Đặc điểm của trẻ đẻ non thiếu tháng
08:09 - 09/03/2020 Lượt xem: 1038
Trẻ đẻ non thiếu tháng là trẻ ra đời trước thời hạn bình thường trong tử cung, có tuổi thai từ 28- 37 tuần. 1. Nguyên nhân gây đẻ non – Từ mẹ Thường gặp ở những người mẹ đẻ con so có tuổi quá trẻ (< 15 tuổi) hoặc nhiều tuổi (> 40 tuổi) […]
Trẻ đẻ non thiếu tháng là trẻ ra đời trước thời hạn bình thường trong tử cung, có tuổi thai từ 28- 37 tuần.
1. Nguyên nhân gây đẻ non
– Từ mẹ
Thường gặp ở những người mẹ đẻ con so có tuổi quá trẻ (< 15 tuổi) hoặc nhiều tuổi (> 40 tuổi) có mức sinh hoạt về kinh tế, văn hóa thấp, không được chăm sóc khi có thai hoặc có những chấn thương tinh thần lớn.
Những người mẹ có bệnh:
- Các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như sốt rét ác tính, cúm,sốt xuất huyết, viêm phổi cấp…
- Nhiễm khuẩn mạn như: Lao, viêm gan, đái tháo đường…
- Các bệnh phụ khoa: U nang , u xơ tử cung, hở eo cổ tử cung…
- Các sang chấn ngoại khoa: Mổ ruột thừa khi có thai,ngã…
– Từ con
Đa thai hoặc thai dị hình
2. Những dấu hiệu của trẻ đẻ non
Cân nặng: < 2500g
Chiều dài: < 45 cm
Da: Càng đẻ non da càng mỏng, đỏ, nhiều mạch máu dưới da rõ, tổ chức mỡ dưới da phát triển kém, trên da có nhiều lông tơ. Tổ chức vú và đầu vú chưa phát triển.
Tóc ngắn, phía trán và đỉnh ngắn hơn phía chẩm. Móng chi mềm, ngắn không chùm các ngón.
Xương mềm, đầu to so với tỉ lệ cơ thể (> 1/4) các rãnh sọ chưa liền, thóp rộng, lồng ngực dẹp. Cơ nhẽo, trương lực giảm. Tai mềm, sụn vành tai chưa phát triển.
Các chi luôn trong tư thế duỗi ( càng non chi càng duỗi thẳng )
Sinh dục ngoài: Trẻ trai tinh hoàn chưa xuống hạ nang. Trẻ gái môi lớn chưa phát triển không che kín âm vật và môi nhỏ. Không có hiện tượng biến động sinh dục( sung vú, ra huyết )
Thần kinh luôn li bì ức chế, ít phản ứng, khóc nhỏ,các phản xạ bẩm sinh yếu hoặc chưa có.
3. Đặc điểm sinh lí của trẻ đẻ non
Tất cả trẻ đẻ non đều có biểu hiện ít nhiều thiếu sót về sự trưởng thành của các hệ thống trong cơ thể.
Những đặc điểm sinh lí phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân đẻ non. Những đặc điểm đó chứng tỏ khả năng thích nghi kém với môi trường bên ngoài tử cung của trẻ.
– Hô hấp:
Trẻ thường khóc chậm sau đẻ, khóc yếu, thở không đều, kiểu Scheyne – Stock. Thời gian ngừng thở dài(7-10 giây) rối loạn nhịp thở có thể tới 2-3 tuần sau khi đẻ hoặc lâu hơn tùy tuổi thai.
Những rối loạn trên do trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh nên sau khi cắt rốn gây thiếu oxy máu và CO2 quá tăng làm ức chế hô hấp.
Phổi chưa trưởng thành, lồng ngực trẻ đẻ non hẹp, xương sườn mềm dễ biến dạng, cơ liên sườn chưa phát triển giãn nở kém cũng làm hạn chế di động của lồng ngực.
Tất cả những yếu tố trên đã cản trở hô hấp của trẻ đẻ non. Phổi dễ xẹp từng vùng hoặc sung huyết, xuất huyết do suy hô hấp.
Trong 1-2 tuần đầu cần theo dõi nhịp thở của trẻ để phát hiện kịp thời suy hô hấp và để tiên lượng trẻ, nên thay đổi tư thế nằm cho trẻ. Nhịp thở 60 lần/phút có thể kéo dài vài ngày tới 1-2 tuần nhưng các cơn ngừng thở ít và ngắn dần đó là tiên lượng tốt.
