ĐA THAI - THAI KỲ MẸ BẦU CẦN ĐẶC BIỆT LƯU Ý
02:16 - 09/12/2020 Lượt xem: 610
Đa thai là một điều đáng mừng nhưng cũng mang đến nhiều rủi ro cho cả mẹ và các con. Trong mọi trường hợp, sự an toàn của mẹ và bé luôn là mục tiêu quan trọng hơn cả. Do vậy, khi đã xác định các dấu hiệu mang đa thai, mẹ bầu phải cùng với bác sĩ lập ra kế hoạch mang thai sao cho thời điểm sinh nở có thể diễn ra an toàn và tốt đẹp nhất.
1. Đa thai là gì?
Một thai kỳ với nhiều hơn một thai nhi được gọi là đa thai. Điều này xảy ra khi bạn giải phóng nhiều hơn một trứng trong chu kỳ kinh nguyệt của mình; mỗi trứng lại được thụ tinh bởi một tinh trùng; tạo thành nhiều phôi làm tổ và phát triển trong tử cung bạn. Dạng mang thai này tạo ra cặp song sinh (hoặc sinh ba, sinh tư…) khác trứng.
Ngoài ra, cũng có trường hợp trứng sau khi được thụ tinh thì phân chia thành nhiều phôi giống hệt nhau, tạo thành sinh đôi (hoặc sinh ba, sinh tư) cùng trứng. Sinh đôi cùng trứng ít phổ biến hơn so với sinh đôi khác trứng.
2. Một số nguyên nhân của đa thai
- Việc sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản để gây rụng trứng thường khiến nhiều trứng được giải phóng khỏi buồng trứng cùng lúc và có thể dẫn đến đa thai.
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể dẫn đến đa thai nếu có nhiều phôi được chuyển vào tử cung. Đa thai cùng trứng cũng có thể xảy ra nếu một phôi phân chia sau khi được chuyển.
- Phụ nữ trên 35 tuổi có nhiều khả năng giải phóng nhiều hơn một trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt so với phụ nữ trẻ tuổi. Do đó, họ có nhiều khả năng mang đa thai hơn.
- Bạn có khả năng mang đa thai nếu người thân trong gia đình có tiền sử mang đa thai như mẹ, chị gái, em gái.
3. Mang đa thai có gì khác biệt so với bình thường ?
- Phụ nữ mang đa thai có thể bị ốm nghén nặng hơn, tăng cân nhanh hơn so với bình thường. Họ cũng cần nhiều dinh dưỡng hơn: thêm 300 calo mỗi ngày cho mỗi thai nhi. Chẳng hạn, nếu bạn mang thai đôi, bạn cần thêm 600 calo mỗi ngày. Đối với thai ba hay nhiều hơn, bạn cần tư vấn bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Duy trì vận động trong thai kỳ đa thai vẫn rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn, nhưng cần tránh các hoạt động cần nhiều thể lực. Hãy thử các môn nhẹ nhàng như bơi lội, yoga thai kỳ và đi bộ với 30 phút tập luyện mỗi ngày. Nếu có vấn đề phát sinh trong thai kỳ, có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tránh tập thể dục.
4. Nguy cơ biến chứng thai kỳ có cao hơn khi mang đa thai?
Một trong những biến chứng nguy hiểm của thai kỳ đa thai là mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
- Biến chứng phổ biến nhất của đa thai là sinh non. Hơn một nửa số cặp song sinh được sinh non, tỷ lệ càng cao hơn đối với tam thai hay hơn thế.
- Tăng nguy cơ tiền sản giật: là một rối loạn huyết áp thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai hoặc sau khi sinh con. So với các mẹ bầu mang đơn thai; nó xảy ra thường xuyên hơn và cũng có xu hướng xảy ra sớm hơn; nghiêm trọng hơn ở các bà mẹ mang đa thai.
- Nguy cơ tiểu đường thai kỳ: Mẹ bầu mang đa thai cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật và phát triển bệnh đái tháo đường sau này. Bé sinh ra có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp hoặc lượng đường trong máu thấp.
Nguy cơ biến chứng thai kỳ của bạn sẽ cao hơn nếu bạn mang đa thai. Vì vậy, hãy tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai và lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ. Có thể bạn sẽ cần khám thai thường xuyên hơn bình thường.
5. Mẹ mang đa thai có thể sinh thường được không?
Khả năng mổ lấy thai đối với các ca đa thai cao hơn rất nhiều so với một ca sinh đơn thai bình thường. Nhưng trong một số trường hợp, mẹ đa thai vẫn có thể sinh thường. Các em bé của bạn được sinh ra như thế nào phụ thuộc vào những điều sau đây:
- Số lượng bé và vị trí, cân nặng cũng như sức khỏe của mỗi bé
- Sức khỏe của bạn và diễn tiến của cuộc chuyển dạ
- Kinh nghiệm của bác sĩ