Đặc điểm của dị ứng thuốc và cách dự phòng
16:04 - 07/08/2021 Lượt xem: 946 Tác giả: Kim Ngân
Dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc (sự kết hợp dị nguyên với kháng thể dị ứng hoặc lympho bào mẫn cảm) do đã có giai đoạn mẫn cảm.
1. Dị ứng thuốc là gì?
Dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc (sự kết hợp dị nguyên với kháng thể dị ứng hoặc lympho bào mẫn cảm) do đã có giai đoạn mẫn cảm.
Dị ứng thuốc thường không phụ thuộc vào liều lượng, có tính mẫn cảm chéo, với một số triệu chứng và hội chứng lâm sàng đặc trưng, thường có biểu hiện ngoài da và ngứa. Nếu dùng lại thuốc đã gây dị ứng thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể tử vong.
2. Đặc điểm của dị ứng thuốc
- Không liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc
- Cần có pha nhạy cảm – khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với thuốc lần đầu đến khi khởi phát dị ứng thuốc
- Có thể xảy ra ở liều thấp, xa liều trị liệu
- Xảy ra với tỷ lệ nhỏ trong dân số
- Dị ứng chéo giữa các chất có cấu trúc hóa học gần giống nhau (penicillin và cephalosporin)
- Biến mất khi ngừng thuốc và xuất hiện trở lại khi dùng lặp lại liều nhỏ thuốc đó hoặc thuốc có cấu trúc hóa học tương tự
3. Làm thế nào khi dị ứng thuốc?
Khi nhận thấy các triệu chứng dị ứng thuốc, người bệnh cần:
- Ngừng ngay thuốc đang tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi,...
- Nếu dị ứng nhẹ, dùng các thuốc chống dị ứng,
- Trường hợp nặng như khó thở, rối loạn tiêu hóa, tức ngực, phát ban khắp người... Thì cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để được cấp cứu kịp thời.
- Người bệnh phải ghi nhớ loại thuốc gây ra dị ứng cho cơ thể mình, thông báo cho bác sĩ biết loại thuốc mình đã từng bị dị ứng, để bác sĩ không chỉ định uống thuốc đó nữa, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc khác thay thế để chữa trị khi bị bệnh.
3. Dự phòng dị ứng thuốc như thế nào?
3.1. Với người bệnh
- Không tự ý điều trị, chỉ dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc.
- Không dùng thuốc theo mách bảo của người khác, không dùng thuốc của người khác, hoặc đưa đơn thuốc của mình cho người khác sử dụng.
- Không dùng thuốc mất nhãn, chuyển màu, có vật lạ, kết tủa trong ống thuốc, thuốc quá hạn sử dụng…
- Tránh mua thuốc ở những nơi không đáng tin cậy.
- Phải đọc tờ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc, phải giữ cẩn thận tờ hướng dẫn sử dụng vì có khi phải đọc lại nhiều lần.
- Để thuốc tránh xa tầm tay, tầm nhìn của trẻ em và người cao tuổi.
- Thận trọng dùng thuốc khi đang có thai, cho con bú và trạng thái bệnh lý khác trong người và thông báo nhũng vấn đề này cho thầy thuốc trước khi kê đơn
- Khi có những dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc: sốt, mệt mỏi khác thường, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ngứa nổi mẩn trên da… cần đến ngay thầy thuốc, bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
- Cần mang theo thẻ theo dõi dị ứng thuốc hoặc nếu có thể đeo vòng cảnh báo dị ứng thuốc.
3.2. Với thầy thuốc và dược sĩ
- Chỉ dùng thuốc cho người bệnh khi cần thiết.
- Dùng thuốc đúng người, đúng bệnh.
- Cân nhắc trước khi cho một loại thuốc có nguy cơ cao gây ra những tác dụng không mong muốn.
- Không điều trị bao vây.
- Có kiến thức về an toàn thuốc và có hiểu biết về những tai biến do thuốc.
- Phải khai thác tiền sử dị ứng trước khi kê đơn.
- Hướng dẫn chu đáo người bệnh nhận biết tai biến do thuốc, cách dùng thuốc và bảo quản thuốc mỗi khi kê đơn hoặc cấp phát thuốc.
3.3. Với người quản lý
- Giáo dục cho người dân sử dụng thuốc an toàn hợp lý.
- Quản lý tốt các nguồn xuất nhập khẩu thuốc.
- Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất thuốc.
- Giúp các thầy thuốc và dược sĩ cập nhật nhanh chóng thông tin về những tai biến do thuốc.