Cơ chế bảo vệ cơ thể của các loại bạch cầu
07:35 - 09/05/2020 Lượt xem: 5136
Các tế bào bạch cầu đi qua đường máu và tiêu diệt các vi-rút, vi khuẩn và các vật lạ trong cơ thể người có thể gây nên bệnh tật hoặc viêm nhiễm. Các tế bào bạch cầu tạo nên hàng rào phòng thủ để bảo vệ cơ thể khỏi những vật lạ. 1. Bạch […]
Các tế bào bạch cầu đi qua đường máu và tiêu diệt các vi-rút, vi khuẩn và các vật lạ trong cơ thể người có thể gây nên bệnh tật hoặc viêm nhiễm. Các tế bào bạch cầu tạo nên hàng rào phòng thủ để bảo vệ cơ thể khỏi những vật lạ.
1. Bạch cầu là gì?
Máu được tạo thành từ các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Số lượng bạch cầu (còn được gọi là tế bào miễn dịch) chỉ chiếm 1% máu nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại bệnh tật.
Tủy xương tạo nên các tế bào gốc máu và các tế bào gốc máu này tạo ra hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Bạch cầu được lưu trữ trong máu và các mô bạch huyết. Do thời gian sống của bạch cầu chỉ từ 1 – 3 ngày, tuỷ xương liên tiếp tạo ra các tế bào gốc máu để biến thành bạch cầu.
Có loại bạch cầu làm nhiệm vụ thực bào nghĩa là ăn các vật thể lạ, loại bạch cầu khác lại có nhiệm vụ nhớ để lần sau có vật lạ xâm nhập thì sẽ bị phát hiện nhanh chóng, để loại bạch cầu khác tiêu diệt. Cũng có loại bạch cầu tiết ra các kháng thể lưu hành trong máu để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh.
2. Các loại bạch cầu
Bạch cầu đơn nhân
5 – 12% các tế bào bạch cầu là bạch cầu đơn nhân. Chúng có thời gian sống dài hơn các loại bạch cầu khác và có vai trò ‘dọn dẹp’ các tế bào đã chết và chống lại vi khuẩn.
Tế bào lympho (tế bào lympho T và tế bào lympho B)
Tế bào lympho cũng rất quan trọng trong hệ miễn dịch. Tế bào lympho T có vai trò trực tiếp tiêu diệt một số vật lạ trong cơ thể người. Tế bào lympho B đóng vai trò trong quá trình miễn dịch dịch thể bằng cách sản xuất ra các kháng thể có khả năng “ghi nhớ” các vật gây nên nhiễm trùng và nhận diện lần tiếp theo việc nhiễm trùng này xảy ra.
Bạch cầu trung tính
Khoảng 50% của các tế bào bạch cầu là bạch cầu trung tính. Bạch cầu trung tính thường là các tế bào đầu tiên phản ứng khi có vật lạ xâm nhập vào cơ thể người như vi khuẩn hoặc vi-rút. Chúng cũng có vai trò gửi tín hiệu cảnh báo đến các tế bào khác trong hệ miễn dịch để kịp thời xử lý các vật lạ. Thời gian sống của bạch cầu trung tính chỉ kéo dài khoảng 8 tiếng, tuy nhiên cơ thể người tạo ra 100 tỷ tế bào bạch cầu trung tính mỗi ngày.
Bạch cầu ái toan
Bạch cầu ái toan có vai trò chống lại các viêm nhiễm được gây ra do các loại ký sinh trùng (như giun sán). Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của bạch cầu ái toan là chống lại các vật lạ có thể gây nên các phản ứng dị ứng. Bạch cầu ái toan chỉ chiếm 5% các loại bạch cầu và có nồng độ cao trong đường tiêu hoá.
Bạch cầu ái kiềm
Vai trò quan trọng nhất của bạch cầu ái kiềm là trong bệnh hen suyễn. Chúng tiết ra các hoá chất như histamin để hỗ trợ cơ thể có phản ứng phù hợp với các vật lạ.
3. Các chỉ số xét nghiệm bạch cầu
Xét nghiệm bạch cầu cần đưa ra các thông tin sau để đánh giá:
Số lượng bạch cầu WBC
Đây là chỉ số xét nghiệm máu cần thiết, cũng được đưa ra đầu tiên khi đọc kết quả tổng phân tích tế bào máu. Số lượng bạch cầu WBC là số bạch cầu có trong 1 đơn vị thể tích máu.
Giá trị trung bình của WBC là 3.5-10.5 x `10^9 tế bào /L.
– Nếu số lượng bạch cầu vượt quá hay ít hơn mức trung bình này thì là dấu hiệu bất thường, có thể do bệnh lí về máu hoặc yếu tố tạm thời ảnh hưởng.
– Số lượng bạch cầu thường tăng khi cơ thể bị viêm nhiễm, mắc bệnh lý bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính. Ngược lại, số lượng bạch cầu giảm khi cơ thể nhiễm virus, bệnh bạch cầu cấp, suy tủy xương,…
Các chỉ số xét nghiệm khác
Số lượng bạch cầu WBC là chỉ số quan trọng trong xét nghiệm bạch cầu, tuy nhiên để đánh giá chính xác bệnh lý thì cần dựa vào nhiều chỉ số xét nghiệm liên quan khác như: LYM, MONO, NEUT, EOS, BASO,…
– Chỉ số NEUT (Bạch cầu trung tính Neutrophil)
- Chỉ số này tăng cao nếu người bệnh bị nhiễm trùng, các tình trạng tăng sinh tủy xương phản ứng hay tăng sinh tủy ác tính mạn tính, dùng corticoid, stress,…
- Chỉ số này giảm khi bị nhiễm virus, thuốc ức chế miễn dịch, suy tủy hoặc hoặc hóa chất,…
– Chỉ số LYM (Bạch cầu Lympho – Lymphocyte)
- Bình thường, giá trị LYM từ 19 – 48% (0.6-3.4 G/L).
- Chỉ số LYM tăng trong trường hợp bệnh CLL, lao, bệnh Hogdkin, do nhiễm 1 số virus khác, nhiễm khuẩn mạn,…
- Chỉ số giảm khi nhiễm HIV/AIDS, giảm miễn nhiễm; các ung thư, ức chế tủy xương do hóa chất trị liệu,…
– Chỉ số LUC (Large Unstained Cells)
- LUC có thể là các tế bào Lympho lớn hoặc các monocyte, các phản ứng hoặc các bạch cầu non. Giá trị LUC ở mức bình thường là 0 – 0,4% (0-0,4 g/l).
- LUC tăng trong trường hợp: phản ứng sau phẫu thuật, bệnh bạch cầu; suy thận mạn tính, sốt rét, nhiễm một số loại virus,… Không phải nhiễm loại virus nào cũng gây tăng số lượng LUC.
– Chỉ số MONO (bạch cầu Mono – Monocyte)
- Bình thường, giá trị MONO từ 4 – 8% ( 0-0.9 G/L).
- Chỉ số MONO tăng trong chứng tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm khuẩn của nhiễm virus, rối loạn sinh tủy, bệnh bạch cầu dòng mono,…
- Chỉ số MONO giảm trong trường hợp thiếu máu do ung thư các loại, suy tủy, sử dụng glucocorticoid,…
– Chỉ số EOS (Bạch cầu đa múi ưa acid – Eosinophil)
- Bình thường, giá trị EOS từ khoảng 0 – 7% (0 – 0.7 G/L).
- Chỉ số EOS tăng trong bệnh dị ứng, nhiễm kí sinh trùng.
– Chỉ số BASO (bạch cầu đa múi ưa kiềm – Basophil)
- Bình thường, giá trị BASO 0 – 2.5% (0 – 0.2G/L).
- Giá trị này tăng trong Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt,…
Để xét nghiệm chỉ số bạch cầu, bạn có thể đặt lịch khám qua website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN hoặc liên hệ Zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.