Dấu hiệu tiểu buốt tiểu rắt khi mang thai 3 tháng đầu
16:59 - 09/11/2021 Lượt xem: 4359 Tác giả: Thu Hoàng
Tiểu buốt tiểu rắt khi mang thai khiến nữ giới mệt mỏi, gặp nhiều rắc rối trong sinh hoạt. Sẽ là bình thường nếu như tiểu buốt chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và dần biến mất.
Tiểu buốt tiểu rắt là hiện tượng rất nhiều chị em phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu gặp phải. Vậy hiện tượng tiểu buốt khi mang thai có sao không ? Đây là dấu hiệu của bệnh gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tiểu buốt, tiểu rắt khi mang thai là gì?
Hiện tượng tiểu buốt rất phổ biến ở chị em phụ nữ nhất là trong giai đoạn mang thai. Thông thường, khi mang thai nội tiết tố thay đổi. Do đó, nhu cầu đi tiểu của phụ nữ khi mang thai sẽ nhiều hơn nhằm chuẩn bị cho quá trình đào thải chất cặn bã.
Áp lực từ tử cung đè lên bàng quang khiến cho bộ phận này không thể giữ nước tiểu nhiều và lâu. Từ đó gây ra hiện tượng tiểu nhiều lần. Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu của thai kỳ hiện tượng này sẽ giảm dần. Vì khi đó thai nhi đã phát triển, kích thước tử cung tăng lên đưa thai nhi nằm cao hơn ở vùng bụng, sức ép đè lên bàng quang được giảm đi.
Đến giai đoạn gần sinh, hiện tượng tiểu buốt, tiểu rắt lại quay trở lại. Lý do là vì lúc này em bé tụt thấp xuống, đè vào bàng quang gây nên hiện tượng tiểu buốt khi mang thai tháng cuối.
2. Nguyên nhân gây tiểu buốt, tiểu rắt là gì?
Trong một số trường hợp, nguyên nhân tiểu buốt khi mang thai không phải do sinh lý mà có thể là biểu hiện của bệnh lý. Bao gồm: Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang, bệnh xã hội lây truyền qua đường tình dục (bệnh lậu, mụn rộp sinh học).
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Thông thường có đến gần 60% phụ nữ mắc chứng tiểu buốt, tiểu rắt khi mang thai do nhiễm trùng đường tiểu. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng tiểu buốt khi mang thai.
Khi mang thai, thai to chèn ép vào đường tiết niệu gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nên nhiễm trùng.
Viêm bàng quang
Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo gây nên nhiễm trùng rồi dần dần lây lan lên bàng quang. Nếu không phát hiện và chữa kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập đến thận qua niệu quản gây nên bệnh viêm thận, viêm bể thận.
Bệnh xã hội lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh xã hội lây truyền qua đường tình dục gồm bệnh lậu, mụn rộp sinh dục cũng có thể gây nên hiện tượng tiểu buốt khi mang bầu. Chúng có thể dẫn đến viêm hoặc kích ứng đường tiết niệu, vùng sinh dục dẫn đến tình trạng đi tiểu đau buốt, rát, khó chịu.
3. Tiểu buốt tiểu rắt gây nguy hiểm như thế nào?
Tiểu buốt khi mang thai ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Tình trạng này kéo dài, mẹ bầu dễ dẫn đến tinh thần mệt mỏi, stress, mất ngủ. Nguy hiểm hơn, khi mẹ bầu mệt mỏi, có thể dẫn đến tình trạng chán ăn, thậm chí nhịn uống nước để không bị đi tiểu nhiều. Điều này vô cùng nguy hại. Vì vô tình khiến quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi không được đầy đủ, dẫn đến chậm phát triển. Do vậy, khi phát hiện những bất thường mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
4. Điều trị và phòng ngừa tiểu buốt tiểu rắt khi mang thai
Điều trị:
Sau khi được chẩn đoán tình trạng tiểu buốt khi mang thai là bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiểu buốt mà mẹ bầu sẽ được chỉ định dùng thuốc. Thường là thuốc đặt hoặc bôi để tránh làm ảnh hưởng đến em bé.
- Do nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang: Sẽ chỉ định dùng kháng sinh. Bác sĩ có thể áp dụng đưa trực tiếp thuốc vào trong bàng quang.
- Bệnh xã hội lây truyền qua đường tình dục: Có nhiều bệnh lây qua đường tình dục như lậu, mụn rộp sinh dục, mào gà. Tuỳ từng loại vi khuẩn gây bệnh bác sĩ sẽ kê thuốc và có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với bệnh lý này, mẹ bầu cần điều trị triệt để trước khi sinh để tránh biến chứng có thể xảy ra cho thai nhi.
Biện pháp phòng tránh đái buốt ở phụ nữ mang thai
Một số cách phòng ngừa tiểu buốt dưới đây rất cần thiết, vừa dễ thực hiện mà lại có hiệu quả bất ngờ:
- Duy trì uống nước đầy đủ (8 ly mỗi ngày) và phân chia đều trong ngày, uống chủ yếu vào ban ngày. Trước khi đi ngủ không uống nhiều nước để tránh tiểu đêm.
- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc để điều trị bệnh khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị thì quá trình điều trị mới nhanh chóng và hiệu quả.
- Ngoài ra, chị em cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh dục để tránh nhiễm trùng.
- Mẹ bầu không được nhịn tiểu, cố gắng tập thói quen đi tiểu.
- Yoga cũng là một giải pháp hay cho mẹ bầu, phương pháp này giúp kiểm soát cảm xúc và cơ thể tốt hơn. Yoga còn giúp giảm bớt căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất trong suốt quá trình mang thai.