Cường giáp ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?
16:27 - 10/10/2022 Lượt xem: 487 Tác giả: Thu Hoàng
Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh do nồng độ hormone tuyến giáp tăng. Bệnh cường giáp gây ra các biến chứng về tim mạch, tăng chuyển quá hóa mức,… Phụ nữ mang thai mắc bệnh cường giáp làm tăng nguy cơ bất thường thai nhi.
1. Vai trò của tuyến giáp với thai kỳ
Tuyến giáp là tuyến nhỏ hình bướm ở phía dưới cổ, có chức năng tạo ra các hormone tuyến giáp. Các hormone tuyến giáp có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể, thậm chí là nhịp đập của tim.
Ngoài ra, hormone tuyến giáp có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bình thường của não nói riêng và hệ thần kinh nói chung của thai nhi. Thạc sĩ bác sĩ Trần Lâm Khoa, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM phân tích: Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào hormone tuyến giáp của mẹ để phát triển. Ở tuần thứ 12 tuyến giáp của bé bắt đầu tự hoạt động nhưng không tạo ra đủ lượng hormone và vẫn cần hormone tuyến giáp của mẹ cho tới tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ. Như vậy, hormone tuyến giáp của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi từ 3 đến 5 tháng đầu.
Cứ 8 phụ nữ sẽ có 1 người bị mắc bệnh tuyến giáp, đặc biệt phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị mắc bệnh tuyến giáp hơn bình thường do ảnh hưởng của việc thay đổi nội tiết tố. Trong thai kỳ, thai phụ có thể có các rối loạn chức năng tuyến giáp như cường giáp hoặc suy giáp.
2. Cường giáp ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Ảnh hưởng đến mẹ
Bệnh Basedow có thể bắt đầu khởi phát vào 3 tháng đầu thai kỳ hoặc nặng hơn trong giai đoạn này ở những phụ nữ mắc bệnh từ trước. Ngoài các triệu chứng kinh điển liên quan đến cường giáp, cường giáp ở mẹ không được điều trị phù hợp có thể gây chuyển dạ sớm và một biến chứng nghiêm trọng đó là tiền sản giật. Hơn nữa, phụ nữ mắc Basedow trong quá trình mang thai có nguy cơ cao tiến triển cường giáp nặng như cơn bão giáp. Bệnh Basedow có thể cải thiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ và có thể nặng hơn sau sinh.
Ảnh hưởng đến bé
Bệnh cường giáp Basedow ở mẹ không được kiếm soát tốt:
Bệnh cường giáp ở mẹ không được kiểm soát có liên quan đến các biến cố ở thai nhi như nhịp tim nhanh của thai nhi, thai nhỏ so với tuổi thai, sinh non, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh. Đây là một lý do tại sao điều trị cường giáp ở mẹ lại quan trọng để giảm thiểu các biến cố này.
Nồng độ rất cao của kháng thể kích thích tuyến giáp(TRAb dạng kích thích):
Bệnh Basedow là bệnh tự miễn gây ra bởi sự sản xuất các kháng thể kích thích tuyến giáp. Những kháng thể này đi qua nhau thai và có thể tương tác với tuyến giáp thai nhi gây cường giáp thai nhi hoặc cường giáp ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, nếu nồng độ các kháng thể này cao gấp 3 – 5 lần so với bình thường, làm tăng các biến cố trong thời kỳ mang thai.
Đo nồng độ các kháng thể này trong máu mẹ mắc bệnh Basedow được khuyến cáo trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Nếu nồng độ tăng ở lần đầu, thì lặp lại lần hai vào khoảng tuần 18-22 của thai kỳ. Biểu hiện cường giáp ở thai nhi bao gồm: nhịp tim thai cao (>160 lần/ phút), bướu giáp thai kỳ, tăng tuổi xương, chậm phát triển, và dính khớp sọ. Suy tim và ứ dịch có thể xảy ra nếu bệnh nặng.
Ảnh hưởng của thuốc kháng giáp tổng hợp:
Methimazole, Carbimazole hoặc Propylthiouracil (PTU) là các thuốc kháng giáp tổng hợp để điều trị cường giáp Basedow. Các loại thuốc này đều đi qua nhau thai và có thể ảnh hưởng chức năng tuyến giáp của thai nhi. Sử dụng các loại thuốc này trong ba tháng đầu của thai kỳ có liên quan đến dị tật bẩm sinh, tuy nhiên các dị tật liên quan điều trị bằng các loại thuốc này thường hiếm xảy ra, tỷ lệ từ 0,2-5% theo các báo cáo.
3. Tầm soát và dự phòng cường giáp thai kỳ
Những sản phụ cần thực hiện tầm soát chức năng tuyến giáp trong thai kỳ khi có các yếu tố nguy cơ sau:
- Thai phụ có bệnh lý giáp từ trước: basedow, suy giáp, cường giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp,…
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
- Thai phụ đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần thai trước
- Thai phụ có tiền sản sản khoa không tốt như: sảy thai, lưu thai, sinh non, sinh con dị tật bẩm sinh,…
- Phụ nữ mắc tiểu đường type 1
- Phụ nữ mắc các bệnh tự nhiễm như: lupus, viêm khớp dạng thấp,…
- Phụ nữ đang điều trị suy giáp
- Phụ nữ có tiền sử đã phẫu thuật cắt tuyến giáp, điều trị phóng xạ vùng cổ, đầu,…
Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.