có ít bạch cầu
    • Bảo quản : 22 °C trong máy lắc liên tục, tối đa được 5-7 ngày
    • Chỉ định: Các bệnh giẩm tiểu cầu nặng; sốt xuất huyết có giảm tiểu cầu nặng, giảm tiểu cầu sau điều trị hóa chất, trong các bệnh suy tủy, rối loạn sinh tủy.

Đối với xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, chỉ định khối tiểu cầu khi xuất huyết, nguy cơ xuất huyết nặng, hoặc số lượng tiểu cầu thấp (< 20.10^9/l).

Khối tiểu cầu lọc bạch cầu

Khối tiểu cầu lọc bạch cầu là khối tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần hoặc bằng gạn tách và được loại bỏ bạch cầu bằng bộ lọc bạch cầu.

Như vậy, số bạch cầu trong khối tiểu cầu lọc bạch cầu rất ít, là ít hơn một triệu bạch cầu trong một đơn vị khối tiểu cầu. Cách bảo quản và thời gian sử dụng cũng tương tự như hai dạng chế phẩm tiểu cầu như trên.

4. Những chế phẩm từ máu dòng huyết tương

chế phẩm từ máu
Huyết tương là phần dịch lỏng không chứa các tế bào máu; được điều chế từ đơn vị máu toàn phần hoặc lấy trực tiếp từ người hiến huyết tương bằng gạn tách

Huyết tương tươi đông lạnh

Phần huyết tương tách ra từ máu toàn phần trong thời hạn 6 giờ kể từ lúc lấy máu gọi là huyết tương tươi (HTT). Huyết tương tươi được bảo quản đông lạnh gọi là huyết tương tươi đông lạnh (HHTĐL).

    • Thành phần:

+ Các yếu tố huyết tương: Albumin, globulin miễn dịch

+ Yếu tố đông máu bền vững

+ Yếu tố VIII, còn khoảng 70%

Lượng huyết tương tách từ một đơn vị máu hiện nay có dung tích khoảng 125-150ml. Người ta thường pool (gộp) lượng HTT của hai đơn vị máu toàn phần cùng nhóm và như vậy dung tích khoảng 250-300ml.

    • Bảo quản: -25 °C, thời hạn 1 năm,  nếu để < – 25 °C có thể được 2 năm
    • Chỉ định:

+ Thay thế huyết tương

+ Rối loạn đông máu

+ Bệnh Hemophilia A & B

+ Tai biến dùng quá liều kháng vitamin K.

+ Bù các thành phần và thể tích huyết tương, shock do bỏng.

+ Mất nhiều máu do chấn thương, phẫu thuật (phối hợp truyền khối hồng cầu và khối tiểu cầu)

Huyết tương đông lạnh:

Là huyết tương tách từ máu toàn phần nhưng tách sau 6 giờ kể từ khi lấy máu và để – 25 °C.

    • Thành phần: Các yếu tố huyết tương, các yếu tố đông máu không bền vững (như yếu tố VIII) còn lại ít.
    • Bảo quản: Như huyết tương tươi đông lạnh
    • Chỉ định: Mất huyết tương, thiếu thể tích máu.

5. Những chế phẩm từ máu khối bạch cầu hạt trung tính

Khối bạch hạt trung tính được gạn tách trực tiếp từ người hiến máu hoặc điều chế từ các đơn vị máu toàn phần được bảo quản ở nhiệt độ từ 20 độ C đến 24 độ C không quá 24 giờ kể từ thời điểm lấy máu.

Đây là một chế phẩm đậm đặc tiểu cầu với số lượng là khoảng 10 tỷ bạch cầu hạt trung tính trong mỗi đơn vị chế phẩm.

Trái với tiểu cầu, điều kiện bảo quản của khối bạch cầu hạt trung tính không cần rung lắc. Lưu trữ ở nhiệt độ từ 20 độ C đến 24 độ C, không cần lắc, khối bạch cầu hạt trung tính sẽ dùng được trong vòng 06 giờ kể từ thời điểm điều chế và trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm lấy máu.

Việc truyền máu và các chế phẩm từ máu là nhằm mục đích cấp cứu, điều trị và nuôi dưỡng. Do đó máu và chế phẩm máu phải được sử dụng cho đúng bệnh nhân; đúng thời điểm thích hợp, đúng thành phần đang thiếu. Tóm lại, từ một đơn vị máu của một người hiến máu ban đầu, nếu được chấp nhận các kết quả xét nghiệm, đơn vị máu này có thể điều chế, tách chiết thành nhiều đơn vị khác nhau, nâng đỡ các thành phần bị thiếu hụt cho từng bệnh nhân khác nhau. Chính vì thế, đi hiến máu là một hoạt động tình nguyện rất đáng ủng hộ và lan rộng trong cộng đồng, nhằm xây dựng ngân hàng máu dồi dào, thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống.

Để cập nhật những kiến thức về sản phụ khoa, mẹ bầu có thể truy cập Website: SAN43NGUYENKHANG.VN. Để đặt lịch, mẹ bầu có thể truy cập website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN hoặc liên hệ Zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Vì sao các mẹ bầu lựa chọn phòng khám 43 Nguyễn Khang để khám thai?
Phòng khám 43 Nguyễn Khang đồng hành cùng Festival Mẹ bầu và em bé 2023
Hướng dẫn chi tiết cách đặt lịch Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang
Khám phụ khoa ở đâu tốt? - Địa chỉ khám phụ khoa uy tín Hà Nội
Những điều bí mật của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang