Đo lưu lượng đỉnh trong chẩn đoán hen phế quản
03:16 - 29/03/2020 Lượt xem: 1013
Đo lưu lượng đỉnh thở ra (peak expiratory flow) được khuyên dùng trong chẩn đoán bệnh hen phế quản và các đợt cấp. Hen phế quản là bệnh lý hô hấp mãn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh xảy ra do cơ thể phản ứng với các dị ứng […]
Đo lưu lượng đỉnh thở ra (peak expiratory flow) được khuyên dùng trong chẩn đoán bệnh hen phế quản và các đợt cấp. Hen phế quản là bệnh lý hô hấp mãn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh xảy ra do cơ thể phản ứng với các dị ứng nguyên, liên quan đến các yếu tố di truyền và các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
1. Lưu lượng đỉnh thở ra là gì?
Lưu lương đỉnh là dụng cụ cầm tay, kỹ thuật đơn giản dễ sử dụng; có độ tin cậy khá cao trong chẩn đoán và đánh giá tình trạng hen phế quản; giúp người bệnh có thể theo dõi tình trạng bệnh tại nhà.
Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) là lưu lượng khí tối đa một người có thể thở ra.
Nên theo dõi lưu lượng đỉnh thường xuyên. Hàng ngày đo vào thời điểm ngay khi ngủ dậy và lúc 6 giờ chiều.
Trẻ em 5-6 tuổi và người lớn có thể dễ dàng sử dụng. Bệnh nhân cần được hướng dẫn tỷ mỷ về cách sử dụng. Đo 3 lần liên tiếp lấy kết quả của lần đo tốt nhất, ghi kết quả vào sổ theo dõi.
Lưu lượng đỉnh thể hiện bằng lít/phút, nó thay đổi theo tuổi; giới tính, chiều cao và độ nặng nhẹ của hen phế quản.
2. Những trường hợp cần theo dõi lưu lượng thở ra đỉnh:
Dùng để chẩn đoán hen suyễn:
- Có triệu chứng hen + hô hấp ký bình thường.
- Có triệu chứng hen + không đo được hô hấp ký.
- Chẩn đoán hen nghề nghiệp: thay đổi PEF ở nơi làm việc và tại nhà.
Dùng để đánh giá mức độ kiểm soát hen suyễn:
Đặc biệt là trên bệnh nhân hen nhận biết triệu chứng hen kém.
3. Tại sao phải thực hiện bài kiểm tra lưu lượng thở ra đỉnh?
Kiểm tra PEFR là một bài kiểm tra đơn giản, phổ biến giúp chẩn đoán và theo dõi các vấn đề liên quan đến phổi như:
- Bệnh hen suyễn
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Rối loạn chức năng sau ghép phổi.
Loại kiểm tra này cũng có thể được thực hiện tại nhà để xác định liệu pháp điều trị rối loạn phổi nào đang thực hiện và để ngăn ngừa tình trạng bệnh lý trở nên tệ hơn. Giữ kết quả của các lần lưu lượng đỉnh cũng có thể giúp bệnh nhân xác định liệu các yếu tố môi trường hay một số chất gây ô nhiễm có đang tác động đến hơi thở của họ không.
4. Cách đo lưu lượng đỉnh thở ra
Kiểm tra lưu lượng đỉnh PEF được thực hiện bằng một lưu lượng đỉnh kế. Đây là một dụng cụ cầm tay đơn giản với một ống thổi ở một đầu và thang đo ở một đầu khác. Một mũi tên bằng nhựa nhỏ chuyển động khi không khí được thổi vào ống; đo tốc độ dòng không khí.
Các bước tiến hành đo lưu lượng đỉnh thở ra:
- Người bệnh có thể ngồi xuống hoặc giữ ở tư thế đứng
- Cài đặt lại về mức 0 trên lưu lượng đỉnh kế
- Sau khi hít sâu hết sức, miệng ngậm kín vào đầu ống thổi bạn thở ra nhanh; mạnh vào lưu lượng đỉnh kế. Bỏ lưu lượng đỉnh kế ra khỏi miệng trước khi hít vào thì tiếp theo.
- Tiến hành lặp lại động tác thêm lần 2 theo các bước trên, mỗi lần cách nhau tối đa 2 giây
- Ghi nhận chỉ số đo cao nhất
Chỉ số lưu lượng đỉnh tốt nhất là thông số ghi nhận khi người bệnh đã kiểm soát được cơn hen suyễn (hoàn toàn không khó thở, hoàn toàn thoải mái) trong 2 tuần. Số đo thấp hơn chỉ số tốt nhất là dấu hiệu báo động của cơn hen.
Chú ý: Nếu ho hoặc hắt hơi khi thở ra, người bệnh sẽ phải bắt đầu thực hiện lại.
Để xác định “Thể trạng tốt nhất của bản thân”, nên đo lường lưu lượng đỉnh:
- Ít nhất hai lần một ngày trong vòng 2 đến 3 tuần;
- Vào buổi sáng khi thức dậy và vào cuối buổi chiều hay đầu buổi tối
- 15 đến 20 phút sau khi sử dụng thuốc đồng vận beta 2 dạng hít, tác dụng nhanh (thuốc hen suyễn).
5. Chỉ số PEF trong hen phế quản
Tình trạng bệnh hen phế quản phải được chẩn đoán chính xác, phân loại 4 mức độ từ nhẹ đến nặng
Để điều trị hen suyễn bằng thuốc hiệu quả cần có sự đánh giá độ nặng nhẹ của bệnh. Tùy theo triệu chứng lên cơn hen, tùy vào lưu lượng đỉnh thở ra (PEF: Peak Expiratory Flow)) khi đo bằng lưu lượng đỉnh kế có 4 mức từ nhẹ đến nặng như sau (theo hướng dẫn GINA):
- Mức 1 (hen suyễn từng cơn): triệu chứng < 1 lần/tuần, triệu chứng về đêm < 2 lần/tháng, PEF >80% giá trị lưu lượng thở bình thường.
- Mức 2 (hen suyễn liên tục nhẹ): triệu chứng > 1 lần/tuần, triệu chứng về đêm > 2 lần/tháng, PEF >80% giá trị lưu lượng thở bình thường.
- Mức 3 (hen suyễn liên tục trung bình): triệu chứng xảy ra mỗi ngày, triệu chứng ban đêm > 1 lần/tuần, PEF = 60 – 80% giá trị lưu lượng thở bình thường.
- Mức 4 (hen suyễn liên tục nặng): triệu chứng liên tục làm hạn chế sinh hoạt, triệu chứng ban đêm thường xuyên hành hạ người bệnh, PEF < 60% giá trị lưu lượng thở bình thường.
Lưu lượng đỉnh PEF đo tốc độ bạn có thể thở ra khi gắng hết sức. Kết quả từ phép đo sẽ được so sánh với trị số bình thường được đính kèm theo máy. Nếu bạn thấy kết quả của mình nhỏ hơn khoảng bình thường hãy báo cho bác sĩ để được khám lại. Thông thường chỉ số lưu lượng đỉnh thở ra dao động nhẹ trong ngày. Nó thường thấp vào buổi sáng và cao hơn vào buổi chiều. Chỉ số PEF trong hen phế quản nặng dao động rất lớn trong ngày.
Lưu lượng đỉnh có vai trò trong chẩn đoán hen phế quản, đặc biệt ở những cơ sở không có phương tiện đo chức năng hô hấp. Mặt khác, lưu lượng đỉnh là phương tiện hữu ích giúp người bệnh và bác sỹ theo dõi bệnh, đánh giá điều trị, dự đoán cơn hen cấp để có thể điều trị kịp thời và phù hợp.