– Tuần hoàn
Tim to tròn, tỉ lệ tim ngực > 0.55%. Thất phải ớn hơn thất trái. Ống động mạch và lỗ Botal đóng chậm sau đẻ vài tuần, các shunt ở phổi tăng thì đóng các chậm. Nhịp tim phụ thuộc hoàn toàn vào hô hấp.
Mạch dao động từ 90-220 lần/phút vì trung tâm thần kinh chưa hoàn chỉnh, các mao mạch nhỏ, tổ chức tế bào thành mạch chưa phát triển, dễ vỡ.
Máu: Các tế bào máu và các yếu tố đông máu đều giảm hơn trẻ đủ tháng, số lượng hồng cầu ít, có nhiều hồng cầu non ra máu ngoại vi trong vài tuần đầu. Huyết cầu tố giảm gây thiếu máu nhược sắc. Số lượng bạch cầu, tiểu cầu ít, các yếu tố đông máu giảm, các vitamin như A,D,E,K… đều thiếu.
Do những yếu tố trên nên trẻ đẻ non dễ bị xuất huyết, nhất là xuất huyết não.
– Thần kinh
Tổ chức não chứa nhiều nước, não mềm nhẽo, mặt não nhẵn lì, hồi não chưa hình thành, không rõ các đường rãnh và nếp nhắn. Thần kinh vỏ não chưa hoạt động, trẻ nằm lịm suốt ngày, thở nông, khóc yếu trong nhiều tuần, tùy vào mức độ đẻ non.
– Chức năng tiêu hóa
Hệ tiêu hóa của trẻ đẻ non kém phát triển ,các men tiêu hóa ít, phản xạ bú yếu hoặc chưa có ở những đứa trẻ quá non ( < 28 tuần). Dạ dày nhỏ tròn, nằm ngang và cao sát cơ hoành, dung tích 5-10ml dễ giãn nên trẻ dễ nôn trớ sau khi ăn.
Chức năng gan kém, hầu như không có glycogen vì glucogen chỉ tích lũy gan từ tuần 35 của bào thai. Gan không sản xuất được một số men chuyển hóa như men carbonic anhydrase… Do đó trẻ đẻ non thường có vàng da đậm kéo dài, dễ hạ đường máu… nhất là khi thiếu oxy.
– Chức năng thận
Thận hoạt động kém, chức năng lọc và đào thải chưa hoàn chỉnh. Những ngày đầu thận giữ nước và muối nhiều nên rất dễ bị phù.
– Chức năng chuyển hóa các chất
Tỷ lệ nước cao, nước gian bào nhiều hơn do đó dễ bị phù cứng bì vì ứ nước và lạnh.
Thận thải kali chậm vì vậy phải chú ý khi cần thiết bù tránh gây ứ đọng.
Thiếu sắt, các vitamin và chuyển hóa protid kém vì thiếu men cần thiết.
Lipid là chất cần thiết để giữ thân nhiệt nhưng trẻ đẻ non lại có rất ít, vì vậy trẻ càng đẻ non càng mất nhiệt nhiều.
– Điều hòa thân nhiệt
Khi ra đời nhiệt độ bên ngoài thấp hơn trong tử cung, nên trẻ rất dễ bị mất nhiệt. Khả năng điều hòa thân nhiệt kém, nhiệt độ cơ thể trẻ phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường.Trẻ dễ bị sốt cao, mất nước nhiều nếu nhiệt độ môi trường cao và khô.
– Khả năng miễn dịch
Các khả năng bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn của trẻ rất kém chưa phát triển hoặc phát triển không đầy đủ.
Da mỏng và có độ toan thấp nên có ít tác dụng kháng khuẩn
- Bạch cầu, đại thực bào chưa trưởng thành, hoạt động kém.
- Bổ thể không qua rau nên không có
- Lượng globulin miễn dịch thiếu cả về chất và khối lượng IgG nên khả năng tạo miễn dịch lại càng yếu.
Do những nguyên nhân trên, trẻ đẻ non dễ bị nhiễm khuẩn và có tỉ lệ tử vong cao.
Trên đây là những đặc điểm của trẻ đẻ non thiếu tháng. Nếu có những thắc mắc hay băn khoăn cần giải đáp, các mẹ có thể liên hệ với phòng khám qua Zalo: 0342.318.318; hoặc đặt lịch khám bác sĩ qua Website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN để nhận được lịch khám nhanh nhất.
Tham khảo thêm bài viết: Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non thiếu tháng