Dấu hiệu nhận biết cơn hen suyễn cấp tính
01:48 - 04/04/2020 Lượt xem: 520
Hen suyễn cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện, xử trí. Hen phế quản là một bệnh mãn tính phổ biến trên thế giới và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay hen phế quản cũng là một nguyên nhân nhập viện […]
Hen suyễn cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện, xử trí. Hen phế quản là một bệnh mãn tính phổ biến trên thế giới và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay hen phế quản cũng là một nguyên nhân nhập viện thường gặp ở trẻ em và tổn thất xã hội gây ra bởi căn bệnh này là rất lớn. Qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang tìm hiểu một số thông tin về dấu hiệu nhận biết cơn hen cấp tính.
1. Hen suyễn (Hen phế quản) là gì?
Hen phế quản là tình trạng viêm mãn tính đường dẫn khí gây phù nề và chít hẹp đường thở dẫn đến hiện tượng khó thở và khò khè. Khi gặp tác nhân kích thích, tình trạng hẹp đường thở gia tăng gây nên khó thở hoặc không thở được được gọi là lên cơn hen.
2. Những điểm cần chú ý trong hen suyễn
– Viêm: viêm là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất gây ra tình trạng chít hẹp đường thở. Khi có các tác nhân gây dị ứng hoặc chất kích thích thì cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng viêm. Lúc đó phế quản bị phù nề, sưng đỏ cùng với sự tiết ra quá mức các chất nhầy từ các mô bị viêm làm tắc ngẹt trong lòng phế quản.
– Co thắt phế quản: Đây là hiện tượng co thắt các cơ bao bọc xung quanh phế quản trong cơn hen cấp tính và tình trạng này càng làm cho đường thở bị hẹp hơn.
– Phản ứng quá mức của cơ thể: Khi bệnh nhân bị hen phế quản, đường thở bị co thắt và càng trở nên nhạy cảm hơn sẽ phản ứng mạnh hơn đối với các tác nhân gây dị ứng, chất kích thích hoặc nhiễm trùng, nhiễm virus.
3. Dấu hiệu nhận biết cơn hen suyễn cấp tính
Cơn hen suyễn có thể khởi phát một cách rầm rộ, đột ngột hoặc có thể tiến triển từ từ và sau sẽ nặng dần. Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân hen phế quản cấp tính là:
- Khó thở: người bệnh cảm thấy khó khăn khi thở, không đủ hơi để thở. Khi khó thở nhiều người bệnh còn có triệu chứng hốt hoảng, nói câu ngắn hoặc từng từ, toát vã mồ hôi,…
- Ho: thường đi kèm với triệu chứng khó thở. Chủ yếu xảy ra vào thời điểm nửa đêm về sáng hoặc khi người bệnh làm việc gắng sức. Cũng có trường hợp người bệnh hen phế quản chỉ có triệu chứng ho nên việc chẩn đoán bệnh vì thế mà gặp nhiều khó khăn.
- Khò khè: Khi thở ra thường nghe thấy tiếng rít.
- Nặng ngực: người bệnh có cảm giác như có vật nặng đè lên ngực. Đây cũng là một biểu hiện khác của tình trạng khó thở.
Như vậy khi điều trị hen phế quản chúng ta cần chú ý làm phế quản giãn ra; giảm tình trạng tắc hẹp đường thở để người bệnh có thể hít thở dễ dàng hơn. Bên cạnh đó cần tác động vào các nguyên nhân chính đặc biệt là giảm tình trạng viêm; điều trị các triệu chứng, nâng cao sức đề kháng và giảm số lần tái phát cơn hen.
4. Nguyên nhân gây hen suyễn cấp tính
- Virus: Là nguyên nhân phổ biến nhất gặp trong 85% các trường hợp cơn hen cấp đó là Rhinovirus; Coronavirus, Influenza virus, virus hợp bào hô hấp RSV…
- Môi trường : bụi, bọ nhà, phấn hoa, vật nuôi, mốc, khói thuốc lá, than tổ ong…
- Thực phẩm như trứng, sữa bò, đậu nành, cá, tôm …
- Bệnh khác : trào ngược dạ dầy thực quản, sốt, mất nước.
- Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin
- Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng; viêm amiđan,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
- Yếu tố gia đình trẻ bị hen: Bố hoặc mẹ có tiền sử hen hoặc dị ứng.
- Yếu tố tâm lý: tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý,…
5. Nên làm gì để kiểm soát cơn hen suyễn cấp tính?
Chúng ta có thể phòng ngừa và kiểm soát cơn hen suyễn cấp tính theo hướng dẫn sau:
+ Tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây khởi phát cơn hen cấp như: khói thuốc lá; hóa chất có mùi nồng gắt, làm việc gắng sức, nhiễm khí lạnh,…
+ Có chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học để cải thiện sức khỏe nói chung; chức năng hệ hô hấp nói riêng.
+ Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
+ Sử dụng thuốc đường hít sớm và đúng cách (theo chỉ định của bác sĩ)
+ Nếu cơn khó thở không hết sau 3 lần xịt thuốc hoặc cơn suyễn chỉ lui tạm thời trong vài tiếng rồi trở lại thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hoặc đến phòng cấp cứu ngay để được điều trị triệt để.
Hen phế quản cấp tính có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân như xẹp phổi, suy hô hấp nếu không kịp thời xử lý. Vì vậy người bệnh cần sớm thăm khám, điều trị bệnh định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.