Định lượng PAPP-A trong xét nghiệm sàng lọc trước sinh
09:51 - 01/03/2022 Lượt xem: 1462 Tác giả: Lê Huyền Trang
Định lượng PAPP-A là gì?
PAPP-A (Pregnancy Associated Plasma Protein A) là một loại glycoprotein do nhau thai sản xuất và bài tiết vào máu mẹ. Bình thường, nồng độ PAPP-A tăng dần trong suốt thai kỳ. Trong quý I của thai kỳ nếu thai nhi có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể 21 (hội chứng Down), nhiễm sắc thể 18 (hội chứng Edwards) và nhiễm sắc thể 13 (hội chứng Patau) sẽ thấy nồng độ PAPP-A trong máu mẹ giảm, trong khi đó ở quý II nồng độ PAPP-A vẫn giữ ở mức bình thường hoặc chỉ hơi giảm do đó định lượng PAPP-A chỉ được dùng trong quý I của thai kỳ để sàng lọc trước sinh (nhất là thai nhi mắc hội chứng Down).
Định lượng PAPP-A được làm vào thời điểm nào?
Xét nghiệm được thực hiện trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ, nên xét nghiệm vào khoảng thời gian thai nhi được 11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày kết hợp với siêu âm thai cùng thời điểm.
Kết quả xét nghiệm PAPP-A có ý nghĩa như thế nào?
Trong thai kỳ, giá trị bình thường của thông số PAPP-A máu thai phụ sau khi hiệu chỉnh đều bằng 1 MoM. Giá trị ngưỡng (cut-off) thấp và cao của PAPP-A < 0,4 MoM để đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh. Xét nghiệm thường được kết hợp với xét nghiệm beta hCG tự do và kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy để tăng khả năng phát hiện, đánh giá nguy cơ
- Trong hội chứng Down: định lượng nồng độ PAPP-A có xu hướng giảm, beta hCG tự do tăng cao và độ mờ da gáy tăng.
- Trong hội chứng Edwards: thường thấy định lượng PAPP-A sẽ giảm, beta hCG tự do giảm.
- Trong hội chứng Patau: Nồng độ PAPP-A thường thấp.
Khi kết quả xét nghiệm này tăng hoặc bất thường không có nghĩa là thai nhi được chẩn đoán chính xác mắc các dị tật bẩm sinh Down, Patau, Edwards. Xét nghiệm này chỉ cho phép chẩn đoán nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể gây ra các dị tật bẩm sinh. Nếu trong trường hợp nghi ngờ bác sĩ sẽ tư vấn thêm các kỹ thuật khác để chẩn đoán xác định như: xét nghiệm NIPT có độ nhạy và khả năng phát hiện cao hơn hoặc kỹ thuật chọc dịch ối.
Khi nào cần làm xét nghiệm xét nghiệm PAPP-A
- Trong chỉ định làm xét nghiệm Double test.
- Sàng lọc tiền sản giật quý I (trong trường hợp không có PLGF).
- Tuổi trên 35.
- Từng sảy thai hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
- Từng mang thai hoặc sinh con có mắc dị tật bẩm sinh.
- Tiền sử gia đình có người sinh con bị dị tật bẩm sinh.
- Đái tháo đường và có sử dụng insulin
- Hút thuốc lá.
- Đang sử dụng thuốc hoặc hóa chất có thể gây nguy hại cho thai
- Nhiễm virus trong quá trình mang thai.
- Có tiếp xúc với phóng xạ
- Có các biểu hiện hoặc nghi ngờ bất thường trên kết quả siêu âm.
Xét nghiệm PAPP-A có cần nhịn ăn không?
Xét nghiệm PAPP-A sử dụng mẫu máu ở tĩnh mạch tay của người mẹ để làm xét nghiệm. Khác với những xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm đường máu khác, khi thực hiện xét nghiệm PAPP-A, thai phụ không cần thiết phải nhịn ăn, cũng như không cần thêm điều kiện gì đặc biệt nào khác.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.