Dị tật khe hở thành bụng và những điều mẹ bầu cần biết
04:51 - 17/09/2020 Lượt xem: 1511
Khe hở thành bụng là dị tật bẩm sinh. Trong chu kỳ bào thai, giai đoạn ruột chui ra ngoài ổ bụng bị lỗi, tức là ruột trong túi ối chui theo dây rốn ra ngoài để xoay về tư thế bình thường nhưng không chui lại vào trong gây ra bệnh lý này. 1. […]
Khe hở thành bụng là dị tật bẩm sinh. Trong chu kỳ bào thai, giai đoạn ruột chui ra ngoài ổ bụng bị lỗi, tức là ruột trong túi ối chui theo dây rốn ra ngoài để xoay về tư thế bình thường nhưng không chui lại vào trong gây ra bệnh lý này.
1. Khe hở thành bụng là gì ?
- Khe hở thành bụng là một dị tật bẩm sinh tương đối hiếm gặp; liên quan tới tình trạng thành bụng thai nhi không đóng kín và tất cả các tạng trong ổ bụng như ruột non, đại tràng…bị lòi ra bên ngoài ổ bụng.
- Dị tật bẩm sinh của thành bụng trước do không đóng kín với tần suất xuất hiện 1/15.000 – 30.000 trẻ sinh sống.
- Dị tật ít liên quan đến gen.
- Tỉ lệ bé trai và bé gái mắc tương đương.
- Kích thước khe hở thường từ 2 – 3 cm; các tạng bên trong ổ bụng như ruột, dạ dày có thể thoát ra ngoài thành bụng mà không có túi chứa…
- Thời gian phát hiện khoảng 16-18 tuần. Quá trình ra của ruột từ tuần thứ 6-8, nếu ruột không vào được khi đó mới gọi thành bệnh.
2. Nguyên nhân và cơ chế gây dị tật hở thành bụng
Trong quá trình hình thành và quay ruột ở trẻ, tĩnh mạch rốn bên trái di chuyển về trung tâm ổ bụng trong khi tĩnh mạch rốn bên phải vẫn phát triển bình thường. Sự thay đổi này đã tạo ra một điểm yếu tiềm tàng ở chỗ nối bên phải của vòng rốn,khiến thành bụng có thể vỡ và thoát vị ruột ra ngoài.
Ngoài ra theo một vài nghiên cứu cho thấy thai nhi có khả năng mắc bệnh khe hở thành bụng cao là do tiếp xúc với các loại thuốc như kháng sinh, aspirin, ibuprofen, cocain, các thuốc co mạch, phơi nhiễm bởi influenza virus, dùng chất kích thích, và thuốc lá …Bên cạnh đó việc rối loạn nhu động ruột cũng liên quan tới việc hình thành khe hở thành bụng.
3. Mẹ bầu nên làm gì khi phát hiện ra khe hở thành bụng
- Khi phát hiện thai nhi bị khe hở thành bụng; các bà mẹ nên đến khám ở các cơ sở Y tế lớn, theo dõi định kỳ đều đặn. Nếu không kèm theo dị tật nào khác về gen; về tim hay những dị tật nặng nên theo dõi để được quản lý thai nhi một cách tốt nhất.
- Thai phụ theo dõi định kỳ, làm các xét nghiệm về gen, đánh giá, kiểm tra các bệnh lý phối hợp.
- Nếu chỉ có dị tật này, thai phụ không cần lo lắng. Vì nhờ khoa học kỹ thuật phát triển gần 90% bệnh nhi điều trị thành công; đảo ngược tỉ lệ tử vong so với phương pháp cũ. Sau phẫu thuật ruột lưu thông bình thường, trẻ khỏe, phát triển thể chất ổn định.
- Nếu trẻ bị dị tật này cần phải chăm sóc đúng quy chuẩn, tránh bị vỡ túi thoát vị. Biện pháp duy nhất để xử trí dị tật này là phẫu thuật và phải tiến hành mổ nhiều lần; để đảm bảo đưa hết tạng vào bụng đúng vị trí.
4. Mẹ bầu cần làm gì để phòng tránh dị tật này ?
Để đề phòng dị tật bẩm sinh nói chung, dị tật đường tiêu hóa nói riêng, trước khi có kế hoạch sinh con, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị sức khoẻ tốt. Trước khi mang thai 3 – 6 tháng, người mẹ cần tiêm các loại vaccin phòng bệnh, trong thời gian mang thai không nên tiếp xúc với hoá chất độc hại, không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu, cùng với đó là ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, có tinh thần thoải mái. Nếu trong gia đình có người bị dị tật, khi mang thai cần đi thăm khám thường xuyên hơn những người bình thường để kịp thời được tư vấn hướng dẫn biện pháp chăm sóc thai sản và sau sinh